Xã vùng biên Ia Dom học tập và làm theo Bác

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đời sống của người dân cũng như diện mạo xã vùng biên Ia Dom (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) có nhiều chuyển biến tích cực

Xã Ia Dom có 7 thôn, làng với 2.126 hộ/8.645 khẩu, trong đó dân tộc thiểu số 675 hộ/3.074 khẩu. Đảng bộ xã có 14 chi bộ với 236 đảng viên, trong đó, đảng viên dân tộc thiểu số chiếm 33,7%.

Bí thư Đảng ủy xã Hồ Đình Kỳ cho biết: Ngay sau khi có Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch của Ban Thường vụ Huyện ủy Đức Cơ, Đảng ủy xã đã xây dựng kế hoạch triển khai, hướng dẫn các chi bộ thực hiện. Hàng năm, Đảng ủy xã đều xây dựng các chuyên đề để làm cơ sở cho các tập thể, cá nhân căn cứ vào tình hình, nhiệm vụ cụ thể để xây dựng kế hoạch, đăng ký làm theo.

  Một buổi sinh hoạt của Chi bộ làng Bi (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ). Ảnh: Anh Huy
Một buổi sinh hoạt của Chi bộ làng Bi (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ). Ảnh: Anh Huy


Để việc học tập, làm theo gương Bác trở nên thường xuyên, liên tục, Đảng ủy xã chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, linh hoạt dưới nhiều hình thức: thông qua các buổi sinh hoạt chi hội, tổ hội đoàn thể; họp tổ tự quản; xây dựng chuyên mục trên Đài Truyền thanh và trang thông tin điện tử; phát huy hiệu quả vai trò của các già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng. Bên cạnh đó, Đảng ủy, UBND xã cũng phát động các phong trào thi đua nhằm từng bước kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh trật tự.

Bí thư Đảng ủy xã thông tin: “Đảng ủy phân công mỗi đảng viên phụ trách giúp đỡ 1 hộ nghèo; mỗi ngành, đoàn thể giúp đỡ 2 hộ nghèo. Nhờ đó, số hộ nghèo giảm đáng kể qua từng năm. Năm 2016, toàn xã còn 151 hộ nghèo thì đến nay giảm xuống còn 48 hộ”. Thực hiện phương châm “Đảng viên làm trước, quần chúng nhân dân làm sau”, đến nay, các trục đường chính trên địa bàn xã đều đã lắp hệ thống điện chiếu sáng, góp phần đảm bảo an toàn giao thông và an ninh trật tự. Hiện tại, người dân đang tiếp tục tham gia đóng góp để làm trụ điện, lắp bóng điện dọc các tuyến đường 2, 3 và các đường xương cá. Xã cũng đã thành lập 1 tổ thu gom rác thải để giữ gìn vệ sinh đường làng ngõ xóm, tạo cảnh quan môi trường sạch, đẹp”.

Theo Bí thư Đảng ủy xã, qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 05, nhiều tập thể, cá nhân đã cụ thể hóa việc học tập Bác bằng những việc làm hiệu quả, thiết thực. Nói về việc mở sổ để đảng viên tự nguyện đóng góp tiền giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn, ông Nguyễn Văn Minh-Bí thư Chi bộ làng Mook Trang-cho hay: “Việc làm này được Chi bộ triển khai cách đây 3 năm và được tất cả đảng viên đồng tình. Vào ngày sinh hoạt chi bộ hàng tháng, mỗi đảng viên tự nguyện góp 10 ngàn đồng. Vào đầu năm học, Chi bộ dùng số tiền này để mua sách vở, đồ dùng học tập, áo quần tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn”.

Tương tự, ông Trần Văn Hưởng-Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Bi-thông tin: “Làng có 320 hộ dân, nhưng sống rải rác nên việc họp để tuyên truyền rất khó. Chưa kể vào ngày mùa, bà con thường đi làm xa. Vì vậy, chúng tôi vừa tuyên truyền lồng ghép trong các cuộc họp, vừa chia theo từng tuyến đường, từng cụm dân cư để tuyên truyền. Nhờ đó, người dân nắm bắt kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và ngày càng đoàn kết trong phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự cũng như xây dựng nông thôn mới. Đến nay, làng chỉ còn 11 hộ nghèo”.

Diện mạo thôn, làng ngày càng nhiều đổi khác. Ảnh: Anh Huy
Diện mạo xã vùng biên Ia Dom (huyện Đức Cơ) ngày càng khởi sắc. Ảnh: Anh Huy


Riêng về phát triển kinh tế, tại địa bàn xã xuất hiện nhiều tấm gương thanh niên dân tộc thiểu số dám nghĩ, dám làm với thu nhập lên đến 200-250 triệu đồng/năm. Sau khi “bắt vợ” tại làng Mook Đen 1, ngoài việc phụ giúp gia đình nhà vợ chăm sóc 10 ha điều, anh Quách Gia Cát còn đầu tư chăn nuôi để tăng thêm thu nhập. Nắm bắt nhu cầu thị trường, anh làm chuồng trại chăn nuôi bò, dê, heo sọc dưa và gà thả vườn.

Anh Cát nói: “Mình mới xuất bán 10 con bò, 30 con dê và hơn 10 con heo sọc dưa. Trong chuồng chỉ còn 2 con bò, 25 con dê, 20 con heo và vài chục con gà. Mình đang xây dựng khu vực chăn nuôi trong rẫy điều để mở rộng quy mô và không làm ảnh hưởng đến môi trường khu dân cư”.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Ia Dom, thời gian tới, Đảng ủy xã tiếp tục đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào sinh hoạt hàng tháng của các chi bộ, ngành, đoàn thể. Cùng với đó, Đảng ủy xã kịp thời biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể tiêu biểu và nhân rộng các mô hình, cách làm hay.

 

 ANH HUY
 

Có thể bạn quan tâm

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.