Chùa xưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bỏ lại những lao xao của phố thị, tôi ghé thăm chùa Hai Ngựa. Ngôi chùa này độc đáo từ tên gọi cho đến tính khu biệt như: không có tăng ni, không có tiếng kinh kệ hay nhịp gõ mõ. Người dân ở đây quen gọi là chùa chứ thực ra đó là miếu do ông Trần Văn Bông (đã mất) lập ra năm 1970 để thờ Quan Thánh Đế. Tuy diện tích chỉ 380 m2 nhưng chùa vẫn còn rất nhiều nét xưa lưu dấu.
Dù không phải người đến đây thường xuyên nhưng tôi vẫn tìm được những nét xa xưa trầm mặc chốn thâm nghiêm này. Thăm chùa trong một chiều không tiếng gõ nhịp, không khói nhang nghi ngút; một ngày yên ả rơi trên mái ngói trầm tích màu thời gian, một ngày tháng năm trong xanh, hiền hòa, thanh tịnh, trôi khẽ theo nhịp thời gian đặc quánh những trầm tích nét xưa.
Cổng chùa cũ kỹ, lọt thỏm giữa những căn nhà hiện đại ngay tại 191 Phan Đình Giót (TP. Pleiku). Cổng được xây dựng theo lối kiến trúc chùa chiền Huế hình chữ “nhất”, gồm 1 cổng chính và 2 cổng phụ. Ngay cổng chùa đề từ “Linh Quang thiên tự”. Không gian đặc quánh xưa cũ, nét trầm buồn của thời gian như hiện diện khắp chùa.
Ngay từ cổng đi vào, bức tượng 2 con ngựa được đúc bằng bê tông cốt thép cao 2 m và xây dựng từ tiền quyên góp của người dân. Tượng ngựa đỏ đặt bên trái còn tượng ngựa trắng đặt bên phải. Trên lưng 2 con ngựa đều có gắn yên, cổ đeo yếm trong tư thế canh giữ chùa. Hơn 50 năm qua, bức tượng chưa hề hư hỏng, chưa phải sửa chữa.
Cha mẹ tôi và dân cư nơi đây đã gắn bó quây quần bên xóm chùa. Tuổi thơ tôi lớn lên cũng từ nơi ấy. Và tôi nhận ra khi mình càng lớn, lại càng nhớ ra được nhiều hơn những ký ức của xa xưa, về một thời gian khó nắng mưa nhọc nhằn.
Những ngày nắng hanh hao, một trong những điểm lý tưởng để lũ con nít trong xóm đến tránh nóng là sân chùa. Khoảng trời tuổi thơ là cây vú sữa xanh mát, thềm chùa thoáng rộng lại được lát bằng gạch đỏ bóng có thể nằm lăn ra mà hứng gió và đếm những bước chân thời gian khe khẽ ngang qua.
Chùa Hai Ngựa. Ảnh: Nguyễn Thị Diễm
Chùa Hai Ngựa. Ảnh: Nguyễn Thị Diễm
Đến chùa, cái cảm giác nhẹ lòng, thanh thản luôn là thật. Ta như được thanh lọc tâm hồn đầy ắp năng lượng tích cực, vui tươi. Ngày mới ở chùa, cái cảm giác bình yên đến lạ như đang thanh lọc tâm hồn một cách diệu kỳ và không bề thế, hào sảng hay vang động.
Thời gian hiện diện nhẹ nhàng, sâu thẳm trên những bờ gạch tróc lở, lối xưa thanh vắng. Ngày hôm qua và ngày hôm nay hòa điệu với nhau trong một thực tại sống động. Cùng với những gam màu phủ rêu phong, kể cả gió và mùi hương của hoa cũng hòa vào dòng chảy với nỗi niềm dân gian. Ánh sáng từ bên ngoài tỏa vào khắp không gian chánh điện, ánh lên một thứ ánh sáng vàng lung linh.
Trải qua tháng năm, ngôi chùa trở thành chứng tích hiện hữu gắn liền với sự phát triển của Phố núi. Chốn ấy còn có một ô vuông sân đầy nắng. Một chiếc bàn đá được kê dưới tán cây mát rượi, một ly trà ướp sen thơm phức. Tôi lặng đi khi nhìn tách trà được rót từ từ xuống chiếc ly nhỏ màu nâu chậm rãi. Ngước mặt lên thấy một chiếc lá nhỏ xíu chao đi chao lại mấy vòng rồi bất ngờ lá chạm qua trước mặt, rớt xuống đất thanh thản buông lìa. Mới thấy, như chiếc lá kia ai rồi cũng về nguồn về cội.
Ai đó nói, ngôi chùa này rồi cũng sẽ bị lãng quên. Có thể đến một ngày nào đó, ngôi chùa xưa kia sẽ chỉ còn là một cái tên, cũng có khi cái tên đã phai dấu. Tôi không nghĩ đến điều đó nhiều, có lẽ vì khi đặt chân lên mảng màu thời gian và nghe chảy tràn luênh loang trong tiềm thức mùi hương trầm, ngước lên mái ngói rêu phong, nhiều viên đã bị vỡ, nghiêng bàn chân nhìn qua khe cửa vào trong gian thờ phủ mờ, tôi chỉ cảm thấy là mình dường như đang hành hương về ký ức qua gần thế kỷ.
Thì phải đến chứ, đến để biết trong ngưỡng vọng con người còn có cả sự tò mò, khám phá. Điều ấy vốn là một lẽ tự nhiên giữa cuộc đời vốn nhiều nỗi niềm này. Và đến để thấm hơn lời răn dạy của cha mẹ, bởi những bất kính, những cợt cười, bon chen, danh lợi, tham vọng, nhất quyết con người không được đem đến, mang vào nơi cửa thiền.
Sự im lặng của những tấm liễn, không gian thiền vỡ òa, ào đến trong sự kinh ngạc. Chiếc cổng vẫn bám víu thời gian bàng bạc dưới tán cây vú sữa mát rượi được trồng từ khi xây dựng chùa. Tất cả khiêm nhường, ấm cúng và tĩnh tại trong từng cơn gió se se khiến tôi lâng lâng một cảm giác yên bình, thư thái. Dường như tôi tới hơi sớm so với mùa quả và về hơi trễ so với dòng ký ức tươi mới, vẹn nguyên của chính mình.
NGUYỄN THỊ DIỄM

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.
Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

(GLO)- Cách TP. Pleiku chừng 15 km, vườn nho Gia Lai (ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) của anh Đặng Đại Dương đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên và đón khách đến tham quan, trải nghiệm.