Chuyện ghi ở Kông Htok

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chúng tôi về xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) vào một ngày cuối đông nắng đẹp, trong cái lạnh se se của trời đất chuyển mùa chuẩn bị vào xuân. Lúc này, địa phương đã khống chế được dịch Covid-19, mọi sinh hoạt của người dân diễn ra bình thường.
Sau khi hoàn thành thủ tục khởi công xây dựng hệ thống nhà vệ sinh, sân trường và khoan giếng tặng cho điểm trường làng Choan thuộc Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân với nguồn kinh phí 200 triệu đồng do các Mạnh Thường Quân ở TP. Hồ Chí Minh tài trợ, chúng tôi có dịp chuyện trò với lãnh đạo xã và nhà trường.
1. Xã Kông Htok được thành lập ngày 27-8-2009, trên cơ sở chia tách từ xã Al Bá và xã Dun, cách thị trấn Chư Sê chừng mười cây số về hướng Đông-Bắc. Những năm đầu thế kỷ XXI, cả hai xã nói trên đều nằm trong diện nghèo, điều kiện kinh tế và hạ tầng chưa được đầu tư xây dựng nhiều. Đời sống của một bộ phận không nhỏ bà con dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Ngoài lúa, bắp, mì, khoai lang... thì cây cà phê và hồ tiêu phát triển mạnh nhưng giá cả bấp bênh. Nhiều hộ dân tộc thiểu số chỉ độc canh cây lúa nương nên khi gặp thiên tai, hạn hán gây mất mùa thì lâm vào cảnh đứt bữa lúc giáp hạt. Cơ sở vật chất y tế, giáo dục chưa được đầu tư đúng mức, nhất là rất thiếu giáo viên, thầy thuốc.
Trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, người dân ở đây có nhiều đóng góp cho cách mạng. Cả 2 xã Dun và Al Bá (tách-nhập thành xã Kông Htok) đều được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ chống Mỹ, cứu nước. Bà con các dân tộc Jrai, Bahnar tuyệt đối trung thành với Đảng, với chế độ. Dù được ra đời trong hoàn cảnh khó khăn nhưng chỉ hơn một thập niên xây dựng, giờ Kông Htok đã có nhiều thay đổi, là xã đạt chuẩn nông thôn mới. Điều đó nói lên rằng, sự quan tâm đầu tư của cấp trên và hơn thế là sự cố gắng tự thân vận động vươn lên của người dân Kông Htok. Khi mới thành lập, Kông Htok chỉ có trên 4,3 ngàn dân. Bây giờ, theo Bí thư Đảng ủy xã Lê Hùng Trường, toàn xã đã tăng lên 6.135 nhân khẩu, gồm người Jrai, Bahnar, Kinh... sinh sống hòa thuận tại 6 thôn, làng.
Kông Htok có diện tích tự nhiên trên 28,3 km2, khá bằng phẳng, rất thích hợp với cà phê, hồ tiêu. Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Ngoài các loại cây trồng đã định hình, bà con cũng đã biết trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, thị trường tương đối ổn định như: chuối lai, chanh dây... Hạ tầng sản xuất, văn hóa-xã hội cũng được đầu tư theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” nên bộ mặt nông thôn đã thay đổi nhiều.
Cô và trò Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân (xã Kông Htok, huyện Chư Sê) trong 1 giờ học. Ảnh: Đoàn Minh Phụng
Cô và trò Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân (xã Kông Htok, huyện Chư Sê) trong 1 giờ học. Ảnh: Đoàn Minh Phụng
2. Cô giáo Nguyễn Thị Hoa-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân còn khá trẻ. Khi tôi là một trong những người đứng đầu của huyện Chư Sê vào những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước, cô Hoa còn ngồi trên ghế giảng đường. Cũng như thế hệ của cô giáo Hoa, giờ Chư Sê có một đội ngũ cán bộ cấp huyện, xã... khá trẻ và được quy hoạch, đào tạo cơ bản, có năng lực thật sự, năng động trong công tác lãnh đạo và chỉ đạo, điều hành, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Nhìn vào ngôi trường do cô giáo Hoa làm Hiệu trưởng, chúng tôi rất vui vì trường lớp được đầu tư xây dựng bài bản; khuôn viên được quy hoạch chuẩn, rợp bóng cây xanh, nói gọn lại là: xanh-sạch-đẹp.
Cô Hoa cho biết: Toàn trường có 630 học sinh, 25 lớp. Hiện nay, công tác phòng dịch Covid-19 rất được quan tâm nên Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân vẫn tổ chức dạy và học trực tiếp, an toàn. Cô Hoa cho biết thêm, nhà trường có 35 giáo viên, có chi bộ với 16 đảng viên là hạt nhân lãnh đạo các phong trào. Tôi chợt nhớ vài chục năm về trước, công tác phát triển Đảng trong giáo viên ít được quan tâm. Để chấn chỉnh việc ấy, Huyện ủy Chư Sê chủ trương đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhận thức về Đảng cho đội ngũ giáo viên, tích cực phát triển đảng viên mới trong đội ngũ giáo viên làng, xã nhằm xóa làng và trường học “trắng” đảng viên và tổ chức Đảng. Trong câu chuyện, cô Hoa thông tin thêm: Năm vừa rồi, Chi bộ nhà trường được công nhận trong sạch vững mạnh tiêu biểu; Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân đạt chuẩn quốc gia cấp độ I.  
3. Bí thư Đảng ủy xã Lê Hùng Trường chia sẻ: Đảng bộ xã Kông Htok có 176 đảng viên, trong đó, đảng viên là người Jrai, Bahnar chiếm 65%. Đảng bộ xã Kông Htok thuộc vào hàng “sinh sau” so với các xã trên địa bàn huyện. Tuy vậy, để có được một Kông Htok như ngày nay, vai trò lãnh đạo của Đảng bộ xã là yếu tố quyết định.
Đối với công tác lãnh đạo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số như Kông Htok, việc đề ra nghị quyết đã khó, công tác lãnh đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện nghị quyết còn khó hơn. Vì vậy, Đảng ủy xã có sự phân công đảng viên cụ thể, cấp ủy thường xuyên sâu sát tận các cộng đồng dân cư, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân, giải quyết thấu đáo những bức xúc của họ, đồng thời động viên, tuyên truyền, giáo dục... cho quần chúng nâng cao nhận thức về đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các đoàn thể và đặc biệt là công tác điều hành của chính quyền trên các lĩnh vực đời sống xã hội. 
Cũng như bao lần có dịp về Chư Sê, tôi luôn ghé thăm một vài làng, xã, nhất là những nơi trước đây còn nhiều khó khăn. Cũng như Kông Htok, khi tận mắt thấy, tai nghe về những đổi thay vượt bậc của địa phương; cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội được chú ý đầu tư xây dựng khang trang, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao... là thấy tự hào về vùng đất và con người ở nơi mà mình đã có một thời góp sức chung tay gầy dựng nên.
ĐOÀN MINH PHỤNG

Có thể bạn quan tâm

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.