Ấn tượng xoài cổ thụ ở thôn Đoàn Kết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bao năm qua, người dân thôn Đoàn Kết (xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) vẫn luôn tự hào về những cây xoài cổ thụ hàng trăm năm tuổi cao sừng sững, tỏa bóng mát một vùng rộng lớn.  

Từ đường Đông Trường Sơn rẽ theo con đường bê tông, chúng tôi đến thôn Đoàn Kết để tìm hiểu về những cây xoài hàng trăm năm tuổi. Nhìn từ xa đã thấy hình ảnh cây xoài cao vút, vươn xa tỏa bóng cả một vùng. Như đã hẹn trước, khi mặt trời đứng bóng, ông Hồ Tấn Bá (SN 1951) dẫn chúng tôi đến tham quan và kể tường tận nhiều câu chuyện thú vị về những cây xoài cổ thụ này.

  Những cây xoài cổ thụ ở thôn Đoàn Kết. Ảnh: RÔ HOK
Những cây xoài cổ thụ ở thôn Đoàn Kết. Ảnh: R'Ô HOK


Ông Bá cho biết: Năm 1982, ông và 42 hộ người Kinh từ nhiều nơi đến đây lập nghiệp. Hồi đó, cả vùng chỉ lác đác vài hộ đồng bào Jrai sinh sống. Trong vùng có nhiều cây cối to lớn, rậm rạp, trong đó, ấn tượng nhất là 5 cây xoài cổ thụ mọc đan xen như có sự sắp đặt từ trước. “Theo những người lớn tuổi trong vùng thì những cây xoài đã có từ rất lâu rồi, ước chừng hơn 300 năm tuổi”-ông Bá bộc bạch.

Hiện nay, 5 cây xoài nằm trong khuôn viên nhà văn hóa thôn Đoàn Kết. Theo quan sát, cây to nhất cao chừng 40 m, gốc 4 người ôm không xuể, thân cây sần sùi, bộ rễ bám sâu vào đất, nhiều cành to vươn rộng ra bốn phía, cùng với 4 cây còn lại khép tán che phủ bóng mát cả một khoảnh đất rộng chừng 600 m2. Từ khi lập làng đến nay, những cây xoài được dân làng đồn thổi nhiều câu chuyện huyền bí, thú vị. Ông Bá chỉ về phía miếu thờ bên cạnh và nhỏ giọng tiết lộ câu chuyện tâm linh kỳ lạ xoay quanh. Trước đây, mỗi khi ngủ tại nhà văn hóa thôn vào ban đêm, nhiều người thường thấy những thứ ánh sáng và tiếng động kỳ lạ phát ra từ cây xoài cổ thụ. Ngoài ra, từ gốc tới ngọn của cây xoài in nhiều dấu vết lạ giống bàn chân người, có kích thước dài chừng 30 cm, rộng 15 cm. Vì vậy, người dân trong vùng đồn thổi là dấu chân “các vị thần” và từ đó nơi đây trở thành điểm linh thiêng được dân làng lập miếu thờ. Hàng năm, dân làng lui tới để cúng bái rất trọng thể với mong muốn thần linh ban điều tốt lành, mùa màng tốt tươi, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống. Anh Trịnh Quốc Lợi-Bí thư Chi Đoàn thôn Đoàn Kết-bộc bạch: “Trải qua biến thiên cùng thời gian, thân cây xoài trở nên sần sùi những dấu lạ cũng mờ dần. Chẳng thể chứng minh thật-giả, tuy nhiên, những câu chuyện tâm linh, huyền bí xung quanh cây xoài vẫn được người dân truyền kể”.

Hiện nay, những cây xoài cổ thụ này được coi là chứng nhân gắn liền với quá trình lao động sản xuất, thăng trầm của bà con nơi đây nên được dân làng xem là tài sản vô giá. Nhiều năm nay, người dân trong vùng đã nhắc nhở, răn dạy con cháu phải cố gắng bảo vệ những cây xoài, giữ gìn cảnh quan chung của cộng đồng.

Cứ vào dịp đầu năm là cây xoài trổ hoa kết trái, nhiều đến nỗi gió lùa rơi vương vãi làm trắng cả khoảnh sân rộng. Điều đặc biệt là trái của 5 cây xoài cổ thụ này nhiều vô kể và không to như các loại xoài thông thường mà chỉ lớn bằng quả cóc; khi trái còn non xanh thì rất chua nhưng đến khi chín thì rất thơm ngọt nên được người dân trong vùng vô cùng thích thú.

“Cây xoài cổ thụ này là nơi chim muông ở, tỏa mát để người người dân nghỉ ngơi trong những ngày hè nắng nóng, là nơi để lũ trẻ chơi đùa trong những buổi chiều và nơi tổ chức các sự kiện, lễ hội tâm linh của cộng đồng. Vì vậy, bà con trân quý, mọi người ai cũng bảo vệ, gìn giữ, không dám tự ý chặt phá”-ông Nguyễn Hữu Phước-Trưởng thôn Đoàn Kết-chia sẻ.

 

 R'Ô HOK

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.
“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.