Một thời làm "lính nhà đài"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày ấy, làm nghề báo “oai” nhất lại là báo nói. Có lẽ là do khi đó, báo in hình thức chưa tốt, số lượng ít mà phát hành lại chậm. Truyền hình thì chưa phủ sóng hết thị xã Pleiku, ti vi lại chẳng mấy người có. Thế nên, ai được nói trên đài là hãnh diện lắm. 
Còn nhớ cái ngày 24-4-1984 ấy, cao nguyên mới loi thoi những cơn mưa đầu mùa. Mặt đất hãy còn hâm hấp nóng. Trên vai là ba lô bộ đội lộn ngược đựng chiếc vỏ chăn mỏng và bộ quần áo sờn, tôi cuốc bộ từ bến xe liên tỉnh tìm đến Đài Phát thanh-Truyền hình Gia Lai-Kon Tum.
Nhìn bộ dạng của tôi, bà bảo vệ tưởng người dưới huyện lên họp. Đến khi nghe tôi là sinh viên mới ra trường, được phân công về Đài thì bà mới phì cười bảo tôi ngồi đợi để gọi Giám đốc. Dăm phút sau, Giám đốc Thái Hiền Minh đã chạy ra. Nhìn tôi, ông cũng không nhịn được cười. Hóa ra, ngoài cái hành trang tựa như anh lính đào ngũ của mình, mặt mũi tôi còn nhem nhuốc bụi than. Chẳng là, tôi phải ngồi ghế sau cùng của một chiếc xe chạy khí than ròng rã 1 ngày 1 đêm từ Huế.
Ngay chiều hôm đó, tôi được ăn bữa cơm tập thể đầu tiên: gạo rẫy độn khoai lang khô đã mọt với canh rau muống và cá chuồn khô. Giám đốc xuống xem tôi ăn ở thế nào, ông chặc lưỡi rồi bảo: “Cơ quan ta chỉ được đến thế thôi, cháu hãy cố mà chịu đựng. Trước mắt cứ nghỉ một tuần cho khỏe, chuyện công tác nói sau”.
Nhưng sáng hôm sau, tôi đang mơ màng trong giấc ngủ thì đã có người xuống gọi. Bấy giờ, tôi mới có dịp ngắm kỹ lại trụ sở cơ quan. Đó là một căn nhà cấp 4 thấp tè; phòng phóng viên cửa sổ đã mục, nước mưa hắt cả vào nhà. Ngạc nhiên hơn là phòng chỉ vỏn vẹn có 7 người và tất cả chỉ mới tốt nghiệp phổ thông. Thế này mà bạn tôi bảo Đài Phát thanh Truyền hình Gia Lai-Kon Tum “ngon” lắm, đến cộng tác viên còn được thưởng xe đạp (cái xe đạp hồi ấy có giá còn hơn chiếc xe máy xịn bây giờ). Tôi tự an ủi dẫu sao thì cũng toàn bằng vai phải lứa, vui là được!
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Ngày ấy, làm nghề báo “oai” nhất lại là báo nói. Có lẽ là do khi đó, báo in hình thức chưa tốt, số lượng ít mà phát hành lại chậm. Truyền hình thì chưa phủ sóng hết thị xã Pleiku, ti vi lại chẳng mấy người có. Thế nên, ai được nói trên đài là hãnh diện lắm.
Thế mạnh như vậy nhưng phương tiện hành nghề thì cả cơ quan chỉ có 3 cái cassette. Một cái 777 to đùng dành cho Phòng Văn nghệ. Cái Toshiba nhỏ thì giao Trưởng ban Biên tập quản. Thường trực chiến đấu tại Phòng Phóng viên chỉ cái GF 6060. Nó nhỏ bằng 1 chiếc… va li và nặng gần 5 kg. Điện lúc ấy ở huyện cũng chưa có. Muốn tác nghiệp ở đâu lại phải khệ nệ xách theo 6 viên pin PR40 to bằng bắp chân nữa. Ngược đời làm sao khi chính sự “oai vệ” lại nằm trong những đồ lỉnh kỉnh ấy. “Cái va li biết nói” mỗi lần đi đến đâu là lại có người nhìn ngó, trầm trồ. Nhưng “người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm”, bà con đâu có biết, anh em phóng viên đã nhiều lần cười dở, mếu dở với nó. Chính tôi cũng bị một vố nhớ đời…
Hôm ấy, được phân công làm tin thu thanh lễ kỷ niệm Quốc khánh 2-9, biết là sự kiện quan trọng, tôi đã “a lô, a lô” thử đi thử lại mãi rồi mới mang đi. Cứ yên tâm rằng “máy vẫn chạy tốt”, nào ngờ lúc mở ra thì ôi thôi, cuộn băng đã rối như vò. Tôi tái mét mặt mày. Ông Trưởng phòng mắng: “Chỉ tại cậu chủ quan, thỉnh thoảng phải lên ngó xem nó có… chạy không chứ, lại cứ ngồi dí ở dưới hội trường. Cậu có phải là đại biểu đi họp đâu!”.
Tôi ngồi thừ ra một chốc rồi quyết định… liều. Chờ xong cuộc mít tinh, tôi chạy đến trình bày với ông Phạm Hồng, bấy giờ là Chủ tịch UBND tỉnh nhờ đọc lại bài diễn văn để ghi âm. Một thoáng khó chịu nhưng có lẽ thấy gương mặt thểu não của tôi, ông vui vẻ chấp nhận… Thái độ ứng xử với một nhà báo tuổi nghề còn trẻ của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Hồng khi ấy, đến bây giờ tôi vẫn không quên.
Tôi làm việc ở Đài chỉ hơn 1 năm rồi đi tăng cường cho huyện. Khó-khổ nhưng cũng không hiếm niềm hạnh phúc bất ngờ. Năm 1985, Binh đoàn 52 quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia về nước. Tôi và anh Văn Long được giao phản ánh sự kiện này. Lúc tổ chức họp báo ở biên giới, giữa rừng phóng viên nước ngoài máy ghi âm bỏ túi, máy quay phim cầm tay hiện đại thì phóng viên đài địa phương chỉ có 1 cái cassette to đùng. Để ghi âm được rõ, anh Văn Long dùng 1 cây le buộc máy vào rồi đưa qua đầu các phóng viên. Cái chi tiết đầy vẻ hài hước này khiến cánh phóng viên nước ngoài nhìn chúng tôi tỏ ý rất coi thường…
Sáng hôm sau, tại sân vận động điệp trùng xe pháo chờ làm lễ mít tinh, Đài Phát thanh Truyền hình Gia Lai-Kon Tum vang lên tường thuật thu thanh “Binh đoàn 52 hoàn thành nghĩa vụ quốc tế trở về đất mẹ”. Chẳng hiểu phải xuất thần hay không, bài tường thuật chúng tôi thực hiện hôm ấy thật xúc động. Những chiến sĩ dãi dầu trận mạc lắng nghe như đếm từng lời. Các phóng viên nước ngoài có mặt lúc ấy không giấu được ngạc nhiên. Còn Giám đốc Thái Hiền Minh thì cứ bấm vào vai chúng tôi, sung sướng nhắc đi nhắc lại: “Trông kìa, trông kìa, bộ đội đang nghe đài ta đấy!”.
Năm tháng qua đi, thời gian khổ cũng đã qua đi nhưng kỷ niệm một thời trong tôi vẫn còn ở lại. Chẳng có gì là to tát, lớn lao nhưng hạnh phúc nghề nghiệp đôi khi cũng chỉ xuất phát từ những điều giản dị như thế!
NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.
“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.