Người Thái ở Chư A Thai gắn bó với nghề nuôi tằm ăn lá mì

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với việc duy trì nghề truyền thống nuôi tằm ăn lá mì, cộng đồng người Thái tại thôn Drok (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) có thu nhập ổn định.
Làng Drok có hơn 80 hộ đồng bào dân tộc Thái từ tỉnh Thanh Hóa vào lập nghiệp từ những năm 90 của thế kỷ trước. Nhận thấy diện tích mì tại địa phương rất lớn, là điều kiện thuận lợi để chăn nuôi tằm ăn lá mì, một số hộ đã tìm mua giống về gây dựng lại nghề truyền thống. Nuôi tằm ăn lá mì không tốn quá nhiều diện tích, vốn đầu tư thức ăn, tận dụng được lao động lúc nông nhàn, vừa cải thiện bữa ăn hàng ngày, vừa tạo thêm thu nhập cho gia đình. Khác với loại tằm ăn lá dâu, lấy tơ dệt vải, tằm lá mì chủ yếu dùng làm thức ăn khi tằm chín. Đây được coi là món ăn rất giàu dinh dưỡng, dùng làm thuốc bồi dưỡng thần kinh, ăn ngủ kém, trẻ suy dinh dưỡng, phụ nữ sau khi sinh nở ít sữa, cơ thể suy nhược...
Theo chân cán bộ xã Chư A Thai, chúng tôi ghé nhà bà Lục Thị Quế-một trong số hộ đầu tiên nuôi tằm ăn lá mì sau khi vào vùng đất mới. Bà dẫn chúng tôi tham quan mô hình nuôi tằm của gia đình. Bà kể: Dựng nghiệp ở nơi đất khách với 2 bàn tay trắng khó khăn trăm bề, cả gia đình phát rẫy làm nương kiếm sống. Khi cuộc sống dần ổn định, thấy được nguồn nguyên liệu lá mì của địa phương phong phú, bà có ý định phát triển thêm nghề nuôi tằm ăn lá mì. Tìm mua giống của người quen bên tỉnh Đak Lak, bà bắt đầu nuôi tằm từ năm 2006. Ban đầu, nuôi số lượng ít, chủ yếu cải thiện bữa ăn và bán cho người quen. Sau này, nhiều người tìm mua nên bà mở rộng quy mô.
Bà Lục Thị Quế (thôn Drok, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) chăm sóc tằm mới nở. Ảnh: Vũ Chi
Bà Lục Thị Quế (thôn Drok, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) chăm sóc tằm mới nở. Ảnh: Vũ Chi
Theo bà Quế, chu kỳ của tằm lá mì khoảng 25-30 ngày, trong đó, giai đoạn nhân giống khoảng 10-15 ngày. Tằm con sau khi chăm sóc thêm 15 ngày chuyển từ màu trắng sang vàng là tằm đã chín, có thể thu hoạch. Tuy việc nuôi tằm nhẹ nhàng nhưng phải cho tằm ăn thường xuyên, ban đêm thức cho tằm ăn ít nhất 1 lần. Bên cạnh đó, tằm nhạy cảm với các loại hóa chất nên thức ăn phải sạch. Khoảng 2-3 ngày phải vệ sinh phân tằm một lần. Lá mì trước khi cho tằm ăn cần phun sương nước để cung cấp đủ độ ẩm. Những con tằm yếu thì nuôi riêng, đảm bảo thức ăn cho chúng phát triển.
“Tôi lớn tuổi rồi, không còn sức làm việc nặng nữa nên cố gắng giữ nghề của cha ông kiếm thêm thu nhập. Để tiết kiệm diện tích nuôi, gia đình đóng các kệ gỗ 3 tầng với diện tích mỗi tầng khoảng 6 m2. Khi tằm chín, thương lái đến tận nhà thu mua, vận chuyển đi các tỉnh phía Nam. Bình quân, mỗi tháng, gia đình tôi xuất bán 60-70 kg tằm chín. Với giá bán 70.000 đồng/kg, tôi thu về 4-5 triệu đồng/tháng. Gần đây, do các tỉnh, thành phía Nam bùng phát dịch Covid-19, việc xuất bán tằm chín giảm đáng kể. Gia đình hạn chế nhân giống, chờ tình hình dịch ổn định sẽ đầu tư trở lại”-bà Quế bộc bạch.
Cách đó không xa, gia đình chị Lương Thị Nhàn cũng nuôi tằm ăn lá mì hơn 1 năm nay. Chị Nhàn cho biết: Gia đình có hơn 4 ha mì nên chị mua tằm chín về nhân giống. Thời điểm nuôi nhiều, chị thu hoạch trên 60 kg/tháng. “Tuy quy mô còn nhỏ nhưng mô hình nuôi tằm ăn lá mì giúp gia đình tôi có thêm thu nhập hàng tháng khoảng 3 triệu đồng. Tằm chín hay nhộng tằm là sản phẩm sạch, giàu đạm, chất béo và vitamin. Tằm chiên giòn hay xào với măng chua, khế, thêm chút lá chanh sẽ tạo thành món ăn hấp dẫn”-chị Nhàn hào hứng chia sẻ. 
Chị Lương Thị Nhàn (thôn Drok, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) chăm sóc lứa tằm lá mì đã được 12 ngày. Ảnh: Vũ Chi
Chị Lương Thị Nhàn (thôn Drok, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) cho biết, mô hình nuôi tằm ăn lá mì giúp gia đình có thêm thu nhập hàng tháng khoảng 3 triệu đồng. Ảnh: Vũ Chi
Bà Bùi Thị Vân-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Chư A Thai-cho hay: Khoảng hơn 1 năm trở lại đây, mô hình nuôi tằm phát triển nhờ hiệu quả kinh tế mà nó mang lại. Đến nay, làng Drok có 20 hộ nuôi loại tằm này. Do tận dụng lá mì làm thức ăn cho tằm nên tiết kiệm chi phí, lợi nhuận tương đối khá. Việc trồng mì cũng mang lại hiệu quả kép, vừa cho củ, vừa cho lá để nuôi tằm. Đặc biệt, mô hình này rất thích hợp với gia đình có người cao tuổi, người sức yếu không làm được việc nặng hay phụ nữ ở nhà chăm con nhỏ.
“Hội Liên hiệp phụ nữ xã đã thành lập Câu lạc bộ Nuôi tằm nhằm tạo điều kiện để các thành viên trao đổi, học hỏi kỹ thuật chăm sóc, tăng năng suất, chất lượng, liên kết tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Mô hình hứa hẹn góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương”-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Chư A Thai khẳng định.
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.
Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

(GLO)- Cách TP. Pleiku chừng 15 km, vườn nho Gia Lai (ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) của anh Đặng Đại Dương đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên và đón khách đến tham quan, trải nghiệm.
Pleiku lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện

Pleiku lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện

(GLO)- Hưởng ứng phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN) với thông điệp "Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại", nhiều người dân ở TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã tích cực tham gia HMTN. Việc làm của họ đã góp phần đáp ứng nhu cầu máu cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân.