Pờ Tó "thay da đổi thịt"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau khi thống nhất đất nước, xã Pờ Tó (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) đón nhận hàng trăm hộ dân từ các tỉnh phía Bắc vào lập nghiệp. Theo thời gian, vùng đất từng được mệnh danh là “hốc Pờ Tó” đã từng bước “thay da đổi thịt”, đời sống người dân được cải thiện nhiều mặt.  
Một thời “dễ vào khó ra”
Để tìm hiểu về sự thay đổi của vùng đất Pờ Tó, chúng tôi tìm gặp ông Trần Tôn Muôn-nguyên Phó Bí thư Đảng ủy xã Pờ Tó. Ông Muôn cũng là một trong những người từ tỉnh Hà Nam đi theo diện kinh tế mới vào Pờ Tó từ năm 1984.
Ông Muôn kể, thời mới vào đây, Pờ Tó toàn là rừng nguyên sinh, cuộc sống gần như tách biệt với bên ngoài, không điện, không đường, không trường học. Giao thông lúc bấy giờ chủ yếu là đường mòn, người dân thu hoạch nông sản muốn vận chuyển ra Ayun Pa phải đi bằng xe đạp. Nhưng đến mùa mưa, xe đạp đi không nổi, xe ngựa là phương tiện duy nhất nhưng không phải ai cũng được đi.
“Trước kia, người dân thường quen câu cửa miệng “Hốc Pờ Tó dễ vào khó ra” vì nơi đây dân cư thưa thớt, nhà tre vách lá, 5 giờ chiều không dám ra khỏi nhà. Làm thì đổi công cho nhau, sản xuất manh mún mạnh ai nấy làm”-ông Muôn chia sẻ.
Khi đến Pờ Tó, các hộ kinh tế mới được bố trí ở dãy nhà trọ thuộc Nông trường bông. Tại đây, mỗi hộ được cấp 1.500 m2 đất, trong đó có 1.100 m2 đất rẫy và 400 m2 đất ở. “Vào được 1 năm thì Pờ Tó xảy ra nạn sốt rét. Do điều kiện y tế còn yếu nên nhiều người không qua khỏi. Thấy vậy, một số hộ đã bỏ về quê hoặc đi nơi khác sinh sống. Riêng tôi xác định kiên trì bám trụ”-ông Muôn kể.
Tiếp câu chuyện của mình, ông Muôn cho biết: Lúc bấy giờ, người dân sản xuất nông nghiệp theo kiểu may nhờ rủi chịu, 1 năm thu hoạch 1 lần. Phải đến cuối năm 1988, Pờ Tó thành lập hợp tác xã với cánh đồng hơn 100 ha. Vụ đầu tiên, do thiếu nước tưới nên hợp tác xã chỉ thu hoạnh được 17 ha lúa nước, còn lại bị chết khô. Sau 5 năm, hợp tác xã đi vào ổn định, người dân mới sử dụng hết đất đai để sản xuất.
Vợ chồng ông Trần Tôn Muôn (thôn 4, xã Pờ Tó) đã gắn bó với mảnh đất này gần 37 năm. Ảnh: Hà Phương
Vợ chồng ông Trần Tôn Muôn (thôn 4, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) đã gắn bó với mảnh đất này gần 37 năm. Ảnh: Hà Phương
Năm 1998, Pờ Tó thực hiện chia lại đất sản xuất cho các hộ dân, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, đầu tư thâm canh, xây dựng các mô hình để người dân tộc thiểu số nhìn thấy và làm theo. Từ đó, phong trào “nhường đất sản xuất” được người dân nhiệt tình hưởng ứng với tinh thần thương yêu giúp đỡ nhau. Ngoài việc chia ruộng, chính quyền địa phương hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật để người dân tộc thiểu số biết cách sản xuất cho năng suất cao. 
Ông Rơ Ô Khen (thôn 2) được xem là tấm gương vượt khó của xã Pờ Tó. Ông Khen bồi hồi kể lại: Sau giải phóng, người dân mới kéo nhau lên đây làm kinh tế nhưng cuộc sống quá khổ cực, chỉ phát-đốt-chọc-tỉa nên thu hoạch hàng năm không đủ ăn. Nhiều người đói quá phải lên rừng đào củ mài thay cơm. Khi người dân kinh tế mới ở ngoài Bắc vào đây lập nghiệp, bà con địa phương có điều kiện học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi nên năng suất cải thiện dần. Thời bấy giờ, chỉ có một con đường mòn đủ để cho bà con đi làm, cây cối um tùm, thường phải đi theo nhóm từ 2 người trở lên chứ không dám đi một mình.
Chính cuộc sống đói khổ đó buộc ông Khen quyết định nghỉ nghề giáo sau gần chục năm gắn bó để về làm kinh tế. Cực khổ rồi cũng qua, kinh tế gia đình ông Khen dần khấm khá với 3 sào lúa rồi phát triển đến nay tới 20 ha mía, bắp, mì, điều, lúa.
Vươn mình phát triển
Nói về sự vươn mình của Pờ Tó, ông Muôn cho biết, xã thực sự phát triển trong 10 năm trở lại đây khi Nhà nước thực hiện Chương trình 135. Khi đó, Pờ Tó được đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng với hệ thống điện, đường, trường, trạm. Đồng thời, xã thực hiện kế hoạch giãn dân, xây dựng các tuyến đường nông thôn, cấp đất cho người dân canh tác.
Diện mạo nông thôn xã Pờ Tó (huyện Ia Pa) ngày càng khởi sắc. Ảnh: Hà Phươg
Diện mạo nông thôn xã Pờ Tó (huyện Ia Pa) ngày càng khởi sắc. Ảnh: Hà Phương
Ông Đặng Xuân Cường-Chủ tịch UBND xã Pờ Tó-cho biết: Đảng ủy, UBND xã đoàn kết, phát huy trí tuệ tập thể, đặc biệt là vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Điều dễ nhận thấy nhất là hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư khá đồng bộ, hệ thống đường giao thông trên địa bàn xã từ khu vực trung tâm đến các tuyến đường nội thôn, nội đồng được bê tông hóa. Năm 2014, đường Trường Sơn Đông đã mang lại sức sống mới cho vùng đất Pờ Tó. Dọc tuyến này bây giờ là những cánh đồng mía, mì bạt ngàn.
Ông Trần Quốc Tuấn-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa-thông tin: Những năm qua, huyện luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến 3 xã khó khăn, trong đó có Pờ Tó. Giai đoạn 2016-2020, huyện đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ cây-con giống cho người dân phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Hiện nay, hệ thống đường giao thông nông thôn hầu hết đã được bê tông hóa, các công trình thủy lợi đáp ứng nhu cầu tưới tiêu; 90% hộ dân được tiếp cận, cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của Nhà nước; trên 90% hộ dân được sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân hàng năm 5,5%.
HÀ PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.