Đak Rong chuyển mình phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mặc dù chưa hoàn thành đầy đủ các tiêu chí để đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nhưng xã Đak Rong (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) đang đổi thay mạnh mẽ từng ngày. Những con đường bê tông trải dài tít tắp chạy dọc theo các vườn cà phê, mắc ca hay cánh đồng lúa chín vàng được triển khai từ các mô hình hỗ trợ sản xuất đã từng bước giúp cuộc sống của người dân nơi đây dần khấm khá.
Buôn làng “thay áo mới”
Nhìn đàn heo hơn chục con sắp đến ngày xuất chuồng, ông Đinh Văn Pin (làng Kon Lôk 1) nhẩm tính đợt này sẽ thu về hơn chục triệu đồng. Chừng khoảng 6 tháng nữa, đàn heo con sẽ mang lại cho ông một khoản thu nhập kha khá. Ông Pin là 1 trong 5 hộ của xã được Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Kbang hỗ trợ 3 triệu đồng để mua giống heo đen về nuôi. Ông cho hay: Đầu năm 2020, từ 3 con giống ban đầu, ông bắt đầu gầy đàn, giữ lại một số heo nái sinh sản từ lứa đầu tiên. Đến nay, ông đã xuất bán 2 đợt thu được hơn 20 triệu đồng. Nhờ tham gia mô hình nuôi heo đen, hỗ trợ trồng dứa không mắt, được hướng dẫn cách chăm sóc cà phê cho năng suất cao mà đời sống gia đình ông dần trở nên khấm khá. Mô hình nuôi heo đen trở thành sinh kế cho 38 hộ khác trong xã vươn lên phát triển kinh tế.
Đến nay, đường trục xã Đak Rong đã bê tông hóa 100%, đảm bảo cho người dân đi lại thuận tiện. Ảnh: Minh Nguyễn
Đến nay, đường trục xã Đak Rong đã bê tông hóa 100%, đảm bảo cho người dân đi lại thuận tiện. Ảnh: Minh Nguyễn
Theo ông Pin, bộ mặt nông thôn nơi đây chuyển biến rõ nét từ khi được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, nhất là đường nội làng, đường đến khu sản xuất. Ngày trước, đường vào trung tâm xã chỉ là đường đất, “mưa lầy, nắng bụi” khiến việc vận chuyển vật tư nông nghiệp đến rẫy gặp nhiều khó khăn, thương lái ép giá nông sản vì giao thương cách trở. Giờ thì đường bê tông chạy từ xã đến làng, nối đến các khu sản xuất, con cái đi học bớt vất vả, bà con có điều kiện tiếp cận với các mô hình sản xuất hiệu quả để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Minh chứng cho những đổi thay tích cực này, anh Đinh Văn Hlua (làng Kon Lanh Te) cho hay: Với 5 ha cà phê, mỗi năm, anh thu gần 40 tấn tươi. Sau khi trừ chi phí, anh lãi hơn trăm triệu đồng. Hơn 5 sào lúa nước 2 vụ cộng với 3 ha keo và mấy con bò xuất bán cũng đem lại cho gia đình chừng ấy thu nhập. Chưa hết, 2 ha mắc ca đang cho thu bói, 300 cây cam chuẩn bị vào vụ quả, thu nhập năm tới sẽ không dưới 300 triệu đồng. “Tất cả những thay đổi này có được đều nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông; hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, khơi thông hệ thống nước tưới vào các khu sản xuất, khai hoang đồng ruộng giúp đời sống người dân từng bước được nâng lên”-anh Hlua khẳng định.
Anh Đinh Văn Hlua-làng Kon Lanh Te được xem là tỷ phú nông dân khi thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Ảnh: Minh Nguyễn
Anh Đinh Văn Hlua (làng Kon Lanh Te, xã Đak Rong, huyện Kbang) được xem là tỷ phú nông dân khi thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Ảnh: Minh Nguyễn
Chuyển biến rõ rệt nhất là làng Hà Đừng. Trước đây, những hộ dân sống rải rác ở bìa rừng trong điều kiện đói nghèo, thiếu điện và nước sạch. Ngôi làng Bahnar này có 178 hộ nhưng có đến 144 hộ nghèo; hệ thống đường giao thông nội làng, liên làng, đường ra khu sản xuất chưa được đầu tư; nhiều tập tục lạc hậu còn tồn tại. Để giúp người dân ổn định cuộc sống, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã tổ chức dời làng về vị trí mới, bố trí, sắp xếp lại dân cư; đồng thời vận động nguồn lực xã hội hóa giúp 144 hộ nghèo xóa nhà ở tạm bợ; đầu tư cơ sở hạ tầng và các điều kiện phục vụ đời sống người dân. Chủ tịch UBND xã Lê Văn Quang cho biết, để thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã hỗ trợ các hộ dân trồng cây mắc ca; đầu tư xây dựng công trình thủy lợi đưa nước vào sản xuất, khai hoang, cải tạo cánh đồng hơn 20 ha; quy hoạch, bố trí quỹ đất để người dân trồng lúa nước 2 vụ…
Chưa dừng lại ở đó, dự án bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai làng Kon Bông chuẩn bị đưa vào sử dụng. Công trình có tổng vốn đầu tư hơn 20,4 tỷ đồng gồm các hạng mục: đường giao thông, đường điện, hệ thống nước sinh hoạt tự chảy tập trung, trường mẫu giáo và nhà văn hóa để sắp xếp, bố trí lại dân cư, giúp 73 hộ người Bahnar (252 khẩu) ổn định cuộc sống. Đây là ngôi làng nằm cách biệt bên hữu ngạn sông Krông Pa (thượng nguồn sông Ba). Muốn vào làng phải qua cầu treo dân sinh chỉ dành cho người đi bộ và xe máy. Do vậy, việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng để sắp xếp, bố trí lại dân cư trong vùng nhằm hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra là rất cần thiết và cấp bách.  
Hướng đến NTM
Triển khai chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020, xã Đak Rong đã có sự chuyển biến rõ rệt, cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội được quan tâm đầu tư tương đối đồng bộ, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng cao. Chủ tịch UBND xã cho biết: Đến nay, đường trục xã (29,7 km) đã bê tông hóa 100%, đường trục thôn và liên thôn (12,3 km) được cứng hóa, đảm bảo xe ô tô đi lại thuận tiện. Cũng trong giai đoạn này, nhờ Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các đơn vị tài trợ quan tâm, xã xóa trên 400 căn nhà tạm, dột nát; đầu tư sắp xếp, bố trí lại dân cư 2 làng đồng bào Bahnar giúp họ ổn định đời sống và sản xuất. Đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,42% (giảm 36,55% so với năm 2016); thu nhập bình quân đầu người đạt 23,6 triệu đồng/năm, tăng 6,3 triệu đồng so với năm 2020.
Nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng xã Đak Rong  được đầu tư đồng bộ, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên (1).jpg
Nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng xã Đak Rong được đầu tư đồng bộ, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng lên. Ảnh: Minh Nguyễn

Ông Lê Thanh Sơn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang: “Đak Rong là xã vùng III duy nhất của huyện (giai đoạn 2021-2025) với 89,97% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, đời sống còn rất nhiều khó khăn. Qua rà soát theo bộ tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều tăng từ 6,42% lên 35%. Do đó, công cuộc xây dựng NTM của xã còn rất nhiều khó khăn, cần có sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và sự tham gia tích cực của người dân”.

Cũng theo Chủ tịch UBND xã Đak Rong, đồng hành cùng người dân thực hiện các tiêu chí NTM, xã đã chủ động xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho thành viên Ban Quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia của xã phụ trách từng làng, từng tiêu chí. Trong đó, tập trung triển khai củng cố các tiêu chí đạt chuẩn, tiếp tục đề ra các giải pháp hoàn thành tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo, đặt mục tiêu hoàn thành xã NTM vào năm 2025. Chính quyền, MTTQ và các hội, đoàn thể quan tâm hỗ trợ bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi với các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cùng địa phương hoàn thành tiêu chí về thu nhập như: hỗ trợ trồng mắc ca, cà phê, cây ăn quả, dược liệu, chanh dây, trồng rừng; đồng thời đề nghị các đơn vị chủ rừng mở rộng diện tích giao khoán quản lý, bảo vệ rừng với cộng đồng người Bahnar, giúp họ có thêm nguồn thu nhập ổn định.
Cùng với đó là mở rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị như: trồng sa nhân tím dưới tán rừng, mì cao sản, đậu cô ve, trồng mắc ca xen cà phê; hướng dẫn người dân thâm canh lúa, giữ vững diện tích lúa 2 vụ, tăng năng suất và chất lượng lúa theo hướng liên kết tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ bà con thực hiện dự án trồng mắc ca, dổi xanh; nhân rộng mô hình nuôi heo đen, nuôi bò. “Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, xã Đak Rong đã đạt 17/19 tiêu chí. Hiện vẫn còn 2 tiêu chí là hộ nghèo và thu nhập chưa đạt. Hy vọng với việc phân công các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể theo dõi, phụ trách các hộ nghèo, từng bước tuyên truyền, vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm, hướng dẫn cách thức làm ăn, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi để phát triển sản xuất, tỷ lệ hộ nghèo sớm được kéo giảm, thu nhập người dân được nâng lên”-ông Quang kỳ vọng.
MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.
Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

(GLO)- Cách TP. Pleiku chừng 15 km, vườn nho Gia Lai (ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) của anh Đặng Đại Dương đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên và đón khách đến tham quan, trải nghiệm.