Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh": Hiệu quả và lan tỏa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Được triển khai từ năm 2016 đến nay, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn lẫn đô thị.

Trong 5 năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã vận động toàn dân thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Nhờ đó, đời sống của người dân từng bước được nâng cao, khối đại đoàn kết ngày càng được củng cố, tăng cường. Toàn tỉnh có hàng ngàn hộ dân tự nguyện hiến đất, hỗ trợ ngày công, tiền của để xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học, làm đường giao thông nông thôn. Giai đoạn 2016-2020, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp đã huy động trên 40 tỷ đồng xây dựng và sửa chữa 964 căn nhà; hỗ trợ vốn vay, khám-chữa bệnh, tặng quà cho hàng trăm hộ nghèo.

 Thị trấn Kon Dơng (huyện Mang Yang) ngày càng khởi sắc. Ảnh: Thanh Nhật
Thị trấn Kon Dơng (huyện Mang Yang) ngày càng khởi sắc. Ảnh: Thanh Nhật


Chia sẻ việc vận động người dân tham gia thực hiện các nội dung của cuộc vận động gắn với xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số, ông Kpă Phinh-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Blôm (xã Kim Tân, huyện Ia Pa) cho biết: Ban đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, người dân tham gia dọn vệ sinh môi trường, trồng cây xanh trong vườn nhà… Dân làng đã tự nguyện hiến 2 ha đất và đóng góp 125 triệu đồng để xây dựng nông thôn mới. Người dân cũng chủ động tháo dỡ và di dời hơn 100 ngôi nhà về vị trí mới. “Chúng tôi đang tiếp tục tuyên truyền, vận động dân làng làm nhà vệ sinh để thuận tiện trong sinh hoạt; đóng góp tiền, ngày công để làm đường giao thông và lắp đặt bóng điện chiếu sáng tại khu vực nhà mồ”-ông Phinh nói.

Sau khi triển khai thực hiện các nội dung của cuộc vận động, ý thức xây dựng và bảo vệ cảnh quan môi trường của người dân xã Glar (huyện Đak Đoa) đã chuyển biến tích cực. Một số làng mượn đất chung để trồng cà phê gây quỹ làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, nhà sinh hoạt cộng đồng… Ông Wut-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Dơk Rơng (xã Glar, huyện Đak Đoa) phấn khởi nói: “Đến nay, tất cả các tuyến đường nội làng đã được nhựa hóa, bê tông hóa và trồng hoa”.

Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, cuộc vận động đã góp phần quan trọng thay đổi diện mạo nông thôn, đô thị. Ảnh: Anh Huy
Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, cuộc vận động đã góp phần không nhỏ trong thay đổi diện mạo nông thôn, đô thị. Ảnh: Anh Huy


Xuất phát từ nhu cầu thực tế, người dân thị trấn Kon Dơng (huyện Mang Yang) cũng tích cực đóng góp kinh phí để xây dựng các công trình dân sinh và tạo cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp. Bà Đỗ Thị Hương-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị trấn Kon Dơng-cho hay: Người dân ở một số thôn đã tự nguyện đóng góp tiền để lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng ở những đoạn đường dân sinh. Dân làng Đê Ktu và Đê Kôp Đoa đã góp hơn 200 triệu đồng làm 2 cây cầu dân sinh bắc qua suối để đến khu vực đất sản xuất. “Tất cả các nội dung của cuộc vận động đều được người dân tích cực tham gia và mang lại những kết quả rõ rệt. Chuồng trại nuôi nhốt gia súc được di dời ra xa nơi ở, khuôn viên nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng, tất cả tuyến đường đều trồng hoa. Các tiêu chí đã được người dân thực hiện, song chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để ngày càng đạt kết quả tốt hơn nữa. Bà con đã làm chuồng trại nuôi nhốt gia súc rồi thì phải hướng tới chuồng trại sạch sẽ, khử khuẩn thường xuyên, phân bón cũng được xử lý sao cho đảm bảo”-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị trấn Kon Dơng thông tin.

Bà Phạm Thị Lan-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh-cho biết: Để đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thời gian tới, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức phối hợp giữa MTTQ với các tổ chức thành viên; thường xuyên củng cố và nâng cao chất lượng ban công tác mặt trận ở các khu dân cư. Đồng thời, tiếp tục cụ thể hóa các nội dung của cuộc vận động gắn với các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới và gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

 

 ANH HUY
 

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.
Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

(GLO)- Cách TP. Pleiku chừng 15 km, vườn nho Gia Lai (ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) của anh Đặng Đại Dương đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên và đón khách đến tham quan, trải nghiệm.