Phố núi Pleiku "đốn tim" du khách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hầu hết vận động viên (VĐV), du khách và khách mời đến với Gia Lai lần này đều chia sẻ những ấn tượng khó quên về đất và người cao nguyên khi nhắc đến các hoạt động trong khuôn khổ Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 62-2021. 
Công tác tổ chức bài bản, chỉn chu, chuyên nghiệp 
Vẫn lưu lại TP. Pleiku vài ngày sau khi giải bế mạc, tượng đài điền kinh Việt Nam Bùi Lương (83 tuổi), người tham dự hầu hết giải marathon của Báo Tiền Phong từ trước đến nay và có đến 9 lần vô địch giải việt dã quốc gia, cho biết: Từ năm 1958 đến 1977, ông dự giải với tư cách VĐV, từ 1977-2020 là huấn luyện viên. Theo sát giải qua chừng ấy năm nên ông có cái nhìn bao quát để đưa ra những nhận định chuẩn xác.
“Chưa từng có cuộc thi marathon nào hoành tráng, có thể nói là đại thành công như giải năm nay. Pa nô, áp phích phủ khắp các tuyến phố để quảng bá cho giải. Công tác tổ chức chu đáo với đường chạy an toàn, có cả cồng chiêng cổ vũ VĐV. Trước đó, Đêm hội cồng chiêng với chủ đề “Giấc mơ đại ngàn” quá hoành tráng, các tiết mục đều đi vào lòng người”-ông Bùi Lương khẳng định.
“Đại thụ” của điền kinh Việt Nam cũng đánh giá: Chính sự phối hợp, nỗ lực của Ban tổ chức giải, các đồng chí lãnh đạo tỉnh và người dân địa phương đã mang lại thành công ngoài mong đợi cho giải năm nay. Đường chạy rất đẹp, nhiều cây xanh, tuy có nhiều đoạn dốc gập ghềnh nhưng đây chính là thử thách cần thiết đối với ý chí và nghị lực của VĐV.
Đêm hội cồng chiêng với chủ đề “Giấc mơ đại ngàn” được tổ chức hoành tráng. Ảnh: Đức Thụy
Đêm hội cồng chiêng với chủ đề “Giấc mơ đại ngàn” được tổ chức hoành tráng. Ảnh: Đức Thụy

Trao đổi với P.V, Chủ tịch UBND TP. Pleiku Nguyễn Hữu Quế cũng nhận định: Giải marathon lần này là cơ hội tuyệt vời, qua đó thực hiện thành công mục tiêu của tỉnh cũng như Ban tổ chức là quảng bá hình ảnh TP. Pleiku nói riêng, Gia Lai nói chung. Bên cạnh các phương tiện thông tin đại chúng, các VĐV chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp, nghiệp dư thông qua mạng xã hội quảng bá về hình ảnh Pleiku, giúp nhiều người biết đến Pleiku-thành phố cao nguyên xanh vì sức khỏe.

Ngoài ra, TP. Pleiku cũng phối hợp với Ban tổ chức làm tốt công tác giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm; vận động người dân đứng hai bên đường cổ vũ, tiếp nước cho VĐV. Điều này khiến những người tham dự giải rất ấn tượng về sự nhiệt tình, mến khách của người dân Phố núi.

Chủ tịch UBND TP. Pleiku chia sẻ thêm: “Riêng bản thân tôi cũng hưởng ứng bằng cách tham gia chạy nhằm cổ vũ phong trào rèn luyện thể dục thể thao cũng như phong trào chạy marathon trong cộng đồng”. 

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, VĐV Đàm Hà Phú-tác giả tập sách “Chuyện nhỏ Sài Gòn bao nhớ” nhiều lần nhắc đến từ “hoàn hảo”. Anh nhấn mạnh: “Tôi nói “hoàn hảo” là rất chân tình chứ không phải khen cho vui. Sự hoàn hảo này là nhờ nỗ lực của Ban tổ chức rất nhiều”.
Anh Phú cho hay, ngày 28-3 là kỷ niệm 22 năm ngày cưới của vợ chồng anh. Yêu thích môn chạy bộ nên họ muốn kỷ niệm ngày cưới bằng một sự kiện đặc biệt. “Đầu tiên chúng tôi cũng chưa định tham gia vì giải của Báo Tiền Phong rất khốc liệt, phải chạy chung với những “chân chạy” hàng đầu Việt Nam. Tôi chạy còn yếu lắm, mới hơn 1 năm, nhưng vì trúng vào dịp này nên quyết định tham gia”-anh Phú bộc bạch. 
Người dân Phố núi cổ vũ VĐV dọc đường đua. Ảnh: Hồ Anh Tiến
Người dân Phố núi cổ vũ VĐV dọc đường đua. Ảnh: Hồ Anh Tiến
Ông Trần Ngọc Nhung-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch: “Ngay từ sau buổi họp báo ngày 9-3 tại Hà Nội, Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 62-2021 đã được tuyên truyền, quảng bá rất mạnh, góp phần làm nên thành công của giải. Nhiều khách mời nhận định giải đã được lãnh đạo UBND tỉnh và Báo Tiền Phong phối hợp tổ chức hết sức chu đáo, chuyên nghiệp và đây sẽ là thách thức đối với tỉnh tiếp theo đăng cai giải”.

Minh chứng cho sự hoàn hảo của công tác tổ chức giải, anh liệt kê: “Địa hình Pleiku đồi dốc, rất vất vả cho VĐV nhưng bù lại đường chạy có điểm tiếp nước dày đặc, VĐV về cuối vẫn có đầy đủ nước, khăn lạnh, nước điện giải, trái cây, vẫn có chai xịt giảm đau chứ không như một số giải khác; chưa kể còn có người giúp ngâm chân nước đá, massage chân miễn phí sau khi đến đích.

Thứ hai là sự cổ động của bà con hai bên đường. Ở những giải khác, người dân chủ yếu ra cổ động lúc sáng sớm. Nhưng ở giải này, bà con rất nhiệt tình. Hơn 10 giờ trưa, trời nắng chang chang mà họ vẫn ra đường đứng cổ động, vỗ tay rần rần, mình càng mệt thì bà con cổ động càng nhiều, tiếp thêm nghị lực để mình về đích.

Thứ ba là Ban tổ chức đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đường chạy, mình không cần phải vừa chạy vừa tránh xe cộ, cứ chạy hết tốc độ thôi. Công tác tổ chức rất bài bản, chỉn chu, chuyên nghiệp. Đây là điều rất đáng ghi nhận. Đặc biệt, đường chạy rất đẹp, qua Biển Hồ, đồi chè, rừng thông, cầu treo. Cảnh đẹp, người dễ thương khiến mình vô cùng hứng thú. Các bạn tình nguyện viên thì quá nhiệt tình”.

Nhờ những yếu tố đó mà anh Phú đã vượt qua chính mình với thành tích cao hơn mong đợi khi hoàn thành cự ly 42,195 km chỉ trong 5 giờ 22 phút thay vì 6 giờ như dự kiến. 

Quảng bá thành công đất và người Gia Lai
Hầu hết các VĐV, du khách và khách mời đến với Gia Lai lần này đều chia sẻ những ấn tượng khó quên về đất và người cao nguyên khi nhắc đến các hoạt động trong khuôn khổ Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 62-2021.
Ông Bùi Lương chia sẻ niềm vui: “Người dân ở đây rất mến khách. Khi thấy tôi mặc đồ thể thao tập chạy vào buổi sáng, họ đều hỏi thăm. Biết tôi từng là VĐV, họ quý lắm, xin chụp ảnh chung. Phải nói là từ lãnh đạo đến người dân Gia Lai ai nấy đều rất mến khách, chân tình. Chưa có giải nào mà người dân địa phương đứng cổ vũ từ đầu đến cuối. Giải này là dấu ấn rất đáng nhớ đối với tôi ở tuổi 83”.
Tượng đài điền kinh Việt Nam cho hay: Nhân dịp này, ông đã đến tham quan Thủy điện Ia Ly, núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh). Ấn tượng về vẻ đẹp, sự hùng vĩ của vùng đất này khiến ông mong muốn sẽ còn quay trở lại. 
Du khách thích thú với những sản phẩm đặc sản của Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy
Du khách thích thú với những sản phẩm đặc sản của Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy

Tác giả tập sách “Chuyện nhỏ Sài Gòn bao nhớ” cũng không thể quên sự chân tình mà Phố núi dành cho khách phương xa. “Đi trên đường tôi thấy một số tấm bảng treo ở nhà dân: “Có chỗ nghỉ miễn phí dành cho VĐV”, nghĩa là họ luôn sẵn sàng chào đón. Hàng quán, dịch vụ tuy có quá tải nhưng chủ cơ sở rất vui vẻ, không có chuyện tăng giá. Thấy tôi tập chạy, người đi đường đều chúc thi tốt, vui lắm. Mọi thứ trở nên hoàn hảo là vậy. Chắc chắn tôi sẽ viết một bài có tựa đề “Pleiku bao ngon” hoặc “Pleiku bao dễ thương”-anh Đàm Hà Phú hào hứng nói.

Một trong những VĐV nổi tiếng dự giải năm nay là ông Đoàn Ngọc Hải-nguyên Phó Chủ tịch UBND Quận 1 (TP. Hồ Chí Minh) cũng xúc động chia sẻ trên Facebook: “Cảm ơn các anh chị lãnh đạo tỉnh Gia Lai. Tôi đã dự 17 giải marathon trong và ngoài nước, có thể nói thành công của giải có công sức rất lớn của chính quyền địa phương… Điều lắng đọng nhất đối với tôi không phải tấm huy chương hoàn thành marathon mà là tình cảm của bà con đồng bào kêu tên tôi. Trân trọng bà con đã cổ vũ rất nhiệt tình, đến độ tôi không dám đi bộ kể cả trên những con dốc ngược trước mặt bà con. Được biết đây là “sáng tạo” của lãnh đạo tỉnh Gia Lai với phương châm cây nhà lá vườn, điều mà không có một giải marathon nào có được…”. 
Nhiều VĐV người nước ngoài cũng tham gia đường chạy. Ảnh: Đức Thụy
Nhiều VĐV người nước ngoài cũng tham gia giải chạy Báo Tiền Phong. Ảnh: Đức Thụy

Cũng bày tỏ sự hài lòng khi đến với Phố núi là anh Brad Willis (người Canada), 1 trong 45 VĐV người nước ngoài tham gia giải. Anh vui vẻ: “Tôi rất thích vẻ bình yên của thành phố, ai cũng tươi cười, thức ăn thì rất ngon. Thời tiết đẹp, đường chạy và mọi công tác chuẩn bị cũng rất chu đáo. Dù có chút rào cản về ngôn ngữ khi đến Pleiku nhưng mọi người vẫn cố gắng giúp đỡ tôi để mọi thứ dễ dàng hơn. Vì vậy, tôi không hề có cảm giác lạc lõng”.

Trải qua hơn nửa thế kỷ tổ chức, Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong đã vượt qua ý nghĩa của một đấu trường thể thao đơn thuần để trở thành sự kiện thể thao, văn hóa, du lịch uy tín được chào đón nồng nhiệt. Từ giải này, các địa phương đăng cai có cơ hội quảng bá rộng rãi về vùng đất, con người, văn hóa tỉnh nhà.
Anh Rahlan Thắng-Bí thư Chi Đoàn Làng văn hóa du lịch Plei Ốp (TP. Pleiku) cho biết một thông tin đáng mừng sau khoảng thời gian ngành du lịch gần như “đóng băng”: Trước và trong giải, có cả ngàn lượt khách đến tham quan và thưởng thức các dịch vụ ẩm thực tại làng. “Vui vì ngày càng có nhiều du khách đến với làng mình. Mong là thời gian tới sẽ có thêm nhiều hoạt động lớn được tổ chức tại tỉnh ta để dân làng vừa quảng bá văn hóa, vừa có thêm thu nhập”-anh Thắng kỳ vọng.
Chia tay giải đấu, anh Nguyễn Ngọc Quang-một VĐV đến từ Hà Nội-cho hay: Tháng 12 năm nay, anh sẽ quay lại Gia Lai để thăm thú một số điểm đến nổi tiếng như: thác 50, Khu lưu niệm Anh hùng Núp (huyện Kbang), Thủy điện Ia Ly…
PHƯƠNG DUYÊN

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.
“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.