Tháng tư về

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nắng vẫn vàng ươm và chan chát. Mùi của nắng ám vào chiếc khẩu trang vải để nó có mùi thơm nồng khen khét ngai ngái cả mùi bụi đỏ bazan khi tôi chạy xe chầm chậm trên con đường trải đầy nắng vương lá vàng rơi.

Đã là cao điểm của mùa khô, trời cao và xanh biêng biếc bâng khuâng màu nắng tháng tư. Cũng lâu lâu, ban chiều, trời đổi gió kéo mây và tối sập, nhưng chưa chính thức mưa dù trên bản tin báo trời mưa giông rải rác.

 Tháng 4, Phố núi Pleiku rực rỡ sắc bằng lăng. Ảnh: Duy Lê
Tháng 4, Phố núi Pleiku rực rỡ sắc bằng lăng. Ảnh: Duy Lê


Mùa bâng khuâng vị hè đi qua ngõ, cây hoa dẻ mướt mát xanh rũ cánh và tỏa hương nhẹ nhàng trong gió sớm. Mùi hoa dủ dẻ thơm quá khiến tôi phải dừng xe lại ngắt một bông ướp vào túi xách cho mùi thơm vương theo. Nhưng chẳng bao lâu, tôi quay lại con đường ấy để hít căng lồng ngực mùi hoa dẻ đồng nội. Thấy tôi, bác chủ nhà cười nói: “Cây hoa này tôi đem từ quê vào”.

Mùa này, dưới thung sâu, nơi có những miệng núi lửa đã tắt trong thành phố lúa mơn mởn xanh um. Thành phố mở rộng ra thì những nơi thung sâu vắt vẻo ấy người ta dựng nên những quán cà phê nép mình bên đồi, nơi những ngọn cây cổ thụ vài người ôm mới đủ. Lớp trẻ ra check-in, chụp ảnh, còn tôi thì ngồi lặng im nhìn thành phố lớn lên trong sớm mai tấp nập…

Suốt bản tin dự báo là cả màu vàng đỏ quạch báo hiệu một đợt nắng nóng. Vậy mà ở xứ tôi những ngày này vẫn có những lúc ban mai phơn phớt sương đủ để những cô gái điệu đà khoác cái áo len mỏng nhẹ. Còn đêm về, khi sương giăng, ngồi từ trên cao ngắm thành phố, người ta cũng như xích lại gần hơn.

Nhà tôi ở ngoại ô, nằm trên sườn đồi có gió hun hút thổi. Dù được báo rằng đã cao điểm của nắng nóng đợi mưa về, nhưng cũng chưa phải dùng đến quạt máy. Cũng thấy cái nóng tỏa ra từ mặt đường bê tông, phương tiện, nhưng cái nóng cũng không quá gay gắt như thành phố lớn khác.

Pleiku được ưu đãi độ cao nên khí hậu có phần dịu mát. Những năm gần đây, lượng người đến, phương tiện nhiều hơn cũng làm khí hậu biến đổi khác, nhưng là một người dân Pleiku, tôi vẫn mong Phố núi yên bình, giữ được nét riêng đặc sắc và phải có nét đặc trưng của thành phố cao nguyên, gần với những cánh rừng nguyên sinh để phố cũng có thể hít thở như người…

Hôm nay ra phố, tôi ngẩn người trước sắc bằng lăng tím ngắt. Tôi rẽ vào quán cà phê nơi có hàng cây xanh đang mùa thay lá, nhâm nhi một ly cà phê thơm nồng rồi ngắm dòng người chầm chậm trôi đi trong chiều lặng. Một chiếc xe máy chở đầy hoa dừng lại ở ngã tư, tôi chạy theo, mua một bó thạch thảo về cắm trong phòng khách. Tôi nói với chị hàng hoa: “Sắp tới mùa loa kèn rồi chị nhỉ”; chị cười: “Chỉ vài ngày thôi, chị sẽ cắt hoa ra bán ở chỗ này, em nhớ ghé mua nhé”.

Tôi thấy trên mạng xã hội, bạn bè khoe những bó loa kèn nở rộn ràng trong nắng tháng tư. Ít hôm nữa, khi bước ra phố tôi, bên gánh hồng tiểu muội, thạch thảo, loa kèn sẽ được bó trong giấy báo với những cánh mộc mạc khép nép tỏa hương dịu dàng. Tôi gọi loa kèn là loài hoa tháng tư theo lời bài hát “Tháng tư loa kèn mỏng manh/Những góc phố con đường quen” để từ đó ta thấy màu tháng tư có loa kèn dịu dàng trong nắng.

 

TẠ NGỌC ĐIỆP
 

Có thể bạn quan tâm

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.