Ia Pa xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Qua 4 năm triển khai mô hình xã hội hóa thu gom rác thải, cảnh quan môi trường trên các tuyến đường trục chính của huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đã cải thiện rõ rệt, ngày càng xanh-sạch-đẹp.
Cứ 7 giờ sáng thứ tư hàng tuần, tổ thu gom, xử lý rác thải của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Pa lại đưa xe chuyên dụng chạy dọc 2 tuyến đường trục chính vào trung tâm huyện để thu gom rác thải. Sau đó, rác được chở đến bãi tập kết tại xã Ia Kdăm để xử lý. Nhiệm vụ của mỗi gia đình là tập kết rác thải trước cổng nhà, tạo thuận lợi cho tổ thu gom. Sau 4 năm triển khai tại 5 xã dọc tỉnh lộ 662, từ hiệu quả mang lại, tháng 8-2021, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện mở rộng mô hình sang 4 xã: Ia Broăi, Ia Tul, Chư Mố và Ia Kdăm. Tuy số lượng hộ dân tham gia còn hạn chế song mô hình đã góp phần thay đổi thói quen xả rác bừa bãi của người dân, xóa bỏ các bãi rác tự phát ven đường, đảm bảo cảnh quan và môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Anh Nguyễn Văn Toản (thôn Đoàn Kết, xã Ia Ma Rơn) vui vẻ cho biết: “Trước đây, tôi và các hộ dân trong thôn đều tự xử lý rác thải gia đình. Mùa nắng có thể đốt bỏ nhưng mùa mưa rác thải ùn ứ, gây mất vệ sinh, nhiều khi phải chở đi xa mấy km đến bãi tập kết rác của xã. Sau này, bãi rác đó cũng được lấp bỏ nên chúng tôi không biết đổ rác đi đâu. Vì vậy, ngay khi xã thông báo triển khai mô hình xã hội hóa thu gom rác thải, nhiều hộ dân đã tham gia ngay. Khi tổ thu gom đến, mình chỉ cần mang rác ra thôi, rất tiện lợi và sạch sẽ, mỗi tháng chỉ đóng 10.000 đồng”.
Thùng rác công cộng được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Pa đặt thí điểm tại các khu dân cư. Ảnh: Vũ Chi
Thùng rác công cộng được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Pa đặt thí điểm tại các khu dân cư. Ảnh: Vũ Chi
Theo ông Nguyễn Văn Nhật-Chủ tịch UBND xã Ia Ma Rơn, mô hình xã hội hóa thu gom rác thải triển khai được 4 năm nay. Ban đầu, chỉ có 43 hộ kinh doanh buôn bán dọc tuyến đường trục chính của xã tham gia, còn lại hầu hết các gia đình tự thiêu hủy hay chở đến bãi tập kết rác thải tại đồi Rơ Ga. Từ tháng 8-2021, khi bãi rác này được lấp bỏ, xã tổ chức tuyên truyền, vận động các gia đình tham gia mô hình xã hội hóa thu gom rác thải, trong đó có các hộ dân thôn Đoàn Kết. Đa phần bà con đều rất phấn khởi khi bài toán rác thải đã được giải quyết, các bãi rác tự phát trước đây tại khu vực chợ, cánh đồng thôn H’Lil đã được xóa bỏ hoàn toàn, bộ mặt nông thôn khang trang, sạch sẽ hơn.
Tương tự, tại xã Chư Mố, mô hình xã hội hóa thu gom rác thải mới được triển khai 3 tháng nay và đã thu được kết quả tích cực. Dọc tuyến đường trục chính qua xã không có túi ni lông vứt ngổn ngang, thay vào đó là những hàng rào xanh, con đường hoa đẹp mắt. Người dân cũng có ý thức hơn trong việc quét dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, tạo cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp. Chị Nay H’Nhơm (buôn Plei Apa Ơi H’Priu) bộc bạch: “Nhà mình bán thức ăn sáng nên lượng rác thải hàng ngày khá nhiều. Khi tham gia mô hình thu gom rác thải, mình được cán bộ hướng dẫn phân loại, rác thải hữu cơ tận dụng làm thức ăn cho gia súc. Các loại rác không phân hủy được mình đóng bao để dồn cho xe rác tới chở đi. Bây giờ, mình không còn phải lo đốt rác mỗi ngày nữa”.
Nhờ mô hình xã hội hóa thu gom rác thải, các tuyến đường tại xã Chư Mố (huyện Ia Pa) trở nên xanh-sạch-đẹp. Ảnh: Vũ Chi
Nhờ mô hình xã hội hóa thu gom rác thải, các tuyến đường tại xã Chư Mố (huyện Ia Pa) trở nên xanh-sạch-đẹp. Ảnh: Vũ Chi
Ông Phạm Quốc Quyền-Chủ tịch UBND xã Chư Mố-cho hay: Trước mắt, xã vận động các hộ dân dọc tuyến đường chính tham gia mô hình, bởi đây chủ yếu là các hộ kinh doanh buôn bán, lượng rác thải lớn, khó xử lý. Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cũng bố trí thêm thùng rác công cộng tại các khu đông dân cư để bà con trong thôn, xóm có chỗ tập kết rác trước khi mang đi xử lý. Cùng với đó, các ban, ngành, đoàn thể xã phối kết hợp tổ chức tổng dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, xây dựng tuyến đường tự quản nhằm nâng cao nhận thức của bà con. Từ hiệu quả mang lại, thời gian tới, xã sẽ tích cực tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ dân tham gia mô hình, chung tay xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Trao đổi với P.V, ông Lê Văn Nguyên-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện-cho hay: Hiện tại, 9/9 xã của huyện đều tham gia mô hình xã hội hóa thu gom rác thải. Mức phí với rác thải sinh hoạt là 10.000 đồng/tháng; hộ kinh doanh nhỏ lẻ 25.000 đồng/tháng; cơ sở sản xuất kinh doanh lớn từ 45.000 đồng đến 75.000 đồng/tháng. Với tần suất thu gom 1 lần/tuần, lượng rác thải thu gom được 10-12 tấn, hạn chế đáng kể tình trạng vứt bừa bãi rác ra môi trường.  
“Sau 4 năm triển khai mô hình, đa phần người dân đã ý thức đổ rác đúng nơi quy định, môi trường được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, do nguồn thu từ các hộ dân không đủ chi phí hoạt động nên UBND huyện phải trích ngân sách hỗ trợ khoảng 70% kinh phí để duy trì mô hình. Thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện sẽ tăng cường phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để các hộ dân đồng loạt tham gia, nâng tần suất thu gom lên 2 lần/tuần theo nguyện vọng của nhiều người dân”-ông Nguyên thông tin thêm.
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.
“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.