Sức bật Tơ Tung

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của người dân, đến nay, xã Tơ Tung (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) đã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới (NTM). Theo đó, diện mạo nông thôn có sự thay đổi rõ rệt, đời sống của người dân được cải thiện đáng kể. 
Chung tay xây dựng NTM
Xã Tơ Tung có 1.356 hộ với 5.842 khẩu, gồm 13 dân tộc anh em cùng sinh sống. Hưởng ứng phong trào xây dựng NTM, người dân trong xã sẵn sàng hiến đất, đóng góp công sức, tiền của để làm đường giao thông, xây dựng những công trình phục vụ cộng đồng.
Khi có chủ trương của xã mở rộng đường ra khu sản xuất, ông Triệu Khắc Tiệp (làng Trường Sơn) đã tự nguyện hiến trên 120 m2 đất ruộng và đóng góp hàng chục ngày công. Ông Tiệp vui vẻ nói: “Làm đường giao thông là để phục vụ cho việc đi lại, vận chuyển nông sản của bà con trong làng được thuận lợi hơn. Tôi rất vui vì đã góp một phần công sức chung tay cùng chính quyền địa phương xây dựng xã NTM”.
Một góc xã Tơ Tung, huyện Kbang. Ảnh: Ngọc Minh
Một góc xã Tơ Tung, huyện Kbang. Ảnh: Ngọc Minh
Trước đây, khuôn viên nhà rông của làng Leng chật hẹp, các cuộc họp dân, tổ chức văn hóa-văn nghệ, thể dục thể thao không đủ không gian. Khi hay tin Nhà nước có chủ trương mở rộng, làm mới nhà rông, ông Đinh A Ngel đã tự nguyện hiến hơn 1 sào đất vườn. Ông chia sẻ: “Mình rất vui khi thấy dân làng có nơi hội họp khang trang, các cháu thanh-thiếu niên có chỗ luyện tập cồng chiêng, vui chơi, giải trí”.
Ông Đinh Yoát-Trưởng thôn Leng-cho biết: “Những năm qua, cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, dân làng đã hiến hơn 4 sào đất, đóng góp hàng trăm ngày công cùng kinh phí để chung tay xây dựng NTM. Người dân cũng tích cực dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế. Nhờ vậy, bộ mặt của làng ngày càng khang trang, sạch đẹp, đời sống người dân được cải thiện”.
Nông thôn khởi sắc
Ông Trần Xuân Nam-Chủ tịch UBND xã Tơ Tung-cho hay: Những con đường mới mở giúp cho người dân có cơ hội vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, tạo điều kiện để xã sớm hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng NTM. Cũng theo ông Nam, để hoàn thành các tiêu chí NTM, xã đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc; lấy ý kiến của nhân dân tham gia đóng góp vào bản quy hoạch, đề án xây dựng NTM của xã.
“Trên lĩnh vực kinh tế, xã vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư thâm canh để tăng năng suất; tiếp tục duy trì và phát triển chăn nuôi; phối hợp đào tạo nghề cho lao động nông thôn... Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của xã hiện đạt 41,1 triệu đồng/năm. Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, người dân phát huy tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế. Đến nay, xã chỉ còn 86 hộ nghèo, chiếm 6,34%”-Chủ tịch UBND xã Tơ Tung thông tin.
Người dân xã Tơ Tung (huyện Kbang) phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập. Ảnh: Ngọc Minh
Người dân xã Tơ Tung (huyện Kbang) phát triển chăn nuôi để nâng cao thu nhập. Ảnh: Ngọc Minh
Ngoài ra, xã Tơ Tung đã thực hiện tốt công tác duy trì phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, 100% trẻ em đúng độ tuổi được đến trường; tỷ lệ học sinh chuyển cấp đạt trên 70%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có việc làm đạt gần 32%; 100% số hộ được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% số hộ được dùng điện lưới quốc gia; 95,87% số hộ sử dụng điện thoại.
Trạm Y tế xã đáp ứng tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân; gần 95% người dân tham gia bảo hiểm y tế. 9/10 làng đạt tiêu chuẩn làng văn hóa; việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống được chú trọng. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo và giữ vững.
“Xã đang hoàn thiện các thủ tục trình cấp trên xem xét công nhận đạt chuẩn NTM. Đây là động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong xã tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”-ông Nam cho hay.

Từ năm 2015 đến nay, người dân xã Tơ Tung đã hiến 20.738 m2 đất, đóng góp hơn 827 triệu đồng để đầu tư xây dựng 1,67 km đường nội làng, 10,8 km đường đất cấp phối vào các khu sản xuất tập trung, 1 ngầm tràn liên hợp và 5 nhà văn hóa.

NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.