Cây sung am Bà một thời ở Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hôm qua, ngồi với mấy người bạn, một ông chợt nhắc tới cái cây cổ thụ ở am Bà một thuở, nằm ngay ngã ba Trần Hưng Đạo-Nguyễn Văn Trỗi (TP. Pleiku). Tới mấy người nói đấy là cây bồ đề. Hai người nói là cây đa. Tôi phải gọi điện thoại cho một ông chưa tới mức hiểu Pleiku như bàn tay mình, nhưng có thể ngay lập tức nói vanh vách những điều mình cần về Pleiku, là kỹ sư Nguyễn Quang Hiền-nguyên Phó Giám đốc Công ty Điện lực Gia Lai. Ông nói: “Nó là cây sung”. Tôi đứng về phía ông Hiền, rằng nó là cây sung, một cây sung cổ thụ trăm năm, thậm chí là hơn trăm năm tuổi.

Ở nước ta, phàm là cổ thụ bao giờ người dân cũng đặt những cái am để thờ. Chẳng từng có câu trong dân gian: “Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề”, là các loại cây cổ thụ từng có ở các làng Việt. Những cây ấy là dấu ấn của làng, niềm tự hào của làng và cũng là nơi các vị thần trú ngụ để canh giữ cho làng. Do vậy, bao giờ dưới gốc cũng có những cái am nhỏ để thờ. Ngay cây đa nổi tiếng trong khuôn viên trụ sở Báo Nhân Dân, giờ được phong là cây di sản, cũng có chỗ để thắp hương thì đủ biết cái cây sung mà được đặt am ở Pleiku này nó to và lâu niên tới thế nào?

Khi tôi lên Pleiku thì đã thấy cây sung cổ thụ trùm kín cái am ở ngay ngã ba Trần Hưng Đạo-Nguyễn Văn Trỗi, hồi ấy còn là ngã ba, chưa mở đường Nguyễn Văn Trỗi lên phía Công ty TNHH một thành viên Xổ số kiến thiết Gia Lai, vì lúc này đang là khu B Công an tỉnh, thành ngã tư như bây giờ. Đường Trần Hưng Đạo khi ấy rợp bóng cây, những cây cổ thụ giao tán khiến lòng đường luôn mát rượi, chỉ thi thoảng lỗ đỗ ánh nắng khi gió to các tán cây di chuyển. Sau này tìm hiểu thì biết: Ban đầu, người dân thấy cây cổ thụ thì đặt cái am, sau bà chủ rạp Thăng Long, tức nhà văn hóa và giờ là trụ sở Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San, là người Bắc di cư, bèn vận động xây cái điện thờ mẫu. Tôi đã vào trong ấy nhân một lần về nhà để quên cái áo ấm, mẹ tôi gửi một cô em về quê mang lên, cô này chả biết tôi ở đâu bèn ghé qua am, gửi bà cụ ở đấy, 2 tháng sau thì áo tới tay tôi dù tôi ở cùng trục đường Trần Hưng Đạo, cách nhau chừng... 20 số nhà. Tôi tới nhận cái áo và tranh thủ ngó nghiêng cái am khổng lồ này thì thấy nó giống cái điện thờ mẫu mà tôi từng thấy hồi ở Thanh Hóa và Ninh Bình. Có tượng ngựa và lính, có các ban thờ... Cả cái gốc cây chụp lên một phần cái am ấy. Nghe bảo khi làm là điện thờ nhưng dân Pleiku không quen với kiểu thờ này nên vẫn gọi là am Bà. Nhưng tên gọi am Bà đã chứng tỏ nơi đây thờ mẫu chứ không phải thờ... cây.

Vẫn là ông Nguyễn Quang Hiền kể, ngày xưa, đàn bà con gái đi qua gốc cây sung này phải bỏ nón, bao giờ đi hết bóng cây mới đội lên lại, là để thấy sự linh thiêng của cây.

Bây giờ, gần như hết cây mới thấy quý những cây cổ thụ trong phố.

Trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Diên Bình, ngay gần cầu Diên Bình (huyện Đak Tô, tỉnh Kon Tum) có một cây đa cổ thụ giữa đường, khi tới gốc cây ấy, con đường đã lượn một khúc cong để không đụng đến cây. Hay như giờ, chúng ta còn được ngắm rặng duối cổ ngàn năm tuổi, tương truyền là ngày xưa Vua Ngô Quyền buộc voi, ngựa, là do người dân có ý thức giữ gìn để giờ còn 18 cây trở thành Quốc bảo ở xã Đường Lâm (Hà Nội).

Giờ Nhà nước có chủ trương phong danh hiệu “cây di sản” để giữ gìn những cây cổ thụ, nó không chỉ là nơi bảo tồn thiên nhiên, mà cái chính là, nơi cất giữ ký ức của con người. Không phải những con người đơn lẻ, mà cả cộng đồng, cả thế hệ, nhiều thế hệ. Không chỉ ký ức cá nhân, nó là ký ức và hành vi văn hóa, lịch sử, chính trị... của vùng đất và những con người ở vùng đất ấy.

Hồi ấy, đường Trần Hưng Đạo là con đường đẹp nhất Pleiku. Ngoài những cây cổ thụ 2 bên đường như đã nói thì có 2 cây khiến ai qua cũng phải chú ý, một là cây sung am Bà này và 2 là cây dạ hương trong sân cơ quan MTTQ Việt Nam tỉnh. Tất nhiên dạ hương thì phải đi ban đêm mới “nghe” thấy mùi của nó. Hàng vạn cặp tình nhân đã từng dắt tay nhau đi trên con đường này và nhớ 2 cái cây ấy. Giờ chúng đều đã mất. Cây dạ hương sau mấy lần xây lại trụ sở cơ quan Mặt trận đã bị chặt mất và cái cây sung khổng lồ chỗ đường Nguyễn Văn Trỗi đối diện phở Hồng bây giờ cũng đã mất. Giờ chỗ ấy nắng chang chang. Thứ bảy, chủ nhật, người ăn sáng uống cà phê ở khu này đậu xe ngàn ngạt, ít ai nhớ rằng nơi đây từng có một cây sung cổ thụ tỏa bóng. Nếu không bị chặt, chắc chắn giờ nó cũng sẽ trở thành “cây di sản”. Tôi vừa xem lại tiêu chuẩn cây di sản, nó như sau: “Cây sống trên 100 năm, cao trên 30 m, chu vi trên 3,5 m đối với cây gỗ đơn thân; cao trên 20 m, chu vi trên 10 m, đối với cây đa, si thuộc chi Ficus”. Đối chiếu, thấy cây sung này thừa sức đạt danh hiệu ấy.

Có những việc, giờ ngồi nghĩ lại, chỉ thấy tiếc và không cách gì sửa sai được, mà cây sung am Bà, hàng cây cổ thụ đường Trần Hưng Đạo và nhiều hàng cây nữa, trên phố Pleiku là những ví dụ tiêu biểu.

 

 VĂN CÔNG HÙNG

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.
“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.