Kỳ vọng "cú hích" từ Dự án sân golf Đak Đoa - Kỳ 1: Người dân đồng thuận

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án xây dựng sân golf Đak Đoa đã khẳng định nỗ lực của tỉnh Gia Lai trong công tác kêu gọi đầu tư những năm gần đây. Trước khi triển khai Dự án, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt toàn tỉnh để lấy ý kiến và huyện Đak Đoa cũng thông tin rộng rãi trong Nhân dân. Việc triển khai Dự án là cơ hội để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao đời sống cho người dân.

Dự án sân golf Đak Đoa không chỉ được chính quyền địa phương đồng tình ủng hộ mà người dân sinh sống ở khu vực này cũng mong muốn sớm triển khai, qua đó góp phần giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Người dân đặt nhiều kỳ vọng

Theo quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, Dự án sân golf Đak Đoa được thực hiện tại các xã: Glar, Tân Bình và thị trấn Đak Đoa (huyện Đak Đoa) với tổng diện tích 174,01 ha. Trong đó, thực hiện chuyển mục đích sử dụng 155,93 ha rừng sản xuất sang mục đích khác để triển khai Dự án. Đặc biệt, vùng hưởng lợi là khu vực còn nhiều khó khăn nên việc đầu tư Dự án để nâng cao đời sống người dân, góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội là cần thiết và cấp bách.

Ông Mưnh (bìa phải, người dân làng HLâm) khẳng định quanh khu vực sân golf Đak Đoa không có tình trạng “sốt” đất. Ảnh: Minh Nguyễn
Ông Mưnh (bìa phải, làng H'Lâm, thị trấn Đak Đoa) khẳng định quanh khu vực sân golf Đak Đoa không có tình trạng “sốt” đất. Ảnh: Minh Nguyễn
Ông Hồ Phước Thành-Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: “Dự án sân golf Đak Đoa được xem là “cú hích” làm tăng thêm lực hấp dẫn cho các nhà đầu tư khác đã, đang và sẽ tiếp tục đầu tư tại tỉnh Gia Lai. Vì khi hình thành sân golf, tỉnh sẽ có điểm nhấn hấp dẫn giới doanh nhân, các nhà đầu tư. Khi họ đến đầu tư các lĩnh vực khác trên địa bàn sẽ có nơi để tham gia tập luyện thể thao, góp phần quảng bá, phát triển du lịch cho tỉnh mạnh mẽ hơn”.

Ông Võ Văn Thu (thôn 1, xã Tân Bình) kỳ vọng Dự án sẽ tạo điều kiện giải quyết việc làm cho người lao động trong khu vực. Theo ông Thu, thu nhập chính của người dân nơi đây phụ thuộc vào nông nghiệp nhưng diện tích đất sản xuất hạn hẹp. Vì thế, Dự án sẽ thu hút nguồn lao động tại chỗ, tạo việc làm cho người dân. Ông Thu cho biết, nơi đây trước kia là đất trống, đồi trọc. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước, năm 1977, ông cùng thanh niên trong xã tham gia trồng rừng thì mới có rừng thông như hôm nay. Thế nhưng, bao năm qua, rừng thông này vẫn vậy, người dân Tân Bình vẫn sản xuất nông nghiệp theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ.

“Khi có thông tin về việc triển khai Dự án sân golf, UBND xã và đại diện chủ đầu tư đã tổ chức họp dân để lấy ý kiến. Quan điểm của tôi cũng như phần lớn người dân ở đây là đồng thuận, kỳ vọng Dự án sẽ sớm đưa kinh tế-xã hội của địa phương phát triển, trong đó có xã Tân Bình. Bởi mấy chục năm qua khu vực này không có sự đổi thay lớn, không có điểm nhấn nổi bật đưa kinh tế đi lên. Bà con ở đây mong có sự phát triển mới nhưng hài hòa giữa môi trường và lợi ích kinh tế, nhà đầu tư cần thực hiện đúng cam kết khi triển khai thực hiện Dự án”-ông Thu nêu quan điểm.

Trong khi đó, ông Mưnh (làng H'Lâm, thị trấn Đak Đoa) thì cho hay: Do ít đất sản xuất nên dân làng thường xâm canh ở các xã khác. Khi Dự án triển khai sẽ tạo việc làm cho bà con trong làng, ai cũng thấy phấn khởi. “Dự án hoàn toàn không tác động đến đất sản xuất, không ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân nên bà con đều đồng tình”-ông Mưnh nói.

  Một phần dự án sân golf Đak Đoa triển khai trên địa bàn xã Glar. Ảnh: Minh Nguyễn
Một phần Dự án sân golf Đak Đoa triển khai trên địa bàn xã Glar. Ảnh: Minh Nguyễn


Còn ông Blếch-Bí thư Chi bộ làng Bối (xã Glar) cũng thông tin: “Đa số người dân trong làng đều ủng hộ việc triển khai xây dựng Dự án sân golf Đak Đoa. Bà con mong Dự án sớm triển khai, nhà đầu tư tạo điều kiện cho người dân có việc làm ổn định”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Đặng Bá Hàm-Bí thư Chi bộ tổ dân phố 5 (thị trấn Đak Đoa) cho rằng: “Qua nắm thông tin, người dân trên địa bàn thị trấn mong muốn Dự án sớm triển khai. Chúng tôi nhất trí cao là vì thấy trên địa bàn thị trấn chưa có dự án nào lớn để phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển du lịch, qua đó góp phần giải quyết việc làm cho người dân. Chúng tôi đồng tình và mong rằng chủ đầu tư sẽ thực hiện đúng những cam kết về môi trường, nguồn nước và tạo việc làm cho người dân”.

Mong Dự án sớm triển khai

Không chỉ người dân, chính quyền huyện Đak Đoa và các xã, thị trấn liên quan đều kỳ vọng việc hình thành một dự án với quy mô lớn sẽ tạo nên “cú hích” mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển. Ông Phan Văn Phương-Phó Chủ tịch UBND xã Tân Bình-cho biết: Chúng tôi đã bàn giao 174 ha rừng thông do xã quản lý cho chủ đầu tư, đồng thời cũng hết sức ủng hộ nhà đầu tư thực hiện dự án này. Tân Bình là xã thuần nông, diện tích sản xuất của người dân hạn chế nên phải xâm canh ở các xã khác, dẫn đến việc giải quyết việc làm gặp nhiều khó khăn. “Sau khi có chủ trương thực hiện Dự án, xã đã tổ chức đo đếm diện tích đất nông nghiệp do địa phương quản lý và đất của những hộ dân liên quan giáp ranh khu vực đồi thông để tránh tranh chấp sau này. Chính quyền địa phương và người dân đều ủng hộ triển khai Dự án, nhưng mong muốn nhà đầu tư cam kết giải quyết việc làm cho người dân, giúp xã phát triển về kinh tế-xã hội, thực hiện cam kết di thực cây thông, đảm bảo môi trường sinh thái. Đến thời điểm này, chúng tôi chưa ghi nhận ý kiến phản đối nào. Chúng tôi cũng mong Dự án sớm triển khai để địa phương phát triển, không nên kéo dài”-Phó Chủ tịch UBND xã Tân Bình đề nghị.

Đến thời điểm này, các địa phương đã bàn giao diện tích liên quan để nhà đầu tư triển khai Dự án. Ảnh: Minh Nguyễn
Đến thời điểm này, các địa phương đã bàn giao diện tích liên quan để nhà đầu tư triển khai Dự án. Ảnh: Minh Nguyễn
Ông Anơh-già làng Tuơh Klah, xã Glar: Dân làng Tuơh Klah chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn. Một bộ phận thanh niên thiếu đất sản xuất do mới tách hộ nên phải làm thuê ở nơi khác. Từ khi được thông tin về Dự án sân golf Đak Đoa, mình cũng như dân làng rất phấn khởi và đồng tình ủng hộ. Nguyện vọng của bà con là Dự án sớm triển khai, giúp thay đổi bộ mặt nông thôn, tạo điều kiện cho địa phương phát triển. Chủ đầu tư còn cam kết khi thực hiện Dự án sẽ ưu tiên sử dụng lao động địa phương nên bà con tin tưởng, ủng hộ. Người dân cũng hy vọng, Dự án sẽ hỗ trợ bà con làm đường giao thông khang trang, sạch đẹp.

Trước thông tin một số bài báo phản ánh việc người dân không đồng thuận triển khai Dự án, ông Sing-Chủ tịch UBND xã Glar-cho biết: Chính quyền xã yêu cầu Ban Biên tập một số tờ báo làm rõ việc tác giả tự ý mượn danh người dân để phản ánh những vấn đề không đúng sự thật, trái với nguyện vọng, mong muốn của người dân. Qua làm việc, ông Blim (làng Bối) xác nhận không gặp nhà báo, không trao đổi với ai về nội dung như báo thể hiện; ông Bluk có trao đổi qua điện thoại nhưng nội dung trao đổi không như bài báo thể hiện. “Tại các cuộc họp lấy ý kiến về dự án này, bà con đều đồng thuận và hy vọng Dự án sân golf sẽ góp phần phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết việc làm cho lao động địa phương”-ông Sing cho hay.

Trao đổi với P.V, ông Huỳnh Siểm-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa-nêu một so sánh sinh động: Trước đây, khi chưa có Dự án FLC Quy Nhơn, khu vực đó chỉ là bãi đất hoang. Đến nay, khu vực này đã có sức sống rất mãnh liệt, góp phần đưa kinh tế tỉnh Bình Định ngày càng đi lên. Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa khẳng định: “Qua Dự án FLC Quy Nhơn, tôi tin Dự án FLC tại Gia Lai sẽ bằng hoặc tốt hơn nữa bởi có nhiều lợi thế hơn như gần khu dân cư, gần quốc lộ. Đặc biệt, thời gian tới, khi Dự án hoàn thành, huyện sẽ kết hợp du lịch sân golf và đồi cỏ hồng. Tôi tin tưởng ngành Du lịch của huyện nói riêng, của tỉnh nói chung sẽ phát triển đột phá trong tương lai”.

 

MINH NGUYỄN


-------------

Kỳ cuối: Không “sốt” đất và xung đột nguồn nước

Có thể bạn quan tâm

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.