Làng Trol Đeng chung tay giữ gìn an ninh trật tự

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vừa qua, thị trấn Chư Ty (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) đã xây dựng mô hình “Liên kết các nhóm họ tự quản đảm bảo về an ninh trật tự” ở làng Trol Đeng nhằm huy động các dòng họ chung sức cùng chính quyền quản lý, giáo dục thanh-thiếu niên tránh xa tệ nạn xã hội.  
Trol Đeng là làng đồng bào Jrai duy nhất của thị trấn Chư Ty. Làng có 120 hộ với 719 nhân khẩu. Đây là địa bàn “nổi tiếng” với tình trạng thanh-thiếu niên bất hảo. Nhiều thanh niên trong làng bỏ học sớm, không có việc làm, thường tụ tập chơi bời, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Thiếu tá Nguyễn Hữu Hoằng-Trưởng Công an thị trấn Chư Ty-cho hay: “Qua theo dõi, Công an thị trấn xác định làng Trol Đeng là “điểm nóng” về an ninh trật tự. Có khoảng 40 đối tượng bất hảo là thanh-thiếu niên 10-17 tuổi, thường xuyên tụ tập vào đêm khuya, lôi kéo nhau trộm cắp tài sản của dân. Các vụ trộm cắp xảy ra ngày càng nhiều và mở rộng địa bàn sang các xã lân cận. Đã có một số thanh niên trong làng vi phạm pháp luật bị phạt tù, một số thiếu niên vi phạm bị đưa đi trại giáo dưỡng”.
Trưởng Công an thị trấn Chư Ty thông tin thêm: Nguyên nhân của tình trạng trên một phần do sự thờ ơ, thiếu quan tâm và cả tâm lý nuông chiều của cha mẹ. Có tình trạng các đối tượng bất hảo rủ rê thanh-thiếu niên trong làng làm điều sai trái, ai không nghe theo sẽ bị xa lánh, hăm dọa, đánh đập. Người lớn góp ý cũng không thành, thậm chí còn xảy ra cãi cọ... Do đó, tình trạng thanh-thiếu niên trong làng càn quấy, vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng.
Công an thị trấn Chư Ty (huyện Đức Cơ) tuyên truyền, vận động người dân làng Trol Đeng tham gia giữ gìn an ninh trật tự. Ảnh: Phương Vi
Cán bộ Công an thị trấn Chư Ty (huyện Đức Cơ) tuyên truyền, vận động người dân làng Trol Đeng tham gia giữ gìn an ninh trật tự. Ảnh: Phương Vi
Để chấn chỉnh tình trạng này, Công an thị trấn Chư Ty triển khai mô hình “Liên kết các nhóm họ tự quản bảo đảm về an ninh trật tự” tại làng Trol Đeng. Mô hình thu hút hơn 50 thành viên của 6 nhóm họ lớn trong làng tham gia gồm: Rơ Châm, Rơ Lan, Siu, Ksor, Kpuih và Rơ Mah.
Đây là mô hình đầu tiên được triển khai trên địa bàn huyện Đức Cơ nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của thành viên các dòng họ trong việc giáo dục con cháu. Đồng thời, phát huy tinh thần tự giác, tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh tố giác tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật.
Công an thị trấn yêu cầu các gia đình, dòng họ ký cam kết không có con em vi phạm pháp luật. Những người đứng đầu nhóm họ phát huy vai trò cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng, góp phần thực hiện tốt công tác giữ gìn an ninh trật tự cũng như khuyến học, khuyến tài.
Là một trong những người đầu tiên hưởng ứng mô hình này, ông Ksor Quang bày tỏ: “Một số gia đình mải lo làm ăn nên ít quan tâm, để con cái bỏ bê học hành, dẫn đến hư hỏng. Riêng gia đình mình quyết không để con cái hư hỏng mà phải học đàng hoàng, tối đến không được tụ tập chơi bời. Mấy đứa nhỏ hàng xóm đến rủ cũng không cho đi. Tan trường là chúng liền về nhà, học bài làm bài rồi giúp bố mẹ việc nhà. Từ khi tham gia mô hình này, mỗi khi nhàn rỗi, mình thường xuyên góp ý với các gia đình trong dòng họ phải quan tâm dạy bảo con cái, phải cho chúng đi học, không để các cháu chơi khuya, phá làng phá xóm. Biết là khó nhưng mình không buông xuôi mà sẽ cố gắng để mọi người thay đổi”.
Mô hình Liên kết nhóm họ tự quản đảm bảo an ninh trật tự tại làng Trol Đeng nhằm nâng cao nhận thức, vai trò của các thành viên trong dòng họ. Ảnh: Phương Vi
Mô hình "Liên kết nhóm họ tự quản đảm bảo an ninh trật tự" tại làng Trol Đeng nhằm nâng cao nhận thức, vai trò của các thành viên trong dòng họ. Ảnh: Phương Vi
Chị Kpuih H’Thảo-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Trol Đeng cũng chia sẻ: “Từ mô hình này, chúng tôi kết hợp tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về vai trò của phụ nữ trong gia đình. Đặc biệt là giúp chị em nâng cao ý thức giáo dục, dạy bảo con cái, không để các cháu thất học, sống buông thả, sa ngã”.
Năm 2020, thị trấn Chư Ty triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng đô thị văn minh, chuyển hóa thị trấn không còn là địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự; xây dựng làng Trol Đeng thành làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, việc triển khai thành công mô hình “Liên kết các nhóm họ tự quản bảo đảm về an ninh trật tự” có ý nghĩa quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của địa phương.
Thiếu tá Nguyễn Hữu Hoằng cho biết thêm: “Từ khi triển khai mô hình đến nay, tình hình an ninh trật tự đã có những chuyển biến tích cực. Ban đêm, thanh niên đã bớt tụ tập, một số đã chủ động tìm kiếm việc làm, giúp đỡ gia đình. Đặc biệt, mô hình này đã làm thay đổi nhận thức của dân làng Trol Đeng trong việc chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.
PHƯƠNG VI

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.
“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.