Chư Sê ngày ấy, bây giờ…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày mới thành lập, cơ sở vật chất của huyện Chư Sê còn rất tạm bợ, đời sống người dân vô cùng khó khăn. Ấy vậy mà sau 40 năm, Chư Sê đã có những đổi thay kỳ diệu, từ một huyện nghèo, sinh sau đẻ muộn nay đã phát triển nhanh, mạnh và bền vững, trở thành vùng động lực phía Nam của tỉnh.
Chư Sê ngày ấy…
Cách đây 40 năm, huyện Chư Sê được thành lập trên cơ sở tách 7 xã của huyện Chư Prông và 5 xã của huyện Mang Yang (nay là huyện Đak Đoa). Thời gian đầu, cơ quan lâm thời Huyện ủy phải ở tạm nhà thờ Mỹ Thạch, trụ sở UBND xã Dun và một số nhà dân xung quanh; nơi làm việc của UBND huyện là cửa hàng thương nghiệp; các ban, ngành, đoàn thể thì ở nhờ nhà của người dân. Nhiệm vụ cấp bách lúc này là cùng người dân chăm lo sản xuất nông nghiệp, cứu đói, hàn gắn vết thương chiến tranh và giữ vững thành quả cách mạng sau giải phóng.
Mới thoát ra từ chiến tranh, Chư Sê bấy giờ xơ xác, tiêu điều, cơ sở hạ tầng kỹ thuật hầu như không có gì ngoài 2 tuyến quốc lộ 14 và 25 cùng một công trình thủy lợi ở Bờ Ngoong. Khu vực ngã ba Cheo Reo hồi ấy rất hoang tàn, sau 5 giờ chiều là không một bóng người đi lại. 
Ngày đó, từ huyện xuống xã chủ yếu là đường mòn, đường đất, nếu đi đường tắt thì phải cuốc bộ, lội suối, vượt sông, băng rừng... còn đi xe đạp phải chọn đường vòng. Từ trung tâm huyện đi xã Al Bá mất 1 ngày vì phải lên Hàm Rồng, qua Ia Tiêm, Bờ Ngoong thì mới đến được; đi xã Ia Ko gần hơn thì cũng hơn ngày. Chỉ có một số xã dọc quốc lộ 14 và 25 như Nhơn Hòa, Ia Hrú, Ia Le (nay thuộc huyện Chư Pưh), Hbông thì đạp xe có nhanh hơn, nhưng các nơi này FULRO hoạt động rất manh động, tàn bạo. Nếu ở lại đêm thì phải có người thay phiên nhau canh gác và thường phải thay đổi chỗ ngủ từ nhà này sang nhà khác để nghi binh.
Thừa ủy nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ayun H’Bút tặng cờ “Vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tỉnh Gia Lai” cho Nhân dân và cán bộ huyện Chư Sê. Ảnh: Quang Tấn
Thừa ủy nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ayun H’Bút tặng cờ “Vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tỉnh Gia Lai” cho Nhân dân và cán bộ huyện Chư Sê. Ảnh: Quang Tấn
Về kinh tế, Chư Sê lúc này chủ yếu tự cung, tự cấp với phương thức sản xuất là phát, đốt, chọc, trỉa. Đời sống người dân vô cùng cơ cực, hơn 80% đói nghèo, bệnh sốt rét ác tính hoành hành, rồi bệnh dịch tả, bệnh phong luôn đe dọa. Hơn 90% đồng bào dân tộc thiểu số mù chữ, sống du canh du cư, nhiều tập tục lạc hậu còn phổ biến như ma lai, thuốc thư, chôn chung, xử phạt theo luật làng... Toàn huyện chỉ có một trường cấp II (nhô) với hơn vài trăm học sinh, một lớp 10, một bệnh viện huyện tạm bợ do một y sĩ phụ trách.
Khu vực ngã ba Cheo Reo thời đó vô cùng hoang vắng, đầm lầy. Chính vì vậy, việc quy hoạch trung tâm hành chính huyện được bàn thảo khá gay gắt với nhiều ý kiến không đồng thuận. Tại các cuộc họp, nhiều ý kiến đề nghị chọn địa điểm tại xã Bờ Ngoong vì nơi đây có công trình thủy lợi Ia Pết phục vụ tưới gần 300 ha lúa 2 vụ, rau màu, cây công nghiệp. Cùng thời điểm này, phong trào “Bờ Ngoong hóa” được Trung ương quan tâm chỉ đạo, thuận lợi nữa là có Trường Vừa học-Vừa làm của tỉnh đóng tại đây, an ninh chính trị cũng ổn định hơn. Tận dụng các cơ sở này làm nền tảng và điểm nhấn thì thuận lợi hơn rất nhiều, dễ phát triển đi lên. Kinh nghiệm sau này cho thấy, lúc bấy giờ, nếu lãnh đạo không có tầm nhìn dài hạn để chọn nơi đặt trung tâm huyện thì đã không có một Chư Sê như hôm nay.
Và nay
Nhờ quy hoạch và xác định rõ mục tiêu phát triển, cơ cấu kinh tế đúng hướng nên sau 40 năm xây dựng và phát triển, Chư Sê từ một huyện nghèo đã vươn lên trở thành vùng động lực kinh tế phía Nam của tỉnh. Khi kế nhiệm người đứng đầu địa phương này, tôi luôn nhớ đến quyết định đầy táo bạo và quyết đoán của các bậc tiền nhiệm, tiếp tục mang đến cho Chư Sê nhiều đổi thay. Những vùng đất khô cằn, đầy bụi rậm, rừng le, cỏ đuôi chồn, gai mắc cỡ giờ đã phủ một màu xanh bạt ngàn của hàng vạn héc ta cao su, cà phê, các loại cây ăn quả, cây dược liệu…
Chư Sê hôm nay đã có những bước tiến vững chắc, đánh dấu sự trưởng thành và phát triển. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng tích cực, bền vững. Đến cuối năm 2020, tổng giá trị sản xuất toàn huyện đạt 11.433 tỷ đồng. Trong đó, nông-lâm nghiệp chiếm 33,85%, công nghiệp-xây dựng chiếm 34,48%, thương mại-dịch vụ chiếm 31,67%; thu ngân sách trên địa bàn đạt hơn 1.003 tỷ đồng. Các tuyến đường giao thông đều được mở đến tận thôn, làng; hầu hết các xã, thị trấn đều có công trình thủy lợi phục vụ tưới cho các loại cây trồng; hệ thống điện lưới quốc gia đã đưa đến từng hộ gia đình. 
Chư Sê xứng tầm là vùng kinh tế động lực phía Nam của tỉnh. Ảnh: Quang Tấn
Chư Sê xứng tầm là vùng kinh tế động lực phía Nam của tỉnh. Ảnh: Quang Tấn
Cũng chính vì nhìn ra xuất phát điểm thấp nên huyện sớm có chủ trương đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, thành lập các nông-lâm trường, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thu hút đầu tư. Kinh tế theo đó dần bứt phá và khởi sắc hơn. Đặc biệt, giai đoạn 2016-2020, huyện đã bố trí hàng trăm tỷ đồng để xây dựng các công trình trọng điểm, công trình thiết yếu trên địa bàn. Ngã ba Cheo Reo từ chỗ đầm lầy, hoang vu nay đã trở thành khu trung tâm thị trấn, dịch vụ thương mại phát triển với hàng loạt siêu thị được xây dựng như: Co.op Mart Chư Sê, Điện máy Xanh, Thế giới di động… cùng đầy đủ các thiết chế văn hóa, nổi bật là công viên văn hóa Kpă Klơng xanh-sạch-đẹp. Các công trình thủy lợi: Ia Ring, Nút Riêng, Plei Keo, Ayun Hạ… không chỉ phục vụ tưới mà còn cung cấp nước sinh hoạt, thủy điện, khai thác du lịch, điều hòa môi trường sinh thái cho toàn huyện. Tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ từ chỗ không có sản phẩm gì đáng kể, đến nay đã có nhiều sản phẩm mới đáp ứng đủ nhu cầu xây dựng của huyện như khai thác, sản xuất mỗi năm hàng triệu viên đá, gạch không nung; trên 200.000 m2 tôn lợp mái; gia công sắt thép hơn 1.000 tấn; sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp… Từ huyện với trên 80% hộ dân đói nghèo, chưa biết sản xuất hàng hóa đã trở thành địa phương xuất khẩu hàng vạn tấn cà phê, cao su, hồ tiêu hàng năm ra thị trường thế giới. Dân cư đến lập nghiệp tăng nhanh, kinh tế-xã hội phát triển nhanh. Đến năm 2010, Chư Sê chia tách, thành lập thêm huyện mới Chư Pưh bây giờ.
Sau 4 thập kỷ, Chư Sê đã hội tụ khá đầy đủ về thiên thời, địa lợi, nhân hòa, có vai trò dẫn dắt các huyện phía Nam, Đông Nam và vùng lân cận. Chư Sê cũng là địa phương đi đầu trong việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển các sản phẩm mới như: yến sào, dược liệu. Đặc biệt, “Hồ tiêu Chư Sê” trở thành thương hiệu mạnh, ngày càng khẳng định tên tuổi ở thị trường trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, huyện đã chủ động khai thác lợi thế trục quốc lộ 14 kết nối TP. Hồ Chí Minh, quốc lộ 25 đi Phú Yên và đang xúc tiến đầu tư đường tránh phía Tây để phát triển đô thị, đáp ứng nhu cầu về đất ở cho người dân, hình thành thị trường bất động sản, tạo lập nguồn thu ngân sách đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị để góp phần đưa Chư Sê sớm trở thành thị xã trẻ, đầy tiềm năng.
Việc hoàn thiện các quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết xây dựng xã, thị trấn đã làm cơ sở cho việc đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn. Khu trung tâm hành chính và khu đô thị sinh thái phía Đông thị trấn Chư Sê hay Khu Công nghiệp Nam Gia Lai, cụm công nghiệp tập trung huyện cũng đang dần hình thành. Tương lai xa hơn là quy hoạch 15 dự án điện gió, 2 dự án điện mặt trời với tổng công suất dự kiến trên 1.500 MW, mở ra hướng phát triển về nguồn năng lượng tái tạo.
Với truyền thống đoàn kết, hiếu học, cần cù, chịu thương, chịu khó, biết chia sẻ của đồng bào các dân tộc trong huyện cùng với định hướng đúng đắn, năng động của cấp ủy và chính quyền, huyện Chư Sê sẽ phát triển nhanh và bền vững hơn nữa, là hình mẫu về quy hoạch đô thị, điểm sáng về công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp, thương mại, du lịch, đầu tư khai thác hiệu quả năng lượng tái tạo; là điển hình trong sự nghiệp y tế-giáo dục và là khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng-an ninh của tỉnh nhà.
NGUYỄN DŨNG

Có thể bạn quan tâm

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.