Gia Lai: Nâng cao ý thức bảo vệ rừng trong học sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Gia Lai kỳ vọng mỗi học sinh sẽ trở thành những tuyên truyền viên giúp người thân, gia đình và cộng đồng hiểu rõ hơn về vai trò của rừng đối với cuộc sống, từ đó có những hành động cụ thể gìn giữ môi trường, bảo vệ rừng. 
Ngoại khóa kết hợp tuyên truyền 
Buổi sinh hoạt ngoại khóa với chủ đề “Chi trả dịch vụ môi trường rừng-Đồng hành cùng học sinh đến trường” tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Đak Kơ Ning (huyện Kông Chro) được các em học sinh hồ hởi đón nhận. Ngoài việc trang bị những kiến thức cơ bản về vai trò, giá trị của rừng, lợi ích của chính sách chi trả dịch vụ môi trường, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh còn trình chiếu phim hoạt hình “Chúng em muốn rừng mãi xanh”; thi diễn kịch với chủ đề: “Chung tay bảo vệ môi trường rừng-Vì tương lai xanh Việt Nam”.
Trên cơ sở các nội dung tuyên truyền, đơn vị còn lồng ghép các trò chơi giao lưu-hỏi đáp-tặng quà với nội dung liên quan đến tác dụng của rừng đối với môi trường sống, hiểu biết của học sinh về rừng; ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo vệ rừng; tác hại của việc khai thác, chặt phá, đốt rừng…
Em Đinh Thị Mỹ Tâm (lớp 8) cho hay: “Chúng em chuẩn bị nhiều tiết mục gồm vẽ tranh, kịch, hát múa. Tất cả học sinh đều hào hứng tham gia. Qua buổi ngoại khóa, em được biết nhiều hơn về vai trò của rừng. Với gia đình em và người dân thì rừng còn cung cấp mật ong, gỗ, cây thuốc để chữa bệnh. Đây cũng là điều mà em sẽ kể lại cho cha, mẹ và dân làng biết để chung tay bảo vệ rừng”.
Còn em Đinh Nguyên (lớp 8) thì chia sẻ: “Chương trình rất hay và bổ ích. Các thầy cô, anh chị đã giúp chúng em biết được vì sao phải bảo vệ rừng. Đặc biệt, gia đình em và nhiều hộ trong làng tham gia nhận khoán để vừa góp phần bảo vệ rừng, vừa có thêm tiền trang trải cuộc sống. Em sẽ tích cực tuyên truyền, gửi thông điệp này đến gia đình để ba mẹ và mọi người làm tốt công tác giữ rừng”.
Học sinh diễn kịch lồng ghép thông điệp bảo vệ rừng, môi trường sống. Ảnh: Minh Nguyễn
Học sinh diễn kịch lồng ghép thông điệp bảo vệ rừng, môi trường sống. Ảnh: Minh Nguyễn
Thầy Huỳnh Cao Thương-Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Đak Kơ Ning-cho biết: Chương trình truyền thông về bảo vệ rừng đều được các em học sinh hào hứng tham gia, tạo hiệu ứng cao. Nhà trường sẽ tiếp tục lồng ghép nội dung này vào hoạt động dạy và học cũng như các buổi ngoại khóa để các em thấy rõ trách nhiệm của mình và tuyên truyền cho gia đình cùng tham gia trồng rừng, giữ rừng.
“Khi tất cả học sinh có ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường thì sẽ có thêm một lực lượng lớn tham gia, tác động tích cực tới hành động và ý thức những người xung quanh. Nhờ vậy có thể lan tỏa những hành động ý nghĩa trong cuộc sống về vấn đề bảo vệ môi trường”-thầy Thương nhấn mạnh. 
Duy trì hoạt động truyền thông ý nghĩa 
Theo ông Phạm Huy Vân-Chủ tịch UBND xã Đak Kơ Ning: Trên địa bàn xã hiện có 8.000 ha rừng. Tuy nhiên, chỉ mới giao khoán được 1.800 ha cho 5 nhóm hộ; diện tích còn lại địa phương đang tích cực tuần tra, bảo vệ. Xã còn gặp khó trong việc tuyên truyền để bà con tham gia nhận khoán, bảo vệ rừng.
“Chúng tôi đánh giá rất cao những buổi truyền thông như thế này. Qua đây, các em học sinh sẽ hiểu thêm về vai trò của rừng. Các em sẽ là người trực tiếp tuyên truyền cho cha mẹ và người thân không chặt, đốt, phá rừng, săn bắt động vật hoang dã và tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ rừng, góp phần rất lớn trong công tác vận động người dân nhận khoán bảo vệ rừng tại địa phương”-ông Vân kỳ vọng.
Trao đổi với P.V, ông Lương Đình Trọng-Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh-khẳng định: Việc giáo dục học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường về bảo vệ rừng là rất quan trọng. “Khi các em học sinh có ý thức thì sẽ lan tỏa thông điệp bảo vệ rừng đến gia đình và cộng đồng. Đó là lý do chúng tôi phối hợp với các trường học tại các địa phương xây dựng hoạt động ngoại khóa với nhiều nội dung liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng”-ông Trọng nhấn mạnh.
MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.
“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.