Vì biên giới hòa bình, hữu nghị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Việt Nam và Campuchia có chung đường biên giới trên đất liền dài khoảng 1.255 km đi qua 10 tỉnh của Việt Nam và 9 tỉnh của Campuchia. Gần 40 năm qua, vấn đề biên giới trên đất liền được hai nước nỗ lực hợp tác giải quyết. Đặc biệt, thông qua biện pháp hòa bình, trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, bình đẳng và cùng có lợi, công tác phân giới cắm mốc giữa hai nước đã đạt được những thành quả rất quan trọng.
Ngày 22-12-2020, Việt Nam và Campuchia phối hợp tổ chức lễ trao đổi Văn kiện phê chuẩn 2 văn kiện gồm: Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia; Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia được ký ngày 5-10-2019. Các văn kiện pháp lý này ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa hai nước đã đạt được khoảng 84%. Từ đây, Việt Nam và Campuchia cơ bản có một đường biên giới rõ ràng trên thực địa, được đánh dấu bởi một hệ thống cột mốc khang trang, chính quy, hiện đại và bền vững, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo chủ quyền an ninh biên giới.
Gia Lai có chung đường biên giới dài khoảng 90 km với tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia). Những năm qua, công tác phân giới cắm mốc biên giới giữa hai tỉnh cũng đã đạt được những bước tiến rất quan trọng. Theo số liệu của Ban Chỉ đạo phân giới cắm mốc tỉnh Gia Lai, trên địa bàn có 16 vị trí với 20 cột mốc chính và 17 vị trí với 23 cột mốc phụ. Đến nay, hai bên đã chuyển vẽ trên bản đồ và xác định, xây dựng được 7 vị trí và cắm được 11 cột mốc chính. Cùng với đó, tất cả 17 vị trí với 23 cột mốc phụ đã được xác định. Ngoài ra, hai bên cũng đã chuyển vẽ được khoảng 30/90 km đường biên giới. Nhờ chú trọng công tác phân giới cắm mốc mà tình hình an ninh trật tự trên tuyến biên giới đảm bảo ổn định, kinh tế-xã hội phát triển và đời sống người dân từng bước được cải thiện.
Quang cảnh hội nghị tuyên truyền thành quả công tác phân giới cắm mốc tại điểm cầu Tỉnh ủy Gia Lai. Ảnh: Anh Huy
Quang cảnh hội nghị trực tuyến tuyên truyền thành quả công tác phân giới cắm mốc tại điểm cầu Tỉnh ủy Gia Lai. Ảnh: Anh Huy
Việt Nam có đường biên giới trên đất liền dài 4.639 km tiếp giáp với 3 nước: Trung Quốc, Lào và Campuchia. Đến nay, nước ta đã hoàn thành việc phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền với Trung Quốc. Không chỉ hoàn thành việc phân giới cắm mốc biên giới, Việt Nam và Lào đã hoàn thành kế hoạch tổng thể thực hiện công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới. Thực tế đã chứng minh: Nếu làm tốt công tác phân giới cắm mốc biên giới sẽ góp phần tạo dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.
Với những kết quả đã đạt được trong gần 40 năm qua, Việt Nam và Campuchia đang đứng trước cơ hội giải quyết rốt ráo vấn đề biên giới trên đất liền giữa hai nước. Vì vậy, trong thời gian tới, hai bên cần tiếp tục phối hợp tìm kiếm giải pháp công bằng, hợp lý, phù hợp với các văn kiện pháp lý biên giới giữa hai nước, phù hợp với luật pháp quốc tế để giải quyết 16% khối lượng công việc còn lại, sớm hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền.
Cùng với đó, hai bên phối hợp triển khai công tác quản lý biên giới theo các văn kiện đã ký kết. Ngoài ra, hai bên tiếp tục đàm phán ký kết Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và Hiệp định về cửa khẩu, quy chế quản lý cửa khẩu trên đất liền.
Một vấn đề không kém phần quan trọng là hai bên cần phối hợp đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về quá trình giải quyết biên giới, lãnh thổ và thành quả công tác phân giới cắm mốc nhằm nâng cao nhận thức của người dân về đường biên giới và mốc giới. Đặc biệt, hai bên cần kiên quyết đấu tranh phản bác những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc hòng gây chia rẽ mối quan hệ đoàn kết, hợp tác, hữu nghị truyền thống giữa hai nước, nhất là những vấn đề liên quan đến biên giới, lãnh thổ.
DUY LÊ

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.