Người dân xã Hà Đông cải thiện cuộc sống nhờ tham gia giữ rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhờ tham gia nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng mà đời sống người dân các làng đồng bào dân tộc thiểu số xã Hà Đông (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) từng bước cải thiện. Với mức thu nhập trên 10 triệu đồng/năm từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, họ đã cải thiện sinh kế và gắn bó hơn với rừng.


Hưởng lợi từ việc giữ rừng

Từ năm 2015 đến nay, xã Hà Đông đã giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho 131 hộ đồng bào dân tộc thiểu số của các cộng đồng làng với tổng diện tích 3.139 ha. Trong đó, làng Kon Sơ Nglok là 1.671 ha, Kon Pơ Dram hơn 1.000 ha và Kon Nat 413,6 ha. Với đơn giá chi trả 428.000 đồng/ha/năm, thu nhập bình quân của mỗi hộ dân tham gia nhận khoán là hơn 10 triệu đồng/năm.

Tổ quản lý, bảo vệ rừng làng Kon Pơ Dram (xã Hà Đông, huyện Đak Đoa) tuần tra khu vực rừng nhận khoán bảo vệ. Ảnh: Minh Nguyễn
Tổ quản lý, bảo vệ rừng làng Kon Pơ Dram (xã Hà Đông, huyện Đak Đoa) tuần tra khu vực rừng nhận khoán bảo vệ. Ảnh: Minh Nguyễn

Theo ông Thôl-Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng làng Kon Pơ Dram, các hộ dân trong làng được chia thành 3 tổ quản lý, bảo vệ rừng (mỗi tổ 30 người). Riêng tổ của ông được giao bảo vệ 692 ha. Trong tuần, tổ phân công các nhóm nhỏ từ 3 đến 5 người thay phiên nhau vào rừng cùng các tổ trong làng. Chính vì vậy, khu vực rừng nhận khoán lúc nào cũng có “tai mắt”, không để xảy ra các hành vi xâm hại tài nguyên rừng.

Cũng theo ông Thôl, hàng quý, mỗi hộ nhận được 2,5-3 triệu đồng. “Đây là số tiền tương đối lớn so với thu nhập của người dân ở đây, giúp họ cải thiện cuộc sống từ việc tham gia giữ rừng. Nhờ đó, tình trạng lấn chiếm đất rừng làm rẫy, khai thác gỗ trái phép được ngăn chặn tận gốc”-ông Thôl khẳng định.

Tương tự, ông Ho-Tổ phó Tổ quản lý bảo vệ rừng làng Kon Sơ Nglok-cho hay: Sau khi nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng, Ban Nhân dân thôn lập danh sách, phân công nhiệm vụ cho 2 tổ. Tổ của ông có 24 người, được giao nhiệm vụ bảo vệ hơn 600 ha rừng. Đây là những khu vực rừng giáp ranh với các địa phương khác, địa hình đồi núi cao với nhiều khe suối nên việc tuần tra, kiểm soát rất vất vả.

“Nhưng bù lại, số tiền nhận được hàng quý đã giúp các gia đình, nhất là những hộ nghèo đỡ khó khăn hơn. Ngoài công việc nương rẫy, họ rất xông xáo trong việc thực hiện nhiệm vụ tuần tra rừng, ngăn ngừa các hành vi xâm hại diện tích rừng nhận giao khoán”-ông Ho cho  biết.

Ưu tiên cộng đồng làng

Nhận thức được nguồn thu từ chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng tác động lớn đến cuộc sống người dân, trong các buổi họp làng, ông Đinh Đăm-già làng Kon Sơ Nglok luôn nhắc nhở mọi người không phá rừng làm rẫy, đồng thời làm tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng. “Từ khi nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng, dân làng đã dần thay đổi nhận thức, không còn xâm hại rừng hay lấn chiếm đất rừng để mở rộng diện tích nương rẫy”-ông Đinh Đăm nói.

Khẳng định điều này, ông Nguyễn Hồng Việt-Chủ tịch UBND xã Hà Đông-cho biết: “Xã có 5 làng với 99% dân số là đồng bào Bahnar. Số tiền chi trả cho các hộ dân nhận khoán không chỉ giúp họ cải thiện đời sống mà còn góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng dân cư. Do vậy, ngoài việc huy động người dân tham gia tuần tra, bảo vệ rừng, chính quyền địa phương còn chủ động ký kết quy chế phối hợp với các đơn vị chủ rừng nơi có diện tích rừng giáp ranh. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, đôn đốc, quản lý chặt chẽ hoạt động của các lực lượng bảo vệ rừng để kịp thời chấn chỉnh, nâng cao tinh thần trách nhiệm”.

Chủ tịch UBND xã Hà Đông cho biết thêm, trong quá trình giao khoán quản lý, bảo vệ rừng, xã cũng đề nghị các làng tổ chức họp dân bình xét, lựa chọn các hộ tham gia, ưu tiên giao khoán cho những hộ sinh sống gần rừng, hộ nghèo. Ngoài xã Hà Đông còn có các đơn vị chủ rừng khác như: Ban Quản lý rừng phòng hộ Đak Đoa, Đông Bắc Chư Păh, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh cũng giao khoán rừng cho 5 cộng đồng dân cư xã (thêm làng Kon Mahar, Kon Jốt), nâng tổng diện tích rừng giao khoán lên hơn 5.700 ha.

“Khoản thu từ việc nhận khoán bảo vệ rừng trong thời gian qua đã góp phần cải thiện cuộc sống của bà con. Từ đây, ý thức trách nhiệm của cộng đồng được nâng lên, bà con tự nhắc nhở nhau bảo vệ diện tích rừng nhận khoán để được hưởng lợi từ rừng”-ông Việt khẳng định.

MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.