Kbang đổi mới hoạt động hợp tác xã

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau gần 4 năm triển khai Nghị quyết số 03-NQ/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy về phát triển hợp tác xã (HTX), Kbang đã từng bước hỗ trợ các HTX nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn.
Đi vào hoạt động từ năm 2017, HTX nông nghiệp dược liệu Quang Vinh (xã Sơ Pai) đã phát triển hơn 20 ha cây ăn quả theo phương pháp hữu cơ; liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu hơn 20 ha cây dược liệu. Đồng thời, HTX đã tạo việc làm ổn định cho 20 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương với mức lương 5-6 triệu đồng/tháng. Cũng thành lập từ năm 2017, HTX nông nghiệp Đoàn Kết Kbang (xã Đông) hiện có 60 thành viên. Từ 12 hộ cung ứng sản phẩm ban đầu với diện tích 4 ha, đến nay đã có 23 hộ tham gia với diện tích 8,5 ha nhằm đảm bảo nguồn rau quả cho hệ thống siêu thị Big C miền Trung (thuộc Tập đoàn Central Retail Việt Nam).
Trao đổi với P.V, ông Lê Thanh Sơn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang-cho biết: Sau gần 4 năm triển khai Nghị quyết số 03-NQ/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy về phát triển HTX giai đoạn 2017-2020, đến nay, toàn huyện có 14 HTX với 517 thành viên, tổng số vốn đăng ký kinh doanh là 6,736 tỷ đồng. Tuy quy mô còn nhỏ lẻ nhưng một số đơn vị đã có doanh thu, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.
Ông Hoàng Văn Biên (thôn 2, xã Đak Hlơ, huyện Kbang) đóng gói rau quả cung ứng cho siêu thị. Ảnh Ngọc Minh
Ông Hoàng Văn Biên (thôn 2, xã Đak Hlơ, huyện Kbang) đóng gói rau quả cung ứng cho siêu thị. Ảnh: Ngọc Minh
Dù vậy, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên một số HTX đang gặp khó, hàng hóa bị tồn kho, hoạt động cầm chừng. Bà Nguyễn Thị Thanh Hương-Giám đốc HTX nông nghiệp-thương mại và dịch vụ Tơ Tung-cho hay: “Trước đây, các sản phẩm chủ lực như măng le rừng khô, bí đao sấy khô và tinh dầu sả tạo ra nguồn thu gần 2 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, hiện nay, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, hoạt động của HTX bị ngưng trệ. Hiện HTX đang sống dựa vào việc liên kết thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất của xã, nhưng cũng không đáng kể”. Ông Nguyễn Thanh Trung-Giám đốc HTX nông nghiệp Đoàn Kết Kbang cũng chia sẻ tình cảnh tương tự: “Hiện nay, HTX chỉ hoạt động cầm chừng. Các kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu rau củ quả, mở rộng mô hình sản xuất theo đó cũng rơi vào trạng thái chờ đợi”.
Nhằm chủ động vượt qua khó khăn trước mắt, một số HTX đã đề ra kế hoạch hoạt động trong thời gian tới. Ông Phạm Văn Hậu-Giám đốc HTX nông nghiệp dược liệu Quang Vinh-khẳng định: “Chúng tôi sẽ mở rộng thêm hoạt động thương mại, thu mua các mặt hàng nông sản tại địa phương. Đặc biệt là đầu tư công nghệ chế biến sâu các sản phẩm chủ lực là cây dược liệu mà HTX đang sản xuất”. Trong khi đó, HTX dịch vụ nông-lâm nghiệp Kon Pne cũng đang sống dựa vào việc cung ứng phân bón, thuốc trừ sâu và các dự án cây trồng mà xã tạo điều kiện cho đơn vị này làm đầu mối cung ứng. Ông Dương Quốc Diệp-Chủ tịch UBND xã Kon Pne-thông tin: “Chúng tôi hỗ trợ HTX triển khai thực hiện các chương trình, dự án liên quan ngân sách nhà nước; đồng thời bổ sung ngành nghề quản lý, điều tiết nước sinh hoạt, thủy lợi cơ sở; hoạt động xây dựng cơ bản những công trình nhỏ theo tổ, nhóm thợ, tạo điều kiện tối đa cho HTX có nguồn thu để duy trì hoạt động, vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay”.
Hợp tác xã nông nghiệp-thương mại và dịch vụ Tơ Tung (xã Tơ Tung) đầu tư máy sấy để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Ảnh: Ngọc Minh
Hợp tác xã nông nghiệp-thương mại và dịch vụ Tơ Tung (xã Tơ Tung, huyện Kbang) đầu tư máy sấy để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Ảnh: Ngọc Minh
Trao đổi thêm với P.V, Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang Lê Thanh Sơn thông tin: Sau Nghị quyết số 03-NQ/HU, Ban Thường vụ Huyện ủy tiếp tục ban hành Nghị quyết số 02-NQ/HU về phát triển HTX giai đoạn 2021-2024. Theo đó, ngoài việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh đổi mới hoạt động của các HTX, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể huyện còn quan tâm tạo điều kiện, hỗ trợ HTX hoạt động hiệu quả. Đặc biệt là tiếp cận nguồn vốn vay, các mô hình sản xuất gắn với chuỗi giá trị; hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. “Hiện tại, chúng tôi đã rà soát, xem xét và xây dựng phương án củng cố HTX trên cơ sở bổ sung nhiệm vụ quản lý, khai thác 37 công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng nhằm thúc đẩy hoạt động của HTX sang các ngành dịch vụ khác để có thêm nguồn thu chi từ hoạt động này. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho các HTX tham gia, thực hiện các dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để phát triển ổn định, bền vững”-ông Sơn nhấn mạnh.
MINH PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.