Chư Prông: Thay đổi nếp nghĩ, cách làm để thoát nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhờ đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để vươn lên thoát nghèo bền vững”, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo.     
Thay đổi phương thức trồng lúa
Nhằm từng bước giúp người dân thay đổi phương thức sản xuất truyền thống, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Prông đã cử cán bộ trực tiếp giúp dân làng O Ngol (xã Ia Vê) triển khai mô hình “Sản xuất lúa vụ mùa theo quy trình làm đất-gieo sạ-sử dụng giống lúa ngắn ngày chất lượng cao” với phương châm làm tới đâu hỗ trợ tới đó. Anh Siu Ke cho hay: “Gia đình tôi có 2 sào lúa. Trước đây, gia đình canh tác theo hình thức chọc trỉa nên thu chưa tới 2 tạ. Vụ mùa năm nay, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật làm đất, gieo sạ và theo dõi bón phân, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh kịp thời nên cho năng suất lúa cao gần gấp 4 lần so với trước”.
Ông Giáp Thành Luân-công chức Địa chính xã Ia Vê-cho hay: “Để nâng cao năng suất, UBND xã đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng lúa nước cho người dân. Tuy nhiên, bà con chỉ áp dụng trong vụ Đông Xuân với năng suất đạt 6-7 tấn/ha; riêng vụ mùa vẫn giữ phương thức chọc trỉa nên năng suất chỉ đạt hơn 2 tấn/ha. Từ hiệu quả của mô hình này, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân áp dụng phương thức sản xuất mới”.
Nhờ thay đổi phương thức canh tác nên năng suất lúa của người dân làng O Ngol (xã Ia Vê) đạt cao. Ảnh: Nhật Hào
Nhờ thay đổi phương thức canh tác nên năng suất lúa của người dân làng O Ngol (xã Ia Vê) đạt cao. Ảnh: Nhật Hào
Cũng với mục đích thay đổi phương thức canh tác lúa nước, hàng năm, xã Ia Mơr đã tổ chức nhiều buổi tập huấn để nâng cao kiến thức, kinh nghiệm sản xuất cho người dân. Bên cạnh nguồn phân bón và giống lúa chất lượng cao được huyện hỗ trợ, xã hướng dẫn bà con gieo sạ đúng kỹ thuật để đạt hiệu quả cao. Cùng với đó, UBND xã phối hợp với Đồn Biên phòng Ia Mơr và Trung đoàn Kinh tế quốc phòng 710 tổ chức cho người dân tham quan một số mô hình sản xuất lúa nước đạt hiệu quả. Ông Nguyễn Tuấn Anh-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr-thông tin: “Hiện nay, trên địa bàn xã đang triển khai thi công 12 tuyến kênh nhánh để dẫn nước từ hồ thủy lợi Ia Mơr vào đồng ruộng. Cùng với hỗ trợ giống, xã sẽ tiếp tục hướng dẫn người dân về kỹ thuật trồng lúa nước với mục tiêu phấn đấu tăng năng suất lên 6-7 tấn/ha”.
Áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất
Thời gian qua, xã Ia Drăng đã triển khai mô hình “Nâng cao năng suất, chất lượng cây cà phê và cây hồ tiêu” tại các làng: Klũ, Beng và La. Để thực hiện có hiệu quả mô hình này, UBND xã đã mời kỹ sư nông nghiệp về tập huấn kỹ thuật canh tác cho người dân. Bên cạnh đó, xã cử cán bộ nông nghiệp xuống tận nơi để hướng dẫn trực tiếp quy trình, kỹ thuật canh tác cho các hộ tham gia mô hình.
Ông Siu Buk (làng La) cho hay: “Trước đây, 2 ha mì của mình cho thu nhập rất ít. Được xã vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mình đã mạnh dạn vay vốn chuyển sang trồng cà phê xen với sầu riêng, hồ tiêu và nuôi 20 con bò. Hiện nay, năng suất vườn cà phê đạt 15-20 kg quả tươi/cây, thu nhập của gia đình trên 100 triệu đồng/năm”.
 Vườn cà phê của ông Siu Buk (làng La, xã Ia Drăng) cho năng suất cao nhờ áp dụng kỹ thuật chăm sóc tiến bộ. Ảnh: Hà Duy
Vườn cà phê của ông Siu Buk (làng La, xã Ia Drăng) cho năng suất cao nhờ áp dụng kỹ thuật chăm sóc tiến bộ. Ảnh: Hà Duy
Ông Mai Văn Thắng-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Drăng-cho biết: Thời gian qua, xã cũng đã triển khai nhiều mô hình kinh tế như: “Nâng cao kỹ thuật trồng lúa nước”, “Tưới nước bán tự động cho hồ tiêu”, “Trồng xen hồ tiêu với cà phê kinh doanh”... Hàng năm, xã còn tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, hỗ trợ người dân mua phân bón trả chậm, vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất. Nhờ đó, người dân đã biết thâm canh cây trồng, cải tạo vườn tạp và chuyển đổi diện tích hồ tiêu bị nhiễm bệnh sang trồng các cây có giá trị kinh tế cao. “Hiện xã có hơn 38.000 ha cây trồng các loại, chủ yếu là cà phê, hồ tiêu, cao su, cây ăn quả, lúa và đàn bò hơn 2.000 con, heo hơn 2.000 con. Hiện xã chỉ còn 138 hộ nghèo”-ông Thắng thông tin.
Xã Ia Boòng đi đầu trong việc vận động người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả cao. Bí thư Đảng ủy xã Phạm Ngọc Toàn cho biết: Cùng với hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cây trồng, xã cũng đã vận động, hướng dẫn bà con chuyển đổi diện tích hồ tiêu bị chết và cải tạo vườn tạp để trồng cây ăn quả. Từ năm 2017 đến nay, toàn xã tái canh được 45 ha cà phê, một số diện tích đã cho thu hoạch đạt năng suất gần 5 tấn nhân/ha. “Hiện toàn xã có 1.394 ha cây công nghiệp dài ngày, 148 ha cây lương thực, 228 ha cây tinh bột có củ, 188 ha cây thực phẩm; đàn gia súc hơn 2.600 con, gia cầm hơn 5.800 con. Hiện xã chỉ còn 103 hộ nghèo (chiếm 6,49%) và 145 hộ cận nghèo”-Bí thư Đảng ủy xã cho hay.
Giảm nghèo nhanh, bền vững
Để giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất, hàng năm, ngoài triển khai một số mô hình điểm do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hỗ trợ, từ năm 2010 đến nay, huyện Chư Prông còn triển khai thí điểm nhiều mô hình sản xuất với sự tham gia của hơn 1.000 hộ dân. Thực hiện Nghị quyết số 03 NQ/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy về “Đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững trên địa bàn huyện”, ngành Nông nghiệp huyện đã triển khai 17 mô hình sản xuất trong giai đoạn 2015-2020. Ông Lưu Hoài Hưng-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện-cho biết: Hàng năm, huyện tổ chức hơn 20 lớp tập huấn, hội thảo về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; hỗ trợ phân bón và hàng trăm tấn lúa giống cùng hàng chục ngàn cây giống để người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đặc biệt, Trung tâm thường xuyên theo dõi, hướng dẫn người dân áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất. Nhờ vậy, năng suất cà phê bình quân đạt hơn 3 tấn nhân/ha; lúa đạt gần 4,3 tấn/ha; điều 1,3 tấn/ha; đàn gia súc trên 77 ngàn con.
Cán bộ Mặt trận huyện và xã Ia Drăng thường xuyên hướng dẫn người dân thay đổi cách thức sản xuất để tăng năng suất. Ảnh: Hà Duy
Cán bộ Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và xã Ia Drăng trao đổi với người dân về kiến thức trồng trọt để nâng cao năng suất sản xuất. Ảnh: Hà Duy

Trong 10 năm (2011-2021), huyện Chư Prông phối hợp xây dựng 1.286 căn nhà cho hộ nghèo. Quỹ “Vì người nghèo” huyện huy động gần 6,3 tỷ đồng để xây mới 148 nhà “Đại đoàn kết”, sửa chữa 17 nhà và các hoạt động an sinh xã hội, góp phần giúp người nghèo ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Trao đổi với P.V, ông Kpuih Hồ Công Thông-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện-thông tin: “Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” đã giúp các hộ nghèo có vốn phát triển sản xuất, vươn lên làm kinh tế giỏi. Nhờ đó, đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 2.676 hộ (chiếm 8,83%). Thời gian tới, MTTQ các cấp tiếp tục xây dựng kế hoạch thực hiện cuộc vận động theo từng năm. Trong đó, tập trung thực hiện 2 chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Cùng với đó, phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp cho bà con về kiến thức trồng trọt, chăn nuôi để nâng cao hơn nữa năng suất sản xuất. Tiếp tục nhân rộng các mô hình hoạt động có hiệu quả, tổ chức cho các hộ nghèo được tham quan các mô hình điển hình để học tập, làm theo và phấn đấu vươn lên thoát nghèo”.
HÀ DUY - NHẬT HÀO

Có thể bạn quan tâm

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.