Phần mềm phản ánh và tương tác trực tuyến: Nâng cao hiệu quả quản lý đô thị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đầu tháng 7-2020, UBND TP. Pleiku phối hợp với VNPT Gia Lai công bố ứng dụng phần mềm phản ánh và tương tác trực tuyến (Orim-X) nhằm tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân liên quan đến trật tự đô thị. Qua gần 1 năm vận hành thí điểm, phần mềm này bước đầu cho thấy hiệu quả quản lý đô thị, gắn kết người dân với chính quyền.

Tăng tính kết nối giữa người dân và chính quyền

Theo thông tin từ Phòng Quản lý đô thị TP. Pleiku, năm 2020, tổng số lượt phản ánh qua phần mềm Orim-X là 62 trường hợp, cơ quan chức năng đã hoàn tất xử lý 28 trường hợp, phê duyệt xử lý 34 trường hợp. Các vấn đề được tập trung phản ánh nhiều gồm: xả rác (21,34%), lấn chiếm lòng lề đường (11,18%), nước thải (8,13%), xây dựng không phép (4,6%), vi phạm quảng cáo (3,5%), tụ tập buôn bán (2,3%)… Các phường: Phù Đổng, Tây Sơn, Hội Thương có số lượt phản ánh nhiều nhất thông qua phần mềm Orim-X.

  Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh qua phần mềm Orim-X, UBND TP. Pleiku đã chỉ đạo phát quang cây xanh che khuất cột đèn giao thông trước nhà số 03 Bà Triệu (phường Phù Đổng). Ảnh: Lam Nguyên
Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh qua phần mềm Orim-X, UBND TP. Pleiku đã chỉ đạo phát quang cây xanh che khuất cột đèn giao thông trước nhà số 03 Bà Triệu (phường Phù Đổng). Ảnh: Lam Nguyên


Riêng trong 4 tháng đầu năm 2021, có 15/28 trường hợp phản ánh đã được hoàn tất xử lý; số còn lại đang phê duyệt và phân công xử lý. Tất cả phản ánh của người dân về các lĩnh vực được thực hiện dễ dàng, nhanh chóng bằng một thao tác đơn giản thông qua điện thoại thông minh hoặc máy tính. Hiện Orim-X đang được người dân thành phố sử dụng như “đường dây nóng điện tử”, không chỉ giúp cán bộ tiếp nhận ý kiến phản ánh nhanh chóng mà người dân cảm thấy hài lòng về một chính quyền không giấy.

Đơn cử, ngày 19-3, nhận được tin báo tại nhà số 03 Bà Triệu (phường Phù Đổng) có cột đèn giao thông bị cây xanh che khuất, UBND thành phố đã chỉ đạo UBND phường phát quang ngay sau đó. Ngày 28-3, người dân phản ánh tại khu vực tổ chức hội chợ ở đường Hoàng Đạo Thúy (phường Tây Sơn) khoảng 19-21 giờ có đông người tham gia, một số đối tượng đã lợi dụng tình hình để nhận giữ xe với mức giá cao hơn quy định. Qua kiểm tra thực tế, lãnh đạo UBND thành phố đã chỉ đạo Công an và các lực lượng tăng cường công tác kiểm tra, hoàn tất xử lý ngay ngày hôm sau.

Chị Tô Thị Kim Hoàng (số 03 Bà Triệu) cho hay: “Cột đèn giao thông bị cây xanh che khuất khiến nhiều người tham gia giao thông không nhìn rõ tín hiệu, có người chạy lố qua đèn đỏ, đèn vàng. Một thời gian sau thì thấy chính quyền cho người xuống phát quang, dọn dẹp gọn gàng. Chúng tôi đánh giá cao việc thành phố tiếp nhận và xử lý kịp thời thông tin phản ánh của người dân”.

Trao đổi với P.V, bà Võ Thị Hằng-Chủ tịch UBND phường Hội Thương-đánh giá: “Orim-X là phần mềm hay và tiện lợi. Người dân không cần phải lên gặp chính quyền hay làm đơn mà chỉ cần phản ánh các bức xúc về môi trường, trật tự đô thị, trên cơ sở đó phường tiếp nhận và xử lý nhanh chóng. Nếu được tuyên truyền, triển khai rộng rãi, có sự hướng dẫn cụ thể để người dân cài đặt nhiều hơn thì phần mềm này sẽ ngày càng phát huy hiệu quả”.

Cần triển khai rộng rãi

Tại lễ công bố ứng dụng phần mềm Orim-X, Chủ tịch UBND TP. Pleiku Nguyễn Hữu Quế mong muốn mọi người dân tích cực phát huy tinh thần trách nhiệm, cùng với chính quyền địa phương sử dụng tốt phần mềm này để xây dựng thành phố ngày càng văn minh, sáng-xanh-sạch-đẹp.

Ủy ban nhân dân TP. Pleiku kỳ vọng người dân sẽ tích cực sử dụng phần mềm Orim-X để chung tay cùng chính quyền xây dựng thành phố ngày càng xanh-sạch-đẹp
Ủy ban nhân dân TP. Pleiku kỳ vọng người dân sẽ tích cực sử dụng phần mềm Orim-X để chung tay cùng chính quyền xây dựng thành phố ngày càng xanh-sạch-đẹp. Ảnh: Lam Nguyên


Tuy vậy, theo ghi nhận của Phòng Quản lý đô thị TP. Pleiku, số lượng phản ánh trong thời gian qua là chưa nhiều so với các vấn đề còn tồn tại của một đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Ông Phạm Thế Tâm-Trưởng phòng-nêu một số khó khăn, vướng mắc: Công tác tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh qua phần mềm Orim-X của một số địa phương chưa được thuần thục, đôi khi còn lúng túng và thụ động (chỉ xử lý và phê duyệt công việc, không phản hồi thông tin đã xử lý để người dân được biết), chưa nắm rõ quy trình kết thúc xử lý thông tin. Vì thế, chính quyền chưa đánh giá được mức độ hài lòng của người dân đối với việc xử lý thông tin. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến người dân cài đặt, sử dụng phần mềm Orim-X để phản ánh các thông tin của đô thị chưa được sâu rộng và phổ biến.

Để triển khai có hiệu quả phần mềm này trong thời gian đến, ông Phạm Thế Tâm cho biết: Phòng Quản lý đô thị TP. Pleiku đã đề xuất UBND thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường thực hiện nghiêm Quyết định số 1310/QĐ-UBND ngày 21-7-2020 của UBND TP. Pleiku về việc ban hành quy chế vận hành thí điểm tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân về lĩnh vực trật tự đô thị trên địa bàn thành phố qua phần mềm Orim-X; nếu đơn vị nào tiếp nhận mà không xử lý hoặc xử lý không kịp thời thì phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố. Đồng thời, Phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku cần chủ động phối hợp với VNPT Gia Lai tăng cường tuyên truyền, phổ biến người dân cài đặt, sử dụng phần mềm Orim-X; Thành Đoàn cũng cần tổ chức các chương trình để các đoàn viên phổ biến rộng rãi đến người dân cài đặt, sử dụng phần mềm trên.

Cách đây hơn 1 tháng, TP. Pleiku cũng đã ra mắt Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (IOC) do Tập đoàn Viettel thiết kế, xây dựng, tích hợp. Cùng với đó, phần mềm ứng dụng Pleiku Smart cũng được đưa vào vận hành thí điểm. Tương tự Orim-X, với phần mềm này, người dân cũng có thể gửi kiến nghị về các vấn đề liên quan đến môi trường, mỹ quan, trật tự đô thị kèm theo hình ảnh, video hiện trường. Kết quả xử lý sẽ được đăng tải công khai để người phản ánh có thể giám sát, đánh giá.

Chủ tịch UBND TP. Pleiku cho biết: “Thành phố đang triển khai vận hành thí điểm cùng lúc cả 2 phần mềm để đánh giá xem phần mềm nào tiện ích và hiệu quả hơn, được người dân sử dụng nhiều hơn. Trên cơ sở đó, sau khi hết thời gian thử nghiệm, thành phố sẽ có phương án lựa chọn phần mềm tối ưu nhất để đưa vào vận hành chính thức, đảm bảo yêu cầu tăng cường sự tương tác giữa Nhà nước với Nhân dân”.
 

 LAM NGUYÊN
 

Có thể bạn quan tâm

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.
Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

(GLO)- Cách TP. Pleiku chừng 15 km, vườn nho Gia Lai (ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) của anh Đặng Đại Dương đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên và đón khách đến tham quan, trải nghiệm.
Pleiku lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện

Pleiku lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện

(GLO)- Hưởng ứng phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN) với thông điệp "Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại", nhiều người dân ở TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã tích cực tham gia HMTN. Việc làm của họ đã góp phần đáp ứng nhu cầu máu cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân.