Ia Grai hướng đến phát triển toàn diện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 2020, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, giám sát của HĐND huyện, phối hợp của Mặt trận, các tổ chức đoàn thể và nỗ lực phấn đấu của các ngành, các xã, thị trấn, nhân dân, các doanh nghiệp trong toàn huyện, UBND huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã tập trung lãnh đạo, tổ chức triển khai thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu đề ra.

 

Kinh tế-xã hội phát triển ổn định


Năm 2020, tổng giá trị sản xuất huyện Ia Grai thực hiện được 10.244 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch (tăng 12,5%). Trong đó, ngành nông-lâm nghiệp-thủy sản là 4.120 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch; công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp-xây dựng là 3.427 tỷ đồng, đạt 100,1% kế hoạch; thương mại-dịch vụ 2.697 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch.

Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, nâng cao giá trị kinh tế với tổng diện tích 48.840 ha cây trồng các loại (đạt 100,3% kế hoạch). Toàn huyện trồng tái canh 498 ha cà phê, đạt 102,7% kế hoạch. Ngoài ra, toàn huyện có khoảng 400 ha cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước. Tổng đàn gia súc, gia cầm ước trên 272.500 con và 39.290 đàn ong. Diện tích thủy sản là 403 ha (trong đó, nuôi trồng 43 ha, tự nhiên 360 ha), tổng sản lượng ước đạt 260 tấn (tăng 4%).

Khu trung tâm hành chính huyện Ia Grai. Ảnh: Lê Nam
Trụ sở UBND huyện Ia Grai. Ảnh: Lê Nam


Cùng với đó, trong năm 2020, huyện có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Ia Tô và Ia Sao), nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới của huyện lên 6 xã và 12 làng đạt chuẩn làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, toàn huyện đạt 191/228 tiêu chí, tăng 17 tiêu chí so với đầu năm 2020, bình quân mỗi xã đạt 15,92 tiêu chí.

Lĩnh vực công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ cũng có sự tăng trưởng ổn định. Giá trị sản xuất công nghiệp hơn 2.443,8 tỷ đồng, đạt 100,4% kế hoạch (tăng 8,8%). Từ các nguồn vốn đầu tư, huyện đã triển khai xây dựng 216 công trình với tổng vốn 276,2 tỷ đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 2.786 tỷ đồng, đạt 100,1% kế hoạch (tăng 18,8%). Hàng hóa trên thị trường phong phú, đa dạng, cung ứng kịp thời cho nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của nhân dân, kể cả vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tổng thu ngân sách nhà nước ước 494,9 tỷ đồng, đạt 114% dự toán tỉnh giao và bằng 106,6% dự toán HĐND huyện đề ra (phần huyện thu ước được hơn 70 tỷ đồng, đạt 137% dự toán tỉnh giao và bằng 85,3% dự toán HĐND huyện đề ra). Tổng chi ngân sách là 470,9 tỷ đồng, đạt 111% dự toán tỉnh giao và bằng 103,6% dự toán HĐND huyện đề ra.

 Thác Mơ-điểm du lịch thơ mộng của huyện. Ảnh: Lê Nam
Thác Mơ-điểm du lịch thơ mộng của huyện. Ảnh: Lê Nam


Lĩnh vực văn hóa-xã hội ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực. Hoạt động dạy và học được đảm bảo theo kế hoạch; việc duy trì sĩ số học sinh được đảm bảo 99,1-100%. Năm học 2020-2021, toàn huyện có 47 trường học và 887 lớp học với 24.958 học sinh. Đến nay, toàn huyện có 24/47 đơn vị trường học trường đạt chuẩn quốc gia.

Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân luôn được chú trọng; trong năm đã khám, điều trị cho 49.053 lượt người. Công tác phòng-chống dịch bệnh được triển khai đồng bộ, hiệu quả, trong đó có bệnh bạch hầu. Hiện đã điều trị khỏi bệnh 9/9 ca; hoàn thành tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu tại các xã, thị trấn, đạt tỷ lệ 98,05%.

Song song với đó, huyện triển khai thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh chính trị-trật tự an toàn xã hội; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, đảm bảo an toàn giao thông. Đặc biệt, tổ chức tốt hoạt động đối ngoại, duy trì tốt mối quan hệ truyền thống với chính quyền huyện Đun Mia (tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia); bảo vệ tốt cột mốc, đường biên góp phần giữ vững ổn định an ninh biên giới.

Tạo đột phá để phát triển du lịch

Ia Grai là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch với các thắng cảnh như: thác Mơ (xã Ia Khai), thác Chín Tầng (xã Ia Bă), thác Lệ Kim (xã Ia Tô), làng chài hồ thủy điện Sê San 4 (xã Ia O)… Đây cũng là vùng đất ghi nhiều dấu ấn lịch sử như Bến đò A Sanh (xã Ia Khai) gắn với tên tuổi của người Anh hùng chèo thuyền độc mộc Puih San, Chiến thắng Chư Nghé (xã Ia Krai). Không chỉ vậy, địa phương còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo, nhất là không gian văn hóa cồng chiêng.

Nhiều năm qua, huyện chú trong phát triển cây ăn quả gắn với chương trình OCOP, xây dựng được thương hiệu tạo cơ hội phát triển du lịch từ văn hóa-lịch sử, du lịch canh nông... Huyện đang quy hoạch, đầu tư xây dựng và mời gọi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các điểm du lịch. Đặc biệt, huyện đã tổ chức thành công Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô lần thứ II, tạo không khí lễ hội sôi nổi, thu hút hàng ngàn du khách gần xa.

 Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô lần thứ II năm 2020. Ảnh: Ảnh: Lê Nam
Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô lần thứ II năm 2020. Ảnh: Lê Nam


Thời gian tới, huyện dự kiến đầu tư xây dựng đường từ làng Nú (xã Ia Khai) đi đến Bến đò A Sanh để phục vụ du khách tham quan. Cùng với đó, UBND huyện chỉ đạo các ngành, địa phương xây dựng và triển khai chương trình trọng tâm về phát triển du lịch, phát huy tiềm năng lợi thế của huyện và bảo tồn các truyền thống văn hóa địa phương.

Đồng thời, tiếp tục mời gọi đầu tư, khai thác các khu du lịch sinh thái như: thác Chín Tầng, lòng hồ Sê San 4, thác Mơ, khu di tích lịch sử Chiến thắng Chư Nghé và khu di tích lịch sử Bến đò A Sanh. Cùng với đó, huyện cũng tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp sạch của mình thông qua các phiên chợ nông sản an toàn gắn với du lịch địa phương.
 


Một số chỉ tiêu chủ yếu năm 2021:

- Tổng giá trị sản xuất là 11.290 tỷ đồng, tăng 10,22% so với năm 2020. Trong đó, nông-lâm nghiệp và thủy sản tăng 6,21%; công nghiệp-xây dựng tăng 11,9%; dịch vụ tăng 14,2%.
- Thu nhập bình quân đầu người đạt 43,5 triệu đồng.
- Thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt 70 tỷ đồng.
- Phấn đấu thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thêm 9 làng đạt chuẩn nông thôn mới.
- Phấn đấu trồng rừng được 479,8 ha; tỷ lệ độ che phủ rừng 37,25%.
- Tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi bậc tiểu học đạt 99,7%, bậc THCS đạt 97,6%.
- Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm còn 2,63%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 92,8%.


LÊ NGỌC QUÝ
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện

 

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.
“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.