Gia Lai: Sôi nổi hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngay sau khi dịch Covid-19 được khống chế, dưới sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, Gia Lai quyết tâm phục hồi kinh tế-xã hội, hoàn thành các chỉ tiêu trong năm 2021 và tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã chủ động, sáng tạo, tận dụng các lợi thế và cơ hội sẵn có để đưa hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch trở lại bình thường.

Cơ hội quảng bá du lịch

Sự kiện đánh dấu nỗ lực của ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch chính là việc tổ chức thành công Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 62-2021 tại TP. Pleiku cuối tháng 3 vừa qua. Giải đã thu hút 4.353 vận động viên và hơn 2.000 du khách đến với Phố núi xinh đẹp. Với cung đường chạy lý tưởng, con người thân thiện, văn hóa đặc sắc, Gia Lai đã thực sự để lại ấn tượng khó quên trong lòng du khách.

Sau một thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đến nay, các nhà hàng, khách sạn, dịch vụ ăn uống, vận chuyển ở Gia Lai được hồi sinh; lượng khách lưu trú và khách sử dụng dịch vụ tăng đột biến, mang lại doanh thu lớn cho ngành du lịch địa phương. Tổng lượng khách tham quan du lịch cuối tháng 3, đầu tháng 4 đạt 70.000 lượt (gấp đôi tháng trước đó), doanh thu đạt 45 tỷ đồng.

Người dân Phố núi cổ vũ vận động viên dọc đường đua Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 62-2021. Ảnh: Hồ Anh Tiến
Người dân Phố núi cổ vũ vận động viên dọc đường đua Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 62-2021. Ảnh: Hồ Anh Tiến


Nối tiếp sự thành công của sự kiện Marathon là liên tiếp những trận thắng của Câu lạc bộ Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Đặc biệt, chiều 18-4, HAGL đã tiếp đón Hà Nội FC trên Sân vận động Pleiku trong khuôn khổ vòng 10 V.League 2021. Đây là trận đấu được đánh giá “hơn cả một trận chung kết”, xứng danh là trận “siêu kinh điển” của bóng đá Việt Nam ở thời điểm hiện tại.

Trên sân Pleiku đã có một “đội tuyển Việt Nam thu nhỏ”, nhưng các ngôi sao đứng giữa đôi bờ chiến tuyến để chiến đấu cho bản ngã và danh dự của đội nhà. Trận đấu đã thu hút trên 10 ngàn khán giả đến sân từ mọi miền của Tổ quốc, được báo chí trong nước và các nước trong khu vực theo dõi, bình luận. Chiến thắng tối thiểu của đội nhà HAGL cũng đã làm nên kỳ tích, HAGL đã viết ra một trang sử mới, mở màn một chương mới và quên đi những trận thua trước đội bóng Thủ đô trong suốt 4 năm qua. Sức hút của những giải đấu thể thao gần đây đã trở thành hiệu ứng tốt cho phát triển du lịch tỉnh nhà.

Sự  thành công của những sự kiện nói trên đã góp phần giới thiệu và quảng bá rộng rãi hình ảnh Gia Lai trên bản đồ du lịch quốc gia, mang đến những tín hiệu vui cho du lịch địa phương. Từ hiệu ứng của sự kiện, Gia Lai đã sẵn sàng đón nhận lượng khách lớn đến tham quan và tìm hiểu về địa phương trong dịp lễ 30-4 và 1-5 sắp tới. Với việc xây dựng các chương trình hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc; đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, cơ sở lưu trú tiện nghi, Gia Lai kỳ vọng là điểm đến không thể bỏ lỡ của du khách trong thời gian tới.

Du khách chụp ảnh lưu niệm tại Khu du lịch sinh thái Xuân Thủy (TP. Pleiku). Ảnh: Phan lài
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại Khu du lịch sinh thái Xuân Thủy (TP. Pleiku). Ảnh: Phan lài


Nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc

Hoạt động nghệ thuật đặc sắc cũng là yếu tố hấp dẫn du khách khi đến với Gia Lai. Vào ngày 24-4, tại Nhà Thiếu nhi TP. Pleiku, Đêm nhạc “Họa mi của núi rừng Tây Nguyên” do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, UBND TP. Pleiku và Ban Liên lạc những người tham gia cách mạng qua các thời kỳ kháng chiến tỉnh phối hợp tổ chức.

Đêm nhạc đánh dấu sự trở lại của Nghệ sĩ Nhân dân Rơchăm Phiang, vốn là người con của núi rừng Tây Nguyên. Nữ Đại tá đã thành công tại nhiều liên hoan, cuộc thi âm nhạc trong và ngoài nước. Trong đêm nhạc, bà sẽ thể hiện nhiều ca khúc gắn với tên tuổi của mình như: Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên, Tháng ba Tây Nguyên, Bóng cây kơ nia, Người lái đò trên sông Pô Cô, Mùa xuân Tây Nguyên, Cô gái vót chông, Cánh chim báo tin vui… Bên cạnh đó, các chương trình nghệ thuật quần chúng được biểu diễn tại khu vực Quảng trường Đại Đoàn Kết mang lại không khí vui tươi, nhộn nhịp cho thành phố.

Nghệ sĩ Nhân dân Rơchăm Phiang tập luyện chuẩn bị cho đêm diễn. Ảnh: Hồ Anh Tiến
Nghệ sĩ Nhân dân Rơchăm Phiang tập luyện chuẩn bị cho đêm diễn. Ảnh: Hồ Anh Tiến


Trong thời gian từ ngày 26-4 đến 2-5, tại khuôn viên Bảo tàng tỉnh sẽ diễn ra Tuần Văn hóa ẩm thực chào mừng 46 năm Ngày giải phóng miền Nam 30-4 và 135 năm Quốc tế Lao động 1-5 với nhiều nội dung hấp dẫn như: giới thiệu sản phẩm văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương, trưng bày các mặt hàng lưu niệm và thưởng thức văn hóa ẩm thực, chương trình văn hóa nghệ thuật giao lưu kết nối các câu lạc bộ, đội nhóm trên địa bàn tỉnh… Tuần Văn hóa ẩm thực trở thành hoạt động thu hút người dân và du khách khi muốn tìm hiểu về ẩm thực và văn hóa Phố núi.

Cùng với đó, mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được quan tâm. Thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã tổ chức tái hiện thành công nhiều lễ hội đặc sắc của đồng bào Bahnar và Jrai như: lễ mừng lúa mới, lễ mừng nhà rông mới, lễ cúng bến nước…

Đến Gia Lai dịp lễ 30-4, du khách sẽ được trải nghiệm lễ cúng cầu mưa Yang Pơtao Apuih tại huyện Phú Thiện trong thời gian từ ngày 30-4 đến 1-5. Lễ cúng là sự kiện được thực hiện trong vùng đồng bào Jrai vào dịp tháng 4 hàng năm với ước nguyện cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, cuộc sống dân làng bình yên, ấm no, hạnh phúc. Đặc biệt, lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apuih đã được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Với tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, Gia Lai luôn làm hài lòng du khách gần xa. Bên cạnh các điểm tham quan đã quen thuộc như: Biển Hồ, Thủy điện Ia Ly, thác Phú Cường, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh… trong năm 2021, nhiều điểm tham quan mới được đưa vào khai thác nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng mới của du khách như: Khu du lịch sinh thái Xuân Thủy (TP. Pleiku), Tịnh xá Ngọc Như (huyện Chư Păh), các nhà vườn kết hợp tham quan du lịch, trải nghiệm một ngày làm nông dân… Sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân đầu tư phát triển du lịch địa phương đã mang đến những tín hiệu vui, đồng thời dự báo sự đa dạng và phong phú của thị trường du lịch tỉnh nhà trong thời gian tới.

Rất đông cổ động viên xếp hàng để có được 1 tấm vé vào sân theo dõi trận HAGL-Hà Nội FC. Ảnh: Đức Thụy
Rất đông cổ động viên xếp hàng để có được 1 tấm vé vào sân theo dõi trận HAGL-Hà Nội FC. Ảnh: Đức Thụy


Phố núi những ngày qua trở nên nhộn nhịp hơn vì niềm vui chiến thắng mà đội tuyển bóng đá HAGL mang lại tại V.League 2021. Bóng đá đã đưa các cổ động viên trên cả nước đến với Pleiku, để Pleiku không chỉ là Phố núi thanh bình mà còn là một trái tim đầy nhiệt huyết của đội bóng HAGL. Và trận đấu HAGL gặp Bình Dương diễn ra vào ngày 2-5 trên sân Pleiku dự báo sẽ sôi động, hấp dẫn, đầy kịch tính và thu hút đông đảo cổ động viên trong và ngoài tỉnh đến xem, cổ vũ.

Cũng trong thời gian từ ngày 20-4 đến 25-4, Giải Vô địch Bóng đá mi ni các câu lạc bộ toàn tỉnh năm 2021 được tổ chức tại Nhà Thi đấu tỉnh. Giải quy tụ sự tham gia của 21 câu lạc bộ bóng đá trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ hội để các đội giao lưu, cọ xát nhằm phát triển hơn nữa phong trào thể thao quần chúng.

Với những hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đặc sắc trong dịp lễ 30-4 và 1-5, Gia Lai kỳ vọng là điểm đến an toàn, thân thiện và thú vị của du khách.

 

TRẦN NGỌC NHUNG
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.