Kông Chro quan tâm phát triển kinh tế tập thể

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) chú trọng thành lập nông hội, tổ hội và hợp tác xã (HTX). Các mô hình kinh tế tập thể đi vào hoạt động đã thu hút đông đảo người dân tham gia, phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội huyện nhà ngày càng phát triển.


Đem lợi ích cho người dân

Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Kông Chro (tổ dân phố Plei Hle Ktu, thị trấn Kông Chro) thành lập vào đầu năm 2020 với 7 thành viên. Nhận thấy cây măng tây phù hợp với điều kiện địa phương, cho thu nhập cao, HTX đã vận động thành viên chuyển đổi một số diện tích canh tác kém hiệu quả sang trồng loại cây này. Đồng thời, HTX ký kết với Công ty TNHH Hạ Hiệp (Hà Nội) để bao tiêu sản phẩm cho các thành viên.

Chị Đỗ Thị Sương-thành viên HTX-cho biết: “Trước đây, tôi trồng 5 sào mía, năm nào được mùa, được giá thì thu nhập đạt gần 20 triệu đồng. Nhưng khi chuyển đổi sang trồng cây măng tây theo tiêu chuẩn VietGAP, tôi thu về gần 100 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí”.

Ông Trịnh Văn Thường (bên trái; thôn 2, xã Kông Yang) áp dụng kỹ thuật cho nhãn ra quả trái vụ mang lại thu nhập cao gấp đôi so với chính vụ. Ảnh: Ngọc Minh
Ông Trịnh Văn Thường (bên trái; thôn 2, xã Kông Yang) áp dụng kỹ thuật cho nhãn ra quả trái vụ mang lại thu nhập cao gấp đôi so với chính vụ. Ảnh: Ngọc Minh

Gia đình ông Trịnh Văn Thường (thôn 2, xã Kông Yang) có 4 ha na, nhãn, xoài. Tham gia Nông hội trồng cây ăn quả của thôn, ông học hỏi được nhiều kỹ thuật canh tác mới từ các hội viên khác.

Ông chia sẻ: “Trồng nhãn chính vụ phụ thuộc nhiều vào thời tiết, năng suất năm được, năm không; giá cả lại bấp bênh. Được các hội viên Nông hội chia sẻ kinh nghiệm, tôi đã áp dụng kỹ thuật khoanh gốc để 7 sào nhãn của gia đình ra quả trái vụ. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, chăm sóc tốt, vườn nhãn cho năng suất cao lại bán được giá. Sau khi trừ chi phí, tôi thu về gần 70 triệu đồng/vụ, cao gấp đôi so với trồng nhãn chính vụ”.

Hơn 1 năm đi vào hoạt động, Nông hội làng Kươk (xã Sró) cũng gặt hái được nhiều kết quả. Ông Đinh Thế Song-Phó Chủ tịch UBND xã-cho biết: Qua các đợt tuyên truyền, tập huấn, hội viên Nông hội đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, biết liên kết, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay, 29 hội viên đã trồng được 2 ha cây dược liệu, 3 ha cây ăn quả, 9 ha cây lâm nghiệp và gần 70 ha hoa màu các loại. Các hội viên cũng chú trọng chăn nuôi, phát triển đàn bò lên hơn 200 con, tăng gần gấp đôi so với thời điểm thành lập Nông hội.

“Với những hiệu quả bước đầu của Nông hội, thời gian đến, UBND xã sẽ tiếp tục rà soát các điều kiện và nguyện vọng của người dân tại các thôn, làng trên địa bàn để mở rộng mô hình này”-ông Song thông tin.

Nhân rộng mô hình kinh tế tập thể

Giai đoạn 2017-2020, huyện Kông Chro đã thành lập được 14 nông hội, 17 HTX với tổng số gần 430 hội viên, thành viên. Đến nay, các mô hình kinh tế tập thể hoạt động ổn định, bước đầu mang lại hiệu quả cho người tham gia và cộng đồng xã hội. Đây là tiền đề để huyện Kông Chro tiếp tục nhân rộng, đa dạng loại hình kinh tế tập thể.

Ông Nguyễn Trường Khang-Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện-cho biết: “Trong năm 2021, các ngành chức năng của huyện phối hợp với 14 xã, thị trấn vận động người dân thành lập các tổ hội. Cuối tháng 2 vừa qua, xã Kông Yang đã thành lập Tổ hội trồng mì ở làng Húp với 31 thành viên. Còn trong tháng 3 này, 3 xã: Đak Song, Đak Pling và Đak Kơ Ning sẽ thành lập Tổ hội trồng keo kết hợp chăn nuôi trâu, bò. Từ nay đến cuối năm, các xã, thị trấn còn lại sẽ hoàn thành việc thành lập tổ hội ở địa phương mình”.

Thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Kông Chro (tổ dân phố Plei Hle Ktu, thị trấn Kông Chro) chuyển đổi một số diện tích canh tác hiệu quả tháng sang trồng măng tây cho thu nhập cao. Ảnh: Ngọc Minh
Thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Kông Chro (tổ dân phố Plei Hle Ktu, thị trấn Kông Chro) chuyển đổi một số diện tích canh tác kém hiệu quả sang trồng măng tây cho thu nhập cao. Ảnh: Ngọc Minh

Trao đổi với P.V, ông Huỳnh Ngọc Ẩn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro-cho hay: Thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 30-5-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp đẩy mạnh phát triển HTX trên địa bàn tỉnh, huyện đã xây dựng nhiều mô hình kinh tế tập thể. Các mô hình đi vào hoạt động đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa khoa học kỹ thuật, máy móc vào sản xuất, xóa bỏ dần tập quán làm ăn manh mún, nhỏ lẻ; đồng thời phát huy phương thức canh tác liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo ông Ẩn, thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy và các ngành, các tổ chức đoàn thể trong phát triển kinh tế tập thể. Cụ thể, huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thống nhất nhận thức trong cán bộ, đảng viên và người dân để tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế tập thể phát triển; hỗ trợ nông hội, HTX tiếp cận các công ty, doanh nghiệp, dự án để phát huy năng lực sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Đồng thời, huyện cũng chỉ đạo các ngành phối hợp với các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia vào các loại hình kinh tế tập thể; thành lập, nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể để phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, đem lại lợi ích kinh tế cho người dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội huyện nhà.

NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.
Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

(GLO)- Cách TP. Pleiku chừng 15 km, vườn nho Gia Lai (ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) của anh Đặng Đại Dương đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên và đón khách đến tham quan, trải nghiệm.