Bâng khuâng Biển Hồ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- "Đôi mắt Pleiku” đón tôi bằng chút se lạnh của cơn gió mùa đến muộn. Lòng ngập tràn nỗi niềm của người con đi xa tìm về chốn cũ, nơi gắn bó với khoảng trời bình yên trong tim.

Danh thắng Biển Hồ. Ảnh: Phạm Quý
Danh thắng Biển Hồ. Ảnh: Phạm Quý

Tôi gắn bó với Biển Hồ từ ngày đầu đặt chân đến cao nguyên. Nhà ở gần nên thỉnh thoảng tôi lại đạp xe xuống hồ ngắm trời mây non nước như đang giao hòa bằng đôi mắt của một người trẻ tuổi và chưa từng trải nghiệm.

Ngày ấy, Biển Hồ còn hoang sơ và bình yên lắm! Con đường dẫn xuống lòng hồ ngập trong hoa cỏ và cây bụi, giữa là lối mòn nhỏ do nhiều người đi lại, nhìn xa như triền đê ở miền Bắc vậy. Doi đất ở giữa lòng hồ cây cối rậm rạp, muốn xuống mép nước phải đi qua những vòm cây đan xen chằng chịt. Thường thì chúng tôi chỉ đứng trên cao phóng tầm mắt về bốn phía của Biển Hồ, thỉnh thoảng mới rủ nhau xuống tận mặt hồ để tận hưởng cái mát lạnh hay ngắm nghía cho thỏa thích.

Đã đôi lần tôi tự hỏi: Tại sao giữa cao nguyên lại có hồ nước rộng mênh mông đến thế? Sau này, tôi mới biết Biển Hồ vốn là miệng núi lửa đã ngừng hoạt động. Còn theo truyền thuyết của người Jrai thì Biển Hồ được bắt nguồn từ câu chuyện “con heo trắng”… Tôi từng suy nghĩ về cách lý giải của người bản địa về các hiện tượng tự nhiên-đó là khi giảng cho học sinh câu chuyện “Sự tích Ia Nueng” (do ThS. Chử Anh Đào sưu tầm và biên soạn). Thời sinh viên, khi làm đề tài khoa học về ngành du lịch, tôi đã tìm hiểu và đến với Biển Hồ nhiều hơn.

Ngày tôi trở lại, Biển Hồ đã khoác lên mình một diện mạo mới. Cùng với việc phục dựng lại tượng Quán Thế Âm Bồ Tát, nhiều công trình phụ trợ cũng được đầu tư xây dựng để phục vụ nhu cầu tham quan của du khách. Tôi thấy vui vì những mong ước năm xưa của mình đã thành hiện thực.

Tôi tản bộ trên con đường xuyên qua rừng thông, ánh nắng nghiêng nghiêng trên nền bazan rực rỡ và đầy quyến rũ. Tiếng thông reo vi vu như lời thì thầm trò chuyện, lúc như lời bày tỏ những nỗi niềm còn giấu kín bao lâu nay. Mặt hồ vẫn xanh một màu chung thủy, sóng nước Biển Hồ xao động phía trời mây. Đôi chiếc thuyền câu nhỏ bé lướt nhẹ về phía bờ bên kia, xa thẳm.

Biển Hồ không chỉ là linh hồn của Phố núi Pleiku. Là nỗi nhớ cho người đi xa và khao khát cho những ai chưa từng đặt chân đến. Giữa nắng gió cao nguyên, Biển Hồ như chiếc máy điều hòa khổng lồ của thành phố cao nguyên xinh đẹp này. Là nơi cung cấp nguồn nước sạch cho người dân Phố núi, là nguồn nước khổng lồ tắm mát cho những vùng chuyên canh cà phê lân cận. Và tôi, vừa đùa vừa thật với bạn bè rằng cà phê ở đây ngon nhất vì thấm đẫm hơi thở của “Đôi mắt Pleiku”.

Tạm biệt Biển Hồ, tạm biết Phố núi thân yêu, tôi mang theo trong mình tình yêu và nỗi nhớ về một miền đất xinh đẹp đầy hoa thơm trái ngọt. Và lòng mong sao Biển Hồ nói riêng và du lịch Gia Lai nói chung sẽ ngày một phát triển, xứng tầm với những gì thiên nhiên đã ban tặng cho mảnh đất này.  

NGUYỄN THỊ BÉ

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.