46 năm: Những đổi thay ấn tượng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không chỉ anh hùng trong 2 cuộc kháng chiến, 46 năm sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Gia Lai tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức thi đua xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Nông thôn “thay da đổi thịt”

Mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức khi vừa khắc phục tàn tích chiến tranh, vừa tập trung phát triển kinh tế-xã hội nhưng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Gia Lai đã phát huy tinh thần đoàn kết, từng bước khắc phục khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Nhiều chính sách, chương trình, dự án được các ngành, địa phương triển khai hiệu quả, góp phần ổn định dân cư, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Nhờ đó, đời sống người dân ngày được cải thiện rõ rệt, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 4,5%, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn dưới 6,25%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 51,9 triệu đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2015. Năm 2020, toàn tỉnh có 88 xã và 97 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới (vượt 18 xã so với mục tiêu đề ra); TP. Pleiku được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; thị xã An Khê và thị xã Ayun Pa đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2019. Đặc biệt, đầu năm 2020, TP. Pleiku vinh dự được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh.

 Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku). Ảnh: Phan Nguyên
Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku). Ảnh: Phan Nguyên


Xã Gào (TP. Pleiku) là căn cứ địa cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Chứng kiến sự “thay da đổi thịt” của quê hương mình, ông Rơlan Biă (73 tuổi, làng C) không giấu sự phấn khởi: “Đi qua những ngày tháng gian khó của chiến tranh, tôi cảm nhận được rất rõ những giá trị cuộc sống hôm nay thật đáng trân trọng. Đổi thay lớn nhất của xã Gào chính là bà con từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo”.

Xã biên giới Ia Mơr (huyện Chư Prông) cũng đã đổi thay nhanh chóng. Nhờ sự quan tâm đầu tư mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua, đường giao thông nông thôn đã được bê tông hóa; các công trình công cộng như trạm y tế, trường học, sân vận động được đầu tư xây dựng, phục vụ nhu cầu học tập, chăm sóc sức khỏe và giải trí của người dân. Đặc biệt, công trình thủy lợi Ia Mơr đang dần phát huy hiệu quả, hứa hẹn sẽ đem lại diện mạo kinh tế mới cho vùng biên giới Ia Mơr trong thời gian không xa. Nữ già làng Ksor H'Blâm (làng Krông) từng tham gia lực lượng thanh niên xung phong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trò chuyện cùng chúng tôi, bà chia sẻ: “Trước đây, làng mình, xã mình nghèo lắm nhưng vẫn một lòng theo cách mạng, đánh đuổi bọn xâm lăng. Sau ngày giải phóng, bên cạnh được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ cây-con giống phát triển sản xuất, dân làng cũng chăm lo làm ăn. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn bây giờ thay đổi nhanh chóng. Đời sống người dân ổn định hơn, trẻ em sinh ra đều được đến trường, có trạm y tế để khám sức khỏe. Dân làng mình ai cũng phấn khởi”.

 Nông dân xã Ayun (huyện Chư Sê) thu hoạch lúa Đông Xuân. Ảnh: Quang Tấn
Nông dân xã Ayun (huyện Chư Sê) thu hoạch lúa Đông Xuân. Ảnh: Quang Tấn


Công trình thủy lợi Plei Keo là món quà do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dành tặng người dân xã anh hùng Ayun (huyện Chư Sê). Trong những ngày tháng 3 lịch sử, vùng đất khô cằn này đã nhuộm một màu xanh bạt ngàn của những cánh đồng lúa. Nước từ công trình thủy lợi có ý nghĩa đặc biệt này đang làm thay đổi bộ mặt nông thôn Ayun. Già Đinh A Nhur (làng Achông) chia sẻ: “Sau năm 1975, đời sống dân làng vô cùng khó khăn, thiếu thốn, thậm chí đói khổ. Đường sá đi lại khó khăn, không có trường học, trạm xá... Bây giờ, được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư nhiều công trình nên đời sống người dân ngày càng phát triển, con cháu được đi học đầy đủ. Mình sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động con cháu cùng nhau đoàn kết xây dựng làng, xã ngày càng giàu đẹp”.

Tiếp nối truyền thống cách mạng

Sau 46 năm giải phóng, từ vùng căn cứ cách mạng đến các buôn làng, thị tứ, phố phường đều tưng bừng khởi sắc. Những vườn cây, ruộng lúa đã xóa mờ vết tích chiến tranh. Với những người từ vùng đất khác tới lập nghiệp ở xã Gào như anh Nguyễn Ngọc Anh (thôn 5) thì sự đổi thay này như là kỳ tích. Cách đây gần 30 năm, anh cùng gia đình tìm tới xã Gào để định cư. Ban đầu, cuộc sống gia đình gặp muôn vàn khó khăn. Nhưng đất không phụ lòng người, chỉ sau 5 năm, anh đã trở thành điển hình tiên tiến về phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Với nỗ lực không ngừng, hàng năm, gia đình anh thu về gần 800 triệu đồng từ 6 ha cà phê và 200 cây mắc ca. Anh chia sẻ: “Đây là vùng đất “thiêng” mà chúng tôi rất đỗi tự hào và cùng nhau vun đắp, xây dựng. Người dân chúng tôi đã phấn đấu làm giàu bằng ý chí, nghị lực của mình. Để xứng đáng là người con xã Gào anh hùng, chúng tôi luôn cố gắng để góp phần nhỏ cho quê hương ngày càng giàu đẹp”.

Trong số 1.041 hộ của xã Gào thì chỉ còn 15 hộ nghèo. Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, cán bộ và người dân ở đây đồng thuận, đoàn kết một lòng, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Ông Trần Ngọc Thanh-Chủ tịch UBND xã Gào-thông tin: Được sự quan tâm của tỉnh và thành phố, xã Gào đã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới và tiếp tục thực hiện các tiêu chí nâng cao. Xã đang đề nghị quy hoạch Khu di tích lịch sử Khu 9 rộng 2,2 ha, trong đó có hang đá, cây đa, hệ thống hầm hào và phục dựng một số địa điểm di tích trong căn cứ. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là điểm đến ý nghĩa cho thế hệ trẻ cũng như du khách trong và ngoài tỉnh. “Xã Gào đã và đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ đi lên cùng tiến trình phát triển của tỉnh, của đất nước. Vùng đất từng một thời “mưa bom, bão đạn” nay đã có cuộc sống ngày càng phát triển”-ông Thanh tự hào nói.

Đường Hồ Chí Minh-tuyến tránh đô thị Pleiku (đoạn qua xã Gào). Ảnh: Lê Hòa
Đường Hồ Chí Minh-tuyến tránh đô thị Pleiku (đoạn qua xã Gào). Ảnh: Lê Hòa


Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tuấn Anh-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr-cho biết: Dù bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi nhưng nhìn chung, Ia Mơr vẫn còn gặp khó khăn khi tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn khá cao. Để xứng đáng với danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thời gian tới, cán bộ và người dân xã Ia Mơr tiếp tục phát huy tinh thần cách mạng, đoàn kết để thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra. Trước mắt, xã phấn đấu kéo giảm số hộ nghèo, cận nghèo xuống còn 14,2%, nâng cao thu nhập bình quân đầu người vào cuối năm 2021. “Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước cần quan tâm nhiều hơn nữa tới những xã biên giới như Ia Mơr để tạo điều kiện cho địa phương đẩy nhanh phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, cần quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông nối liền các trung tâm để người dân đi lại, vận chuyển nông sản thêm thuận lợi. Đặc biệt, Chính phủ, các bộ, ngành cần quan tâm tháo gỡ vướng mắc, triển khai xây dựng vùng tưới cho công trình thủy lợi Ia Mơr để tạo điều kiện cho người dân sản xuất lúa nước 2 vụ, tạo bước đệm để Ia Mơr vươn xa”-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr mong muốn.

3- Công trình thủy lợi Plei Keo đang góp phần thay đổi bộ mặt xã anh hùng Ayun-Quang Tấn
Công trình thủy lợi Plei Keo đang góp phần thay đổi bộ mặt xã anh hùng Ayun. Ảnh: Trần Dung


Còn ông Nguyễn Đức Cường-Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ayun cũng tỏ rõ quyết tâm cùng với cán bộ và người dân xã Ayun anh hùng đoàn kết, xây dựng quê hương ngày càng phát triển. “Để phát huy hiệu quả công trình thủy lợi Plei Keo, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ trực tiếp hướng dẫn người dân đẩy mạnh sản xuất lúa nước 2 vụ. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương”-ông Cường cho biết.
 

QUANG TẤN-TRẦN DUNG
 

Có thể bạn quan tâm

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.
Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

(GLO)- Cách TP. Pleiku chừng 15 km, vườn nho Gia Lai (ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) của anh Đặng Đại Dương đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên và đón khách đến tham quan, trải nghiệm.