Theo dấu măng le

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Phẩm vị của loại măng mọc tự nhiên đã đi vào ca dao như hàng hóa đặc biệt, một chỉ dẫn địa lý đầy thi vị “Măng le gửi xuống, cá chuồn gửi lên” khi nói về sản vật của vùng cao, trong đó có Gia Lai.

Nhộn nhịp vào mùa

Xế chiều, trong cơn mưa nặng hạt, đôi vợ chồng trẻ Khay và A Ngưp (làng Kret Krot, xã Hà Ra, huyện Mang Yang) mới từ rừng trở về, chở theo 1 bao măng le nặng trịch. Anh A Ngưp dựng xe trước điểm thu mua của gia đình chị Nguyễn Thị Chín-chủ vựa măng ở thôn Phú Yên (xã Hà Ra), khệ nệ khiêng bao măng đặt lên cân. “40 kg, trừ 2 kg bì còn 38”-chất giọng “xứ nẫu” đặc sệt của chị Chín vang lên. Chị Khay cho biết, vợ chồng chị mới cưới, tranh thủ đi lấy măng le trong mùa mưa để kiếm thêm về trả cho hết tiền nợ cưới. “Ngày nào vợ chồng mình cũng đi từ sáng sớm tới 3-4 giờ chiều mới về. Đi càng xa càng lấy được nhiều, xa nhất là vào rừng le cách nhà 30 km. Mùa mưa này lấy măng le cực lắm, nhưng bù lại ngày kiếm được 200-300 ngàn đồng”-chị Khay chia sẻ.

Xưởng thu mua măng của chị Nguyễn Thị Chín (thôn Phú Yên, xã Hà Ra, huyện Mang Yang) hoạt động liên tục suốt 3 tháng mùa mưa, có ngày làm tới 12 giờ đêm. Ảnh: Minh Châu
Xưởng thu mua măng của chị Nguyễn Thị Chín (thôn Phú Yên, xã Hà Ra, huyện Mang Yang) hoạt động liên tục suốt 3 tháng mùa mưa, có ngày làm tới 12 giờ đêm. Ảnh: Minh Châu


Vợ chồng chị Khay vừa đi lại tiếp tục có người chở măng tới. Vẫn là bao măng le nặng 40 kg cần tới 2 người khiêng, nhưng là măng hái trên rẫy của gia đình chị Hơng (làng Kon Chră, xã Hà Ra). Chị cho hay, những bụi le lâu năm trên rẫy của gia đình, năm nào đến mùa mưa cũng thu hoạch được vài tạ, có khi hàng tấn. “Le trên rẫy vừa để làm hàng rào, vừa để cha mình có nguyên liệu đan gùi, làm rổ rá. Mùa mưa, măng mọc nhiều lắm, nhà ăn không hết nên mình lấy bán bớt. Mình chỉ lấy ngọn măng mới nhú vì bán được giá. So với các chỗ khác thì ở đây thu mua giá cao nhất, 6 ngàn đồng/kg măng tươi”-chị Hơng kể.

Cảnh mua bán măng diễn ra nhộn nhịp. Chị Chín ngồi xuống đứng lên liên tục mỗi khi có khách chở măng đến. Măng thu tới đâu được xử lý ngay tới đó. 5 người phụ nữ dùng những con dao nhỏ, bén sắc làm sạch mặt ngoài của đọt măng, sau đó cho vào 2 chiếc nồi lớn sôi ùng ục trên bếp gần đó để luộc. Măng đã qua sơ chế chia thành từng bao lớn, mỗi bao 50 kg để sẵn ven đường. Cách vài tiếng đồng hồ lại có 1 có xe tải đến bốc chở về xuôi trong ngày.

Chị Chín quen việc chẵn 20 năm nên cơ sở là địa chỉ quen thuộc của người bản địa mỗi mùa măng le. “Có ít mua ít, nhiều mua nhiều, nhưng trung bình mỗi ngày mình mua vào khoảng 2 tấn măng tươi. Măng bà con lấy trên rừng cũng có, lấy trong vườn cũng có, nhưng đều là măng tự nhiên, rất sạch”-chị Chín tâm sự.

Giữ phẩm vị cho măng

Măng le là sản vật của núi rừng Tây Nguyên, thường được bà con mua bán, trao đổi, đưa xuống cả đồng bằng. 30 năm trước, khi chị Chín từ quê hương Bình Định lấy chồng và lên định cư ở vùng đất Hà Ra, mỗi lần về thăm quê không quên mang theo loại măng “vạn người mê” làm quà. Chị kể: “Xứ Bình Định có măng tre, nhưng vị ngon của măng le Gia Lai đánh bại mọi loại măng khác. Ban đầu, người thân thường nhờ tôi mua vài ký gửi xuống, sau thấy nhiều người thích nên chuyển sang buôn bán măng. Mới đó mà đã chẵn 20 năm tôi theo nghề, khách hàng không riêng gì xứ nẫu”.

Để giữ vị tươi ngon của măng, khâu sơ chế có vai trò rất quan trọng. Theo chị Chín, măng tươi làm sạch luộc phải đủ 3 tiếng đồng hồ trên bếp củi rồi vớt ra ngâm nước lạnh. Măng khi luộc kỹ, đủ lửa, đủ thời gian sẽ bảo quản được lâu và không bao giờ bị hư. Cơ sở của chị Chín chia măng làm 3 loại: loại 1 là măng đọt to đều, loại 2 là măng đọt nhỏ, loại 3 là măng cục cắt ra từ những mụt măng già. “Măng ngon nhất là loại nhú khỏi mặt đất chừng gang tay, thân mập, ruột đặc, nấu lên rất ngọt. Măng cao quá gang tay và thân chuyển màu xanh cho loại măng thứ 3 nên giá rẻ hơn, thậm chí mình không thu mua. Người dân không hái loại măng này mà để chúng lớn. Vả lại, đưa được gùi măng từ rừng về vất vả lắm nên chẳng ai muốn hái loại măng già kém chất lượng, giá rẻ. Đây cũng là cách sống dựa vào rừng bền vững của người dân bản địa. Mình chưa thấy lượng măng le sụt giảm, chỉ là sức khỏe không kham nổi việc nhiều như trước”-chị Chín chia sẻ.

Không chỉ có cơ sở của chị Chín, xuôi theo quốc lộ 19 qua địa bàn xã Hà Ra còn có một số điểm thu mua măng ven đường. Dưới bóng mát của hàng hoa sữa ngay đỉnh đèo Mang Yang là nhóm thu mua măng của chị Nguyễn Thị Hồng. Trong khi những người phụ nữ khác thoăn thoắt làm măng thì chị Hồng đứng ra trao đổi, thu mua măng. Chị cho biết: “Đây là nơi thu mua thuận lợi, vì người dân lấy măng rừng về thường đi qua. Mỗi ngày mình mua được chừng 2 tấn, gọt sạch tại chỗ rồi mới đưa về nhà để sơ chế và đưa về tiêu thụ ở Quảng Ngãi là chủ yếu”.

Món ngon từ măng

Không chỉ có măng tươi, các vựa măng còn làm măng khô để trữ bán vào mùa Tết hoặc muối măng chua với ớt hiểm, nếu có đơn đặt hàng. Sản vật của rừng núi đã đi vào mâm cơm của bao nhiêu gia đình với sự sáng tạo phong phú tùy phong cách ẩm thực từng vùng miền. Măng le tươi chỉ cần luộc kỹ chấm nước mắm tỏi ớt cũng đủ đưa cơm vào những ngày mưa. Măng tươi bào mỏng làm gỏi có vị ngọt và giòn sần sật. Măng khô được hầm chân giò, thịt gà trong mâm cỗ ngày Tết. Hay măng muối chua để nấu lẩu, canh cá đồng, cá biển đều là món ngon hợp khẩu vị nhiều người. Chị Hồng cho biết thêm: “Quê tôi (Quảng Ngãi) có nơi người ta còn làm gỏi măng để ăn với bánh tét cho đỡ ngán”.

Măng sau khi làm sạch được luộc kỹ 3 tiếng bằng bếp củi. Ảnh: Minh Châu
Măng sau khi làm sạch được luộc kỹ 3 tiếng bằng bếp củi. Ảnh: Minh Châu


Chúng tôi cũng từng được nghe nhiều “giai thoại” về măng le từ những người từng hoạt động cách mạng. Có một già làng ở huyện Chư Păh kể rằng, trong kháng chiến chống Mỹ, mỗi làng đều xung phong góp gạo trước mỗi chiến dịch để chuẩn bị lương thực cho bộ đội. Lần đó, làng ông góp thiếu mất một gùi gạo. Bàn nhau mãi cuối cùng đánh liều quy thành 5 gùi măng le. Không ngờ, cán bộ tiếp nhận lương thực rất cảm động, nói rằng gùi măng của dân còn quý hơn vàng vì bộ đội rất thiếu rau. Nguyên Tổng Biên tập Báo Gia Lai Đoàn Minh Phụng cũng đã từng kể lại trong một bài viết: “Ngày còn trong căn cứ kháng chiến, anh chị em cán bộ, chiến sĩ chúng tôi coi măng le là một loại thực phẩm đặc biệt. Măng sau khi hái về có thể chế biến ngay bằng cách nấu với bất cứ loại rau rừng nào, nếu nấu với món bắp non và bí đỏ thì càng tuyệt; cũng có thể luộc làm chua, phơi khô để sử dụng dần. Măng le lành tính, dễ chế biến và nhiều chất xơ”.
 

 MINH CHÂU

 

Có thể bạn quan tâm

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.