Ia Pa đột phá nhờ chăn nuôi công nghệ cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều dự án, mô hình chăn nuôi công nghệ cao tại huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) từng bước mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người chăn nuôi, góp phần giảm nghèo bền vững.

Bà Ngô Thị Trường Nga-chủ trang trại chăn nuôi Duy Cường (làng Voòng Boong, xã Chư Răng) cho biết: Từ năm 2016 đến nay, gia đình bà đầu tư chuồng trại trên phần đất 2 ha của gia đình để chăn nuôi heo gia công cho Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam. Được Công ty hỗ trợ con giống, hướng dẫn chăn nuôi tập trung theo hướng công nghệ cao và đảm bảo đầu ra, mỗi năm gia đình bà xuất chuồng 2 lượt với gần 5.000 con heo thịt; mỗi lượt thu nhập 500 triệu đồng.

  Trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao của Công ty cổ phần nông nghiệp Navifarm tại xã Pờ Tó (huyện Ia Pa) có quy mô 14,75 ha. Ảnh: Minh Nguyễn
Trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao của Công ty cổ phần nông nghiệp Navifarm tại xã Pờ Tó (huyện Ia Pa) có quy mô 14,75 ha. Ảnh: Minh Nguyễn


Bà Lê Thị Hiền-Phó Chủ tịch UBND xã Chư Răng-cho hay: Ngoài trang trại Duy Cường, còn 2 dự án chăn nuôi khác của Công ty TNHH một thành viên Thanh Trang và Công ty TNHH Hiệp Phát Cao Nguyên đã được phê duyệt chủ trương đầu tư. Qua làm việc với xã, các chủ trang trại này cam kết sẽ tạo việc làm cho một lượng lớn lao động tại địa phương, đồng thời hỗ trợ nguồn nước tái sử dụng qua hệ thống xử lý nước thải từ trang trại để tưới nếu người dân có nhu cầu.

Trong khi đó, ông Đỗ Văn Hùng-Bí thư Đảng ủy xã Pờ Tó-thông tin: Hiện trên địa bàn xã có 3 dự án chăn nuôi quy mô lớn đang hoạt động gồm: trang trại của Công ty cổ phần chăn nuôi Xanh Gic, Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Nhất Trần và Công ty cổ phần nông nghiệp Navifarm với tổng quy mô 44,48 ha, công suất chăn nuôi 20.000 con heo thịt/đợt; 2.400 heo nái; 80 heo đực giống và 52.800 heo con/năm. Riêng Công ty TNHH chăn nuôi Bảo An đang trong thời gian xây dựng, dự kiến quy mô 14,37 ha với công suất 2.400 heo nái, 80 heo đực giống và 4.000 heo con/đợt. Theo ông Hùng, các dự án này cần lượng lớn lao động địa phương. Tuy nhiên, phần lớn do thói quen sinh hoạt nên số lao động này không chịu làm việc tập trung thời gian dài. Phần nữa là không đáp ứng được yêu cầu phòng-chống dịch bệnh khắt khe của doanh nghiệp. “Thời gian tới, xã sẽ phối hợp với phòng, ban của huyện mở lớp đào tạo lao động, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị”-ông Hùng cho biết.

Đến nay, huyện Ia Pa có 7 trang trại chăn nuôi được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng diện tích 102,66 ha. Ông Trần Quốc Tuấn-Phó Chủ tịch UBND huyện-cho biết: Qua khảo sát cho thấy, các trang trại hoạt động có hiệu quả. Đặc biệt, nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, đàn heo sinh trưởng và phát triển tốt, tạo tiền đề cho người dân từng bước phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại. Các doanh nghiệp chăn nuôi còn sử dụng hàng trăm lao động tại chỗ, góp phần tạo việc làm với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, trên địa bàn hiện có 11 doanh nghiệp khác đang lập dự án xin đầu tư phát triển chăn nuôi heo công nghệ cao với diện tích hơn 660 ha.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa thông tin thêm: Xuất phát từ khả năng đáp ứng về đất đai, phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo môi trường, UBND huyện đề xuất Ban Thường vụ Huyện ủy cho chủ trương khoanh những vùng đất rộng, xa khu dân cư, xa nguồn nước, ít có khả năng ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân để phát triển trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao, tập trung ở các xã: Pờ Tó (350 ha), Chư Răng (110 ha), Kim Tân (50 ha) và một số khu vực khác ở xã Ia Ma Rơn, Chư Mố. “Quan điểm của huyện là quy hoạch phát triển chăn nuôi từng bước theo hướng chuyển dần từ nhỏ lẻ sang quy mô gia trại, trang trại, công nghiệp tập trung, kiểm soát an toàn dịch bệnh, quản lý môi trường. Cùng với đó, hỗ trợ phát triển chăn nuôi nông hộ để giải quyết sinh kế, có quy hoạch đất trồng cây nguyên liệu làm thức ăn phục vụ cho chăn nuôi”-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa nêu giải pháp.

Khó khăn của huyện hiện nay là việc Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Hải xin chủ trương khảo sát 10.500 ha (các xã Kim Tân, Chư Răng, Pờ Tó) xây dựng dự án điện gió. Trong khi các doanh nghiệp muốn triển khai thì vướng phần đất khảo sát này, gây khó cho huyện trong kêu gọi đầu tư. Ông Hoàng Thanh Tùng-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Ricky Farms (Đak Lak) cho hay: Doanh nghiệp đang tiến hành các thủ tục triển khai thực hiện 8 dự án chăn nuôi tập trung chất lượng cao ở một số huyện trên địa bàn tỉnh với tổng mức đầu tư trên 1.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi đến tìm hiểu ở các địa bàn huyện Ia Pa thì được thông báo vướng phần đất khảo sát điện gió nên không thể nào triển khai bước tiếp theo.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Quốc Tuấn cho biết: “Khảo sát thì phải có thời hạn, nhưng Tập đoàn Hưng Hải đã khảo sát kéo dài từ năm 2018 đến nay. Vì vậy, huyện đã có văn bản đề nghị Sở Công thương kiến nghị tỉnh, Tập đoàn Hưng Hải thông tin trở lại, nếu thực hiện dự án thì phần diện tích là bao nhiêu, còn nếu không đầu tư thì địa phương sẽ có kế hoạch sử dụng quỹ đất sao cho hợp lý”.

 

 MINH NGUYỄN
 

Có thể bạn quan tâm

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.
Pleiku lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện

Pleiku lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện

(GLO)- Hưởng ứng phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN) với thông điệp "Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại", nhiều người dân ở TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã tích cực tham gia HMTN. Việc làm của họ đã góp phần đáp ứng nhu cầu máu cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân.