Ia Sol: Ngày ấy, bây giờ...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đã hơn 30 năm kể từ ngày những người dân đầu tiên của xã Yên Lâm (huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) bắt tay vỡ đất khai hoang, xây dựng vùng kinh tế mới tại xã Ia Sol, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai. Mặc dù đối diện không ít khó khăn nhưng bằng quyết tâm cao, họ đã biến vùng đất mới thành quê hương thứ 2 thanh bình, trù phú.
Gian nan thuở dựng làng
Ông Dương Văn Đăng (SN 1952, thôn Thắng Lợi 2, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) vừa nhấp ngụm trà, vừa trò chuyện với chúng tôi. Mắt nhìn xa xăm, hồi nhớ lại những ngày đầu tiên vào mảnh đất này, giọng ông trầm hẳn xuống. Năm 1987, thực hiện chủ trương xây dựng vùng kinh tế mới của Đảng và Nhà nước, gia đình ông gồm 7 người dắt díu vào Tây Nguyên với mong muốn thoát khỏi đói nghèo.
Ông Đăng kể: Đoàn gồm 70 hộ, đi xe hơn 1 tuần mới vào tới nơi. Hồi ấy là thôn 1, xã Ia Sol, huyện Ayun Pa, tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Cả một vùng đồi núi mênh mông chỉ lác đác vài hộ đồng bào Jrai sinh sống. Để người dân sớm an cư, Nhà nước hỗ trợ mỗi hộ 1.500 m2 đất, lương thực thì tính theo đầu người, 13 kg gạo/tháng.
Vợ chồng ông cùng bà con không kể ngày đêm, chặt từng gốc cây, cuốc từng thớ đất để trỉa đậu, trồng lúa. Nước tưới không có, chỉ dựa vào nước trời nên năng suất cây trồng chẳng đáng là bao. Điện-đường-trường-trạm thiếu thốn đủ bề.
“Phải qua mấy lần sửa chữa, căn nhà của gia đình tôi mới được như vậy đó. Bà con tranh thủ tận dụng cây dầu khai hoang làm cột nhà, trộn bùn với rơm trát vách, rơm tốt dùng lợp mái nhà”-ông Đăng chia sẻ.
Ông Dương Văn Đăng (thôn Thắng Lợi 1, xã Ia Sol) chuẩn bị phơi lúa mùa. Ảnh: Vũ Chi
Ông Dương Văn Đăng (thôn Thắng Lợi 2, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) chuẩn bị phơi lúa mùa. Ảnh: Vũ Chi
Khổ cực mấy cũng ráng chịu nhưng có một thứ khiến những người đi xây dựng kinh tế mới mỗi lần nhắc tới lại không khỏi rùng mình. Đó là sốt rét. Thuốc men khan hiếm, bệnh viện thì xa, sốt cao có khi kéo dài hơn 1 tháng mới giảm. Nhiều người chịu không nổi phải bỏ về quê.
Bà Vũ Thị Hằng (thôn 3) đến giờ vẫn không quên được chuyện buồn của gia đình, khi cùng lúc, 2 người con trai qua đời vì sốt rét. Sau cái chết của 2 người con, bà bị ám ảnh, phải bán căn nhà cũ, vay mượn thêm mua chỗ ở mới cách đó chừng 700 m. Bản thân bà cũng vì sốt rét mà bị mất trí nhớ tạm thời. “Không chỉ sốt rét, chúng tôi còn đối mặt với bọn FULRO. Vậy nhưng, những người con Ninh Bình thuở ấy vẫn kiên cường bám trụ, cùng nhau gầy dựng cuộc sống nơi miền quê mới”-bà Hằng trải lòng.
Đổi thay vùng đất mới 
Những người trong đoàn đi kinh tế mới ngày nào bây giờ đều đã ở tuổi lục tuần. Một thời gian khó nay đã thành ký ức. Ia Sol hôm nay đang vươn lên khởi sắc từng ngày với những ngôi nhà khang trang, những cánh đồng lúa trĩu bông.
Công trình thủy lợi Ayun Hạ hoàn thành năm 2002 đã tạo nên bước ngoặt lớn, thay đổi cuộc đời người dân vùng thung lũng Cheo Reo-Phú Bổn. Nguồn nước dồi dào cùng hệ thống kênh mương đưa nước tới từng thửa ruộng, hình thành một vùng sản xuất lúa nước rộng lớn. Từ chỗ chỉ làm 1 vụ lúa nước/năm, “ăn” nước trời, năng suất chỉ 3-4 tạ/sào, đến nay, bà con đã có thể canh tác 2-3 vụ lúa/năm với năng suất 8-9 tạ/sào.
Kinh nghiệm sản xuất đặc trưng của người dân xứ Bắc mà những người đi xây dựng kinh tế mới duy trì áp dụng trên quê hương thứ 2 là cải tạo vườn tạp, trồng rau màu, vừa cung cấp thực phẩm cải thiện bữa ăn hàng ngày, vừa xuất bán ra thị trường, nâng cao thu nhập. Học tập cách làm này, nhiều hộ đồng bào Jrai đã áp dụng thành công, góp phần xóa đói giảm nghèo. Nhiều hộ gia đình trước đây chăm chỉ khai hoang, tích lũy đất đai, áp dụng mô hình sản xuất hiệu quả trở thành những điển hình làm kinh tế giỏi, thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm. 
Bộ mặt nông thôn xã Ia Sol (huyện Phú Thiện) ngày càng khởi sắc. Ảnh: Vũ Chi
Bộ mặt nông thôn xã Ia Sol (huyện Phú Thiện) ngày càng khởi sắc. Ảnh: Vũ Chi
Gia đình ông Đăng có 10 ha lúa và 1 ha rau màu, 1 máy xay xát gạo đem về thu nhập bình quân hàng năm gần 200 triệu đồng. Gia đình bà Hằng với hơn 30 ha mì, mía và kinh doanh phân bón, thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm. Hay gia đình ông Nguyễn Duy Thanh (thôn Thắng Lợi 3) có 8 ha mì, mía và trang trại chăn nuôi thu về trên 300 triệu đồng/năm.
Một vùng rừng núi cách trở, nghèo nàn ngày nào giờ trở thành khu dân cư đông đúc, yên bình. Các tuyến đường nội thôn đều được bê tông hóa sạch sẽ. Trường học được xây dựng khang trang, dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân được đảm bảo. Trung tâm văn hóa xã có sân bóng trồng cỏ nhân tạo phục vụ nhu cầu vui chơi, luyện tập thể dục thể thao của thanh-thiếu niên. Đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt.
Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Thanh tâm sự: “Sau bao năm di dân đi xây dựng kinh tế mới, quê hương thứ 2 đã thực sự thay da, đổi thịt. Bây giờ không lo thiếu thốn nữa, cái gì cũng có sẵn. Ngày ấy, nếu không liều một phen lên rừng lập nghiệp thì chắc chúng tôi không được như bây giờ. Có gian khổ nhưng rõ ràng chính sách của Đảng, Nhà nước đã tạo bước ngoặt quan trọng trong cuộc sống của chúng tôi”.    
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.
“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.