Kbang tăng tốc xây dựng nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Phát huy thành quả của 37 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) quyết tâm phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Trong đó, xây dựng nông thôn mới (NTM) được xem là tiền đề quan trọng để phát triển nhanh và bền vững.
Trên cơ sở thực hiện Quyết định số 181/HĐBT, ngày 28-12-1984 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về việc tách một phần phía Bắc của huyện An Khê và 2 xã (huyện Kon Plông, tỉnh Gia Lai-Kon Tum) để thành lập huyện Kbang, ngày 19-5-1985, tại làng Buôn Lưới (xã Sơ Pai), Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện Kbang đã tổ chức lễ ra mắt và lấy ngày 19-5 là ngày thành lập huyện. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong huyện đoàn kết một lòng, phát huy nội lực, khai thác tiềm năng lợi thế, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của trung ương, của tỉnh để xây dựng quê hương.
Xây dựng làng NTM
Thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Kbang đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng người dân. Riêng năm 2021, huyện đã huy động hơn 3 tỷ đồng, trong đó, người dân đóng góp 368 triệu đồng chung tay xây dựng làng NTM. Đến nay, toàn huyện có 6 làng đạt chuẩn NTM gồm: Hà Nừng (xã Sơn Lang), Tờ Mật (xã Đông), Kon Lốc 2 (xã Đak Rong), Lơk (xã Nghĩa An), Kdâu (xã Kông Lơng Khơng) và làng Tăng (xã Krong).
Năm 2020, làng Lơk được UBND huyện Kbang công nhận đạt chuẩn NTM. Chứng kiến sự đổi thay trên quê hương mình, ông Đinh Lim phấn khởi cho biết: “Từ khi xây dựng NTM, bộ mặt làng, xã có nhiều đổi thay, kết cấu hạ tầng nông thôn và hạ tầng sản xuất từng bước được phát triển; trình độ, nhận thức về canh tác và việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất của người dân ngày càng được nâng cao”.
Huyện Kbang đầu tư nâng cấp đường giao thông liên xã. Ảnh: Minh Nguyễn
Huyện Kbang đầu tư nâng cấp đường giao thông liên xã. Ảnh: Minh Nguyễn
Đến nay, làng Stơr (xã Tơ Tung) đã hoàn thành 15/19 tiêu chí NTM. Đến năm 2023, làng phấn đấu hoàn thành các tiêu chí: hộ nghèo, thu nhập, vệ sinh môi trường và bảo hiểm y tế. Ông Trần Xuân Nam-Chủ tịch UBND xã-cho biết: “Song song với duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, xã tiếp tục tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, tuyên truyền, vận động người dân chung tay bảo vệ môi trường, trồng cây xanh, đào hố chôn lấp rác thải, làm công trình phụ; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; bảo tồn và phát huy di tích lịch sử, văn hóa truyền thống, phát triển du lịch; hỗ trợ hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Xã phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 42 triệu đồng/năm; người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 72,5%”.
Được biết, theo kế hoạch những năm tới, huyện Kbang phấn đấu có thêm 7 làng NTM gồm: làng Lợt (xã Đak Hlơ), Groi (xã Kông Pla), Đak Kjông (xã Lơ Ku), Kon Ktonh (xã Kon Pne), Tơ Kơr (xã Sơ Pai), làng Cam (xã Đak Smar) và làng Stơr (xã Tơ Tung).
Tập trung hoàn thành xã NTM
Trong giai đoạn 2016-2021, huyện Kbang đã huy động hơn 2.880 tỷ đồng để đầu tư cứng hóa 258,75 km đường giao thông, xây dựng công trình thủy lợi, hệ thống điện, cơ sở vật chất trường lớp, trạm y tế, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Nhờ đó, đời sống người dân được nâng cao. Cuối năm 2021, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 39,1 triệu đồng/năm, tăng 22,2 triệu đồng so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,38%, giảm 21,5% so với năm 2015. Toàn huyện có 7/13 xã đạt chuẩn NTM (theo bộ tiêu chí giai đoạn 2016-2020); bình quân đạt 17,31 tiêu chí/xã.
Tại xã Sơn Lang, những năm qua, cấp ủy và chính quyền địa phương đã huy động hơn 100 tỷ đồng để đầu tư hoàn thiện các tiêu chí NTM, trong đó, người dân đóng góp 5,8 tỷ đồng. Từ nguồn lực này, xã đã bê tông hóa 25,2 km đường liên xã, thôn, xóm và 18,2 km trục đường nội đồng; xây dựng trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, khu vui chơi giải trí, sân bóng đá, bóng chuyền. Chủ tịch UBND xã Lê Quý Truyền cho hay: “Xã có 9 thôn, làng với 1.206 hộ, 4.161 khẩu. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 38 triệu đồng/năm. Để giữ vững, nâng cao các tiêu chí, chúng tôi tiếp tục quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; phân công nhiệm vụ cho từng cán bộ, hội đoàn thể với phương châm “Xã bám thôn, làng; cán bộ, đảng viên bám hộ gia đình” tuyên truyền, vận động bà con nâng cao nhận thức trong làm kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
Hiện Kbang còn 6 xã chưa đạt chuẩn NTM gồm: Kon Pne, Đak Rong, Krong, Đak Smar, Lơ Ku và Kông Lơng Khơng. Phó Chủ tịch UBND xã Kông Lơng Khơng Đinh Văn Lum chia sẻ: “Hiện xã đã đạt 14/19 tiêu chí NTM. Địa phương đã xây dựng đề án NTM giai đoạn 2021-2025 với kế hoạch chi tiết cho từng năm; tập trung huy động mọi nguồn lực và triển khai nhiều giải pháp để hoàn thành các tiêu chí trong thời gian sớm nhất”.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Dũng cho biết: “Thời gian tới, huyện tiếp tục rà soát, lập quy hoạch xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 tại 13 xã. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; phát huy tiềm năng lợi thế để phát triển du lịch, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Từ đó, xây dựng Kbang ngày càng phát triển nhanh, bền vững”. 
NGỌC MINH
 

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.
“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.