Về trận ném bom đầu tiên của thực dân Pháp tại Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước đây, có lẽ vì không nhiều tư liệu nên cuộc ném bom đầu tiên của thực dân Pháp xuống vùng đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên vào tháng 4-1924 là một bí ẩn. Trong các cuốn sử đã được ấn hành liên quan đến Gia Lai và Tây Nguyên, sự kiện này thậm chí còn bị lãng quên. Qua các trang viết từ nhiều nguồn, trận ném bom kinh hoàng đầu tiên của thực dân Pháp tại khu vực Tây Nguyên dần được chúng tôi kết nối và tái hiện.

Trong cuốn “Việt Nam những sự kiện lịch sử (1919-1945)” của tác giả Dương Trung Quốc do Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục ấn hành năm 2005 và “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai (1945-2005)”  (NXB Chính trị Quốc gia, 2009), cuộc ném bom đầu tiên của thực dân Pháp vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số Bắc Tây Nguyên được nhắc đến là trận tháng 3-1929. Phải đến cuốn “Lịch sử Đảng bộ thị xã An Khê (1945-2005)” (NXB Chính trị Quốc gia, 2010) mới có 2 dòng nhắc đến việc thực dân Pháp ném bom vào vùng đồng bào Bahnar năm 1924 với nội dung: “Ngày 11-4-1924, quân Pháp đưa máy bay đến đánh phá làng Đe Krúi và một số làng dọc đường An Khê-Cheo Reo nhưng vẫn không khuất phục được tinh thần đấu tranh của Nhân dân”.

  Nhân dân Tây Nguyên cùng bộ đội kéo pháo để đánh chiếm các điểm cao ở Pleiku trong Chiến dịch Tây Nguyên, mở màn cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Ảnh tư liệu
Nhân dân Tây Nguyên cùng bộ đội kéo pháo để đánh chiếm các điểm cao ở Pleiku trong Chiến dịch Tây Nguyên, mở màn cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Ảnh tư liệu


Gần đây, khi đọc hồi ký “Khúc Tiêu Đồng” (NXB Trẻ, 2014) của Hà Ngại-một vị quan triều Nguyễn, có thời gian làm Quản đạo tỉnh Kon Tum, chúng tôi thấy một đoạn viết: Năm 1924, khi ông Hà Ngại đang làm Tri huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định) thì ông Commandant Glaise (Trung tá-quan tư, ở ngành Hàng không Pháp) đến. Ông ta tự giới thiệu và nói: Có việc quân sự khẩn cấp ở miền Thượng du Trung Kỳ, phải đem 5 chiếc tàu bay vào để làm việc gấp lắm, nên cần một sân bay tạm ở làng Hòa Hội (huyện Phù Cát) để hạ cánh.

Biết là không thể không làm cái việc mà quan Pháp yêu cầu, Tri huyện Phù Cát lúc đó đã đòi Chánh, Phó tổng làng Hòa Hội và 2 làng lân cận gọi dân đinh đi làm xâu để sau đó 5 ngày, một sân bay tạm được hoàn thành. Người Pháp muốn đưa máy bay của họ đến Phù Cát vào ngày hôm sau khi sân bay được làm xong. Nhưng vì trời mưa nên máy bay thời ấy đã không cất cánh được như dự tính, mà phải 4 ngày sau đó, tốp máy bay này mới bay được lên Kon Tum. Ít ngày sau, phi hành đoàn trở về và cho biết: Họ đã lên Kon Tum thả bom chết mấy người dân tộc thiểu số.

Những thông tin từ cuốn hồi ký của Hà Ngại thôi thúc tôi tiếp tục cuộc kiếm tìm tư liệu về trận ném bom đầu tiên của thực dân Pháp vào Tây Nguyên này. Tôi điện cho anh Nguyễn Quang Hiền-một kỹ sư điện yêu lịch sử, thông thạo tiếng Pháp và đề nghị anh tìm giùm xem có tài liệu nào của người Pháp nói về cuộc ném bom vào Kon Tum năm 1924 không (vì lúc ấy, phần đất sau này là Gia Lai vẫn thuộc tỉnh Kon Tum). Cuối cùng, may mắn cũng đã đến. Anh Hiền đã tìm thấy và dịch cho bài viết của tôi 2 đoạn viết liên quan. Một đoạn trong báo cáo tại phủ Toàn quyền Đông Dương, phiên họp thường kỳ năm 1924, phần Nha quân sự và một đoạn trong sách “Lịch sử ngành Hàng không quân sự Pháp”, in năm 1931 tại Paris. Qua đó, sự kiện liên quan dần sáng tỏ: Tháng 3-1924, theo đề nghị của Khâm sứ Trung Kỳ, Toàn quyền Đông Dương quyết định mở một cuộc hành quân đánh vào làng Kon Krối (nguyên văn là Kon-kroϊ) thuộc xứ Thượng (cách An Khê 4 km). Tham gia vào cuộc hành quân này, ngoài lực lượng quân sự (gồm 2 máy bay từ Sân bay Bạch Mai-Hà Nội vào) người Pháp còn trưng dụng của chính quyền dân sự 3 máy bay đang thực hiện nhiệm vụ chụp không ảnh ở khu vực Kon Tum và Buôn Ma Thuột.

Ngày 11-4-1924, thực dân Pháp cho 2 máy bay, mỗi chiếc được trang bị 4 quả bom 115 ly rời Kon Tum, hạ cánh xuống An Khê. Chúng thông báo cho dân chúng đến xem máy bay rồi tiến hành ném bom, đốt cháy 70/80 ngôi nhà của ngôi làng người Thượng không chịu khuất phục Kon Krối. Chưa dừng lại, ngày 18-4, chúng tiếp tục cho 3 máy bay, trang bị 10 quả bom 115 ly rời Kon Tum, ném bom cách những nơi tạm trú của dân làng 500 m và những điểm dưới tán rừng (có người tránh trú) theo báo cáo của viên chỉ huy lực lượng lính bảo an dưới đất làm cho dân làng Kon Krối bị tổn thất nghiêm trọng, giết chết 15 người.

Vậy đâu là nguyên nhân của cuộc ném bom này? Và làng Krối là làng nào? của dân tộc nào? Nay còn không? Về nguyên nhân của cuộc ném bom năm 1924, xin quay lại nội dung đã được viên quan tư Pháp “tiết lộ” với viên Tri huyện Phù Cát: “Vì mọi Kon Tum làm giặc, chánh quyền địa phương bảo họ, hễ không đầu thú, nhà nước sẽ đem máy bay lên đây thả bom chết hết. Người đại diện của họ nói, cứ đem tàu bay lên cho họ thấy, họ mới tin. Vì vậy chúng tôi mới lên đây. Thế mà mấy hôm nay mưa mãi, không lên được; bọn họ nói: Chính phủ nói láo”. Lý do khiến người dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum “làm giặc”, tư liệu lịch sử cho biết, từ năm 1922 đến 1929, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở An Khê liên tiếp diễn ra các phong trào đấu tranh chống bắt phu, thu thuế... Làng Krối/Krúi thường xuyên nổi dậy chống quân Pháp vì bị bắt đi xâu để làm con đường nối An Khê với Cheo Reo đi ngang qua làng. Năm 1924, khi tình trạng chống đối chính quyền lên đến đỉnh điểm, những người dân tộc thiểu số vùng này đã giết hại nhiều người Annam (trong đội ngũ làm thuê cho người Pháp) và cả những người châu Âu.

Về địa điểm diễn ra sự kiện này, trong Lịch sử Việt Nam, tập 8, từ năm 1919 đến 1930, tr. 294, NXB Khoa học xã hội viết: “Đó là những cuộc tàn sát đối với đồng bào Xơ Đăng sống ở Tây Bắc cao nguyên An Khê”. Đối chiếu địa điểm trên, chúng tôi thấy nó quá xa với những mô tả trong tư liệu của người Pháp về phía Bắc quốc lộ 19, trong khi con đường An Khê-Cheo Reo thì phải nằm ở Nam quốc lộ này. Về tộc danh thì trên toàn cao nguyên An Khê, trên thực tế không có người Xơ Đăng. Tìm trong sách “Địa danh và di tích Gia Lai từ góc nhìn lịch sử-văn hóa” (NXB Khoa học xã hội, 2010), ứng với mục từ Krối/Krúi (nay thường viết là Kruối) có 2 làng Bahnar. Làng thứ nhất ở thôn 1, xã Krong, huyện Kbang (nay được chia tách về xã Đak Smar, huyện Kbang), cách trung tâm An Khê hàng chục km. Làng thứ 2 cùng tên này thuộc xã Yang Bắc, nay thuộc huyện Đak Pơ. Trong danh sách làng xã tỉnh Gia Lai năm 1998 của Sở Nội vụ, làng này được viết là Kruối (còn được ghi là làng Có) thuộc huyện An Khê. Như vậy, đây chính là làng Đinh Cò, năm 1914 được Ch.Trinquet (thanh tra thuộc địa Đông Dương) liệt kê trong “Cao nguyên An Khê”. Ở thời điểm ấy, một làng có 70 nóc nhà như làng này thuộc nhóm các làng có quy mô dân số lớn, nằm ở phía Nam An Khê, cách trung tâm An Khê không quá xa. Những cứ liệu trên cho chúng tôi đi đến kết luận: Nơi thực dân Pháp ném bom đàn áp đầu tiên trên đất Tây Nguyên chính là làng Kruối/Krúi/Krối của người Bahnar, nay thuộc xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ.

Gần 1 thế kỷ đã qua kể từ những ngày kinh hoàng ấy-ngày các cộng đồng Bahnar bị loài “chim” sắt khổng lồ quần đảo, gầm rú, trút từ trời cao xuống những trái bom, đốt cháy toàn bộ nhà cửa và cướp đi của họ 15 người ruột thịt... Hành động tàn bạo của thực dân Pháp chẳng những không đàn áp được cộng đồng người Bahnar và các dân tộc thiểu số Tây Nguyên như chúng toan tính, mà còn dội thêm vào lòng dân mối căm hờn, để từ đây, người Bahnar phía Đông tỉnh Gia Lai hòa cùng dân tộc Việt Nam bước đi trọn vẹn trên con đường đấu tranh giành độc lập tự do mà Đảng và Bác Hồ đã chọn, góp phần làm nên thành công của Cách mạng Tháng Tám.

 

Tiến sĩ NGUYỄN THỊ KIM VÂN

 

Có thể bạn quan tâm

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.