Tăng tốc xây dựng làng nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đến thời điểm này, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) có 6 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Hiện nay, huyện đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm đưa các thôn, làng: Phun Thanh (xã Ia Băng), Xom Pôt (xã Ia Pia) và Hợp Hòa (xã Ia Drăng) về đích NTM vào cuối năm nay.
Dẫn chúng tôi dạo quanh một số tuyến đường của thôn Hợp Hòa (xã Ia Drăng), ông Trần Hữu Minh chia sẻ: “Nhờ có chương trình xây dựng NTM mà đường sá được bê tông hóa sạch sẽ và lắp đèn điện thắp sáng. Đặc biệt, người dân còn trồng hoa và thu gom rác thải nên cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp”.
Ông Đồng Mạnh Hùng-Bí thư Chi bộ thôn-cho biết: Thôn nằm ngay trung tâm xã và có một số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nên tạo điều kiện việc làm cho nhiều lao động. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân được nâng lên, mỗi lần triển khai các chủ trương, phần việc đều nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng. “Từ khi triển khai xây dựng làng NTM, người dân cùng với một số doanh nghiệp đã đóng góp hơn 1,7 tỷ đồng để làm đường giao thông, cổng chào, hội trường, đường điện thắp sáng và trồng hoa. Đến nay, hầu hết các tuyến đường đều được bê tông hóa, hệ thống điện-đường-trường-trạm cơ bản đảm bảo, rác thải được thu gom sạch sẽ”-ông Hùng cho hay.
Còn ông Nguyễn Văn Thanh-Chủ tịch UBND xã Ia Drăng thì thông tin: Hiện tại, thôn Hợp Hòa còn 2 tiêu chí chưa đạt là thu nhập và cơ sở vật chất văn hóa. Vì vậy, xã đang tiếp tục tranh thủ các nguồn hỗ trợ và vận động người dân tham gia xây dựng thư viện, nhà đọc sách; vận động người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, tạo thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp; tiếp cận các nguồn vốn để kinh doanh buôn bán và làm công nhân cho các doanh nghiệp.
Người dân thôn Hợp Hòa (xã Ia Drăng) đã đóng tiền để lắp đường điện chiếu sáng nhằm đảm bảo an ninh trật tự. Ảnh: Nhật Hào
Người dân thôn Hợp Hòa (xã Ia Drăng) đã đóng tiền để lắp đường điện chiếu sáng nhằm đảm bảo an ninh trật tự. Ảnh: Nhật Hào
Tương tự, làng Phun Thanh (xã Ia Băng) cũng đã có nhiều khởi sắc kể từ ngày được chọn xây dựng làng NTM. Trưởng thôn Kpă Dan nói: “Từ khi triển khai các phần việc, người dân đã đóng góp 264 triệu đồng cùng Nhà nước làm đường giao thông; tổ chức dọn vệ sinh tại các khu vực công cộng, trồng con đường hoa. Bên cạnh đó, thôn đã thành lập 3 tổ tự quản an ninh trật tự để bảo vệ nông sản mỗi khi vào vụ thu hoạch; thường xuyên nhắc nhở con em khi tham gia giao thông không được lạng lách đánh võng, gây rối trật tự”.
Bà Nguyễn Thị Vân-cán bộ Nông nghiệp xã Ia Băng-cho hay: Để làng Phun Thanh về đích NTM trong năm nay, xã ưu tiên các nguồn lực đầu tư làm 3 con đường bê tông với kinh phí 885 triệu đồng. Cùng với đó, xã cấp 6 con bò giống, hỗ trợ cây giống, phân bón, kỹ thuật, liên hệ các đầu mối bao tiêu sản phẩm cho người dân. “Hiện tại, làng Phun Thanh còn 5 tiêu chí chưa đạt gồm: giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm. Tới đây, xã sẽ sử dụng nguồn ngân sách xây dựng 640 m đường giao thông nông thôn nhằm nâng tỷ lệ đường được kiên cố hóa lên 73,8%; tạo mọi điều kiện để người dân phát triển kinh tế hộ gia đình”-bà Vân cho biết.
Trong khi đó, làng Xom Pôt (xã Ia Pia) cũng đang nỗ lực thực hiện 6 tiêu chí để đạt chuẩn NTM vào cuối năm nay. Theo đó, xã tranh thủ các nguồn hỗ trợ của Nhà nước để làm đường giao thông nông thôn, kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí sửa chữa và xây mới nhà ở cho hộ nghèo. “Trước mắt, xã huy động nội lực trong dân đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, cải tạo cảnh quan môi trường và đảm bảo an ninh trật tự”-bà Nguyễn Thị Diễm Hằng-cán bộ Nông nghiệp xã Ia Pia-chia sẻ.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Luyến-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông-thông tin: “Tới đây, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các xã ưu tiên nguồn vốn để xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo, phát triển kinh tế; huy động và lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện các dự án nhằm từng bước hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, phấn đấu cuối năm, 3 thôn, làng trên đạt chuẩn NTM trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.
NHẬT HÀO

Có thể bạn quan tâm

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.