Phụ nữ Ia Broăi hướng tới mục tiêu bình đẳng giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Được Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam chọn làm điểm triển khai Dự án số 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, Hội LHPN xã Ia Broăi (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) đã xây dựng nhiều mô hình hiệu quả giúp chị em phát huy quyền làm chủ, khẳng định vị thế trong xã hội.
Nâng cao nhận thức
Hội LHPN xã Ia Broăi có 1.089 hội viên, trong đó, hơn 300 hội viên thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Bà Kpă H’Yư-Chủ tịch Hội LHPN xã-cho hay: Trình độ dân trí còn thấp nên tình trạng tảo hôn, bạo lực gia đình vẫn xảy ra trong các buôn làng. Theo thống kê, năm 2021, toàn xã có 10 cặp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Lấy chồng sớm, sinh con khi còn quá trẻ nên nhiều chị em mãi quẩn quanh với đói nghèo.
Nhằm bảo vệ, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em yếu thế, năm 2021, Hội LHPN xã triển khai mô hình “Địa chỉ tin cậy” với 15 thành viên và Câu lạc bộ (CLB) “Phụ nữ với pháp luật” gồm 20 thành viên. Các chị thường xuyên được tham gia các buổi truyền thông, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới, bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em, phòng-chống “tín dụng đen”… Đặc biệt, các hội viên phụ nữ đều có thể tìm đến “Địa chỉ tin cậy” để được tư vấn, hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi trước pháp luật.
Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm của Hội LHPN xã Ia Broăi góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống. Ảnh: Vũ Chi
Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm của Hội LHPN xã Ia Broăi góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống. Ảnh: Vũ Chi
Dịp 20-10 vừa qua, Hội LHPN xã thành lập CLB Dệt thổ cẩm, đồng thời ra mắt đội cồng chiêng xã với 20 thành viên. Không chỉ góp phần bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, các mô hình còn giúp truyền dạy kỹ năng cho thế hệ trẻ. Sau hơn 1 tháng đi vào hoạt động, đội cồng chiêng đã tăng lên 30 thành viên. Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc được tổ chức vừa qua là dịp để chị em trong CLB giao lưu, học hỏi. 
Bà Nay H’Bon (buôn Ia Rniu) kể: Ngày xưa, con gái Jrai muốn đi lấy chồng thì phải tự tay dệt được tấm váy, khố để làm sính lễ bắt chồng. Tuy nhiên, ngày nay, nét đẹp này đang dần mai một. Đó cũng là trăn trở lớn nhất của nghệ nhân lớn tuổi như bà. “Khi CLB Dệt thổ cẩm được thành lập, tôi cùng nhiều nghệ nhân khác rất mừng, mọi người cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm để có những tấm thổ cẩm đẹp mắt, tinh xảo và quan trọng nhất là truyền tình yêu nghề cho lớp trẻ. Với giá 1,5-2 triệu đồng/bộ váy áo nữ và 1-1,5 triệu đồng/áo nam, công việc này góp phần tạo thêm thu nhập cho chị em những lúc nông nhàn”-bà H’Bon trải lòng.
Tự tin làm giàu
Không chỉ giúp nhau nâng cao nhận thức, hội viên phụ nữ xã Ia Broăi còn hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Đầu năm 2022, nhóm cùng sở thích trồng bắp ngọt xã Ia Broăi được thành lập với 10 thành viên. Sau một thời gian triển khai, mô hình thu hút thêm 5 chị tham gia. Các thành viên trong nhóm cùng nhau chia sẻ cách phòng trừ sâu bệnh và liên kết tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Bên cạnh đó, các chị mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt để nâng cao năng suất cây trồng.
Chị Rcom H’Đom (buôn Ia Rniu) chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi thường trồng bắp lai nhưng hiệu quả không cao. Sau khi được các chị giới thiệu mô hình trồng bắp ngọt, tôi đã trồng thử nghiệm và hiệu quả thấy rõ. Thương lái đến tận ruộng thu mua. Ngoài ra, thân cây bắp có thể bán lại cho các hộ chăn nuôi bò. Với 4 vụ/năm, 1 ha bắp ngọt của gia đình mang lại thu nhập trên 150 triệu đồng”.
Mô hình trồng ngô ngọt mang lại hiệu quả kinh tế cao cho hội viên phụ nữ xã Ia Broăi. Ảnh: Vũ Chi
Mô hình trồng bắp ngọt mang lại hiệu quả kinh tế cao cho hội viên phụ nữ xã Ia Broăi. Ảnh: Vũ Chi
Trao đổi với P.V, bà Huỳnh Thị Ngọc Lan-Chủ tịch Hội LHPN huyện Ia Pa-khẳng định: Những năm qua, công tác bình đẳng giới trên địa bàn huyện đã có sự tiến bộ rõ rệt. Tỷ lệ chị em tham gia các tổ chức chính trị-xã hội ngày càng tăng. Việc Trung ương Hội LHPN Việt Nam chọn xã Ia Broăi làm điểm để triển khai mô hình tổ tiết kiệm vay vốn thôn, bản trong Dự án số 8 là động lực để hội viên phụ nữ tự tin vươn lên làm giàu chính đáng, đưa vị thế, vai trò của phụ nữ ngang bằng nam giới trong tham gia phát triển kinh tế-xã hội địa phương cũng như nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ nữ trong hệ thống chính trị. Thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục duy trì cách làm hiệu quả cũng như khảo sát lại một số mô hình, thay đổi phương thức hoạt động cho phù hợp với tình hình, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới tại địa phương.
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.