Chuyện ông Y Mik với chiếc cầu bắc qua sông Ayun

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày trước, 5 xã phía Đông sông Ayun của huyện Mang Yang gồm: Kon Thụp, Lơ Pang, Đê Ar, Đak Trôi, Kon Chiêng quanh năm hầu như bị cô lập, ngăn sông cách núi, tuy gần mà xa. Việc đi lại vượt sông rất khó khăn trắc trở.
Ông Nguyễn Văn Hòa (71 Cách Mạng Tháng Tám, TP. Pleiku) là cán bộ thương nghiệp khu 6 (H6) thời chiến tranh. Ông Hòa nhớ lại: Trong thời chiến, địch thỉnh thoảng dùng trực thăng đổ quân, cắm trại trong rừng rậm, tổ chức lực lượng càn quét 1-2 ngày rồi rút, không thể đóng đồn bốt kiên cố ổn định lâu dài tại vùng Đông sông.
Sau năm 1975, đất nước hòa bình thống nhất, cuộc sống trở lại bình thường. Tuy vậy, các xã Đông sông vẫn là vùng đất cách trở. Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, để thông thương vùng Đông sông với phần còn lại của huyện, người ta chỉ đủ năng lực làm những cái cầu treo truyền thống bằng sợi cáp và tre. Cầu treo vắt vẻo qua sông, tuy có dễ dàng qua lại, nhưng cũng chỉ dùng cho người bộ hành mang vác là chủ yếu. Các loại xe cơ giới như ô tô máy kéo không thể qua bờ Đông được. 
Khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, giao thông là yếu tố rất quan trọng. Cô lập đồng nghĩa với tự cấp tự túc, nghèo nàn lạc hậu. Hòa bình thống nhất đã bao năm rồi mà vùng đất này vẫn còn quá khổ. Ông Y Mik là cán bộ kháng chiến cứ trăn trở mãi. Nhưng các làng các xã vùng này đem hết mọi tài sản cũng không có thể làm được một cây cầu.
Là người làng Roh (xã Lơ Pang), ông Y Mik rất có uy tín với người dân trong vùng Bahnar bị cô lập này. Tất cả mọi ý định, mọi ý kiến của ông đều được người dân 5 xã ủng hộ và tin tưởng. Là người luôn quan tâm đến lợi ích của dân làng, không thiên vị, không tư lợi, ông Y Mik như một thủ lĩnh tinh thần của cả vùng Bahnar rộng lớn.
Nhắc đến ông Y Mik, cả vùng Đông sông ai cũng nhớ mãi câu chuyện phá lốp ô tô làm dép. Cái lần có 1 chiếc bánh xe GMC từ trên thượng nguồn trôi về dạt vào bờ sông Ayun, lốp đã mọc rêu, vành rỉ sét, nhưng ruột vẫn căng cứng chắc nịch. Vớ được chiếc bánh xe ô tô, ông Y Mik nghĩ ngay đến việc xẻ ra làm dép lốp cho cả làng. Áng chừng cái lốp to lớn có thể làm được hàng chục đôi dép. Nghĩ vậy, ông lẳng lặng vần xoay, lăn cái bánh xe bự xừ ấy lên bờ tựa vào một bụi le. Việc đầu tiên để xẻ thịt cái lốp là ông dùng chiếc dao găm sắc nhọn đục thủng để xì hơi. Bất ngờ, khi mũi dao vừa chọc thủng chiếc lốp, một tiếng nổ vang trời bùng lên, cát bụi bay mù mịt. Cả bụi le bị áp lực hơi đánh bạt. Ông Y Mik bị văng xa một đoạn bất tỉnh. Khi được đưa về nhà, ông như từ cõi chết trở lại. Phải nằm liệt giường 3 tháng sau mới hồi tỉnh.
Vì thế, cả vùng ai cũng biết ông, cũng quý trọng ông, một con người vì mọi người, một con người nghĩ là làm nói là làm.
Trong đợt bầu cử HĐND các cấp, ông Y Mik được giao trọng trách Cụm trưởng cụm bầu cử 5 xã Đông sông. Quả đúng người đúng việc. Ông là người thạo việc hiểu dân! Trước trọng trách với dân, không ngờ ông Y Mik lại có ý thắc mắc. Theo ông, không cần vận động bầu cử gì nhiều. Chỉ cần một cái cầu qua sông thì dân 5 xã sẽ thông suốt hết.
Nghĩ là làm. Ông Mik ngược hành trình lên huyện, lên tỉnh. Trước sau ông cũng chỉ một ý kiến: “Không có cái cầu, dân không đi bầu cử được (thực ra dân chỉ bầu tại chỗ, chẳng phải lên tỉnh lên huyện). Người Bahnar Đông sông không xin cấp gạo cấp thịt, chỉ xin cấp 1 chiếc cầu!”.
Chuyện như nói chơi thế mà hóa ra thật. Trong thời khó khăn hạn hẹp về kinh phí, cuối cùng tỉnh cũng phải thắt lưng buộc bụng chi 50 triệu đồng làm một cây cầu bê tông bắc qua sông Ayun nối xã Lơ Pang với tỉnh lộ 666, thông thương cho 5 xã Đông sông thoát cảnh bao nhiêu đời cách biệt.
Không biết vì hạn chế về kỹ thuật hay kinh phí, chiếc cầu làm bằng bê tông cốt thép khá kiên cố nhưng thấp lè tè sát mặt nước. Để nối đường vào với chiếc cầu dưới lòng sông sâu hoắm, người ta phải làm hai con dốc thoai thoải chạy song song hai bên bờ suối, thành ra một lối qua sông hình chữ zét (Z). Có chiếc cầu vững chãi bắc qua sông, ô tô các loại đã vào được đến làng đến xã, vùng Đông sông coi như thông thương được với mọi miền.
Có chiếc cầu qua sông, đồng bào Bahnar 5 xã rất vui mừng. Tuy vậy, chiếc cầu ấy vẫn còn những trở ngại. Ngoài chuyện qua cầu phải vượt 2 con dốc trơn trượt, mùa mưa lũ gặp hôm nước lớn bất ngờ ai lỡ vào vùng Đông sông coi như mắc kẹt. Có lần cả đoàn cán bộ y tế vào công tác tại 5 xã Đông sông, lúc xong việc chuẩn bị ra về, bất ngờ lũ thượng nguồn đổ xuống, không còn cách nào khác đành phải nghỉ lại ở các làng mất cả tuần chờ cho nước rút mới trở về được tỉnh.
Ngày nay, bên cạnh chiếc cầu cũ ấy, Nhà nước đã đầu tư làm chiếc cầu bê tông cốt thép cao lớn bề thế, nối thẳng băng với tỉnh lộ 666, đi vào 5 xã Đông sông. Cầu mới gọi là cầu Đờ Gơ (Der Gơ).
Cầu cũ được gọi là cầu tràn. Nó như kỷ niệm của một thời gian khó với vùng đất Đông sông! Và cũng là kỷ niệm về tấm lòng nhiệt huyết của ông Y Mik một thuở đi xin cấp chiếc cầu vượt sông cho cả vùng dân cư bao đời bị cô lập!
PHẠM ĐỨC LONG

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.