Cùng tướng đi tìm mộ binh nhì

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trận đánh trại biệt kích Ka Nak đêm 7-3-1965 có thể coi là khúc bi tráng của lực lượng vũ trang Quân khu 5. Căn cứ biệt kích Ka Nak nằm trong lòng thị trấn Ka Nak, huyện Kbang ngày nay. Với vị trí tiền đồn, là điểm xuất phát để đánh phá căn cứ ta, cắt đường giao liên Gia Lai-Bình Định, địch bố trí tại đây 1 tiểu đoàn biệt kích gồm 450 tên trên một hệ thống điểm cao kéo dài gần 500 m. Các điểm cao này đều có lô cốt cố thủ 2 tầng, lỗ châu mai; có đường hầm lộ thiên và ngầm dẫn về trung tâm.
Để nhổ cái gai cắm sâu này, ta dùng lực lượng Tiểu đoàn 409, Trung đoàn Bộ binh 10 (thiếu 1 tiểu đoàn) cùng 1 trung đội đặc công của tỉnh Bình Định và một số đơn vị bộ đội địa phương Gia Lai. 23 giờ 30 phút đêm 7-3-1965, các mũi tiến công của ta tiếp cận mục tiêu và đồng loạt nổ súng. Trận đánh diễn ra gay go, quyết liệt. Ta gây cho địch thiệt hại lớn song cái giá phải trả cũng quá đắt: khoảng 300 cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Sau trận đánh, chỉ có gần 50 liệt sĩ được đưa về chôn cất gần suối Đak Chpé, còn lại bị địch gom đem chôn vào ngôi mộ chung đâu đó nhưng ta hoàn toàn chưa có thông tin.
Tháng 4-2002, Kbang đại hạn. Khoảng không vời vợi không một gợn mây. Nhóm khởi xướng tìm kiếm hài cốt liệt sĩ gồm Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh-nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Thiếu tướng Châu Khải Địch-nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 5; Đại tá Nguyễn Trọng Ẩm, Trung tá Nguyễn Ngọc Bình… và một số cựu chiến binh từng tham gia trận tấn công căn cứ biệt kích Ka Nak. Đã 74 tuổi nhưng Thiếu tướng Châu Khải Địch trông còn rắn rỏi hơn tất cả các cựu chiến binh còn lại. Vẫn trong vai trò của một vị tướng, ông “bày binh bố trận” cho từng nhóm, từng người; hỏi han cặn kẽ từng nhân chứng… Khu vực suối Đak Chpé, nơi chôn cất 50 liệt sĩ ngày đó còn nguyên vẹn một cánh rừng già. Bà con Bahnar các làng quanh đây đều cho là rừng thiêng, không một ai chặt cây làm rẫy.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Tuy vậy, 37 năm đã trôi qua, quãng thời gian ấy đủ để một thân cây nhỏ trở thành cổ thụ. Hơn nữa, bấy giờ để giữ bí mật, ta phải xóa toàn bộ dấu vết sau khi chôn cất. Vậy là, mọi dấu hiệu khả nghi trên mặt đất đều phải đào lên. Rễ cây rừng chằng chịt, tiếng cuốc bổ xuống nghe như bổ vào nệm bông. Từng đám ruồi vàng, bọ mắt túa đến bám dày trên lưng áo anh em du kích. Đại tá Nguyễn Trọng Ẩm kể với giọng bùi ngùi: “Trước lúc vào trận đánh, du kích và dân công được lệnh đào sẵn 120 huyệt. Chiến tranh thì phải vậy thôi, tránh sao được mất mát. Thế nhưng rốt cục thì chúng ta chỉ đưa về được 50 liệt sĩ. Trong 8 liệt sĩ do chính tay mình chôn, tôi nhớ có anh Ngô Trần Đãi là Chính trị viên Tiểu đoàn”. Trung tá Trần Duy Trung rưng rưng xen vào: “Lúc đó, điện thoại gọi tới, tôi cầm lên nghe thì một quả đạn cối nổ ngay trước mặt. Anh Đãi kêu lên: “Trung, tao bị thương rồi”. Tôi nhào tới. Anh Đãi bị mảnh đạn xé rách bụng, ruột bung ra. Tôi cởi áo buộc lại rồi cõng anh bò đi… Lúc chôn cất anh, tôi nhớ có cả khẩu súng ngắn. Giá có máy dò mìn, biết đâu sẽ tìm được chỗ anh nằm”.  
1, 2 rồi 3 ngày tìm kiếm cật lực nhưng vô vọng. Cũng có lúc mọi người đã mừng hụt vì một vài dấu hiệu để rồi sau đó đăm chiêu, buồn bã hơn. Không biết bao lần mọi người thắp hương khấn vái: “Các anh có linh thiêng thì báo cho chúng tôi biết chỗ để đưa các anh về. 37 năm các anh nằm lại giữa rừng, lạnh lẽo lắm rồi!”. Buồn hơn tất cả vẫn là 2 vị tướng già. Ngay hôm đầu tiên tìm kiếm không có kết quả, các ông đã biếng ăn hẳn. Tối xem ti vi đến hết chương trình rồi vẫn không ngủ được. Tôi hiểu cái gánh tâm linh trong các ông nặng lắm, không cởi ra được, không ai hiểu cho hết được. Thì cũng đã truy hết cõi nhớ, hết những gì từ các cuộc kiếm tìm đồng đội trước. Quãng thời gian 37 năm quá là nghiệt ngã. Các vị tướng, tá đành ngậm ngùi cho tổng kết và đề ra phương hướng kiếm tìm cho lần sau. “Ngày 30-4 sắp đến rồi, giá mà…”-một người bỏ lửng câu nói. Bắt tay tạm biệt, tôi biết có những giọt nước mắt mà họ đang cố nén trong lòng. Có lẽ với lớp con cháu, các ông chỉ muốn nhìn thấy nụ cười hơn là nước mắt…
Hiện nay, hầu hết liệt sĩ hy sinh trong trận chiến oanh liệt ấy đã được quy tập. Đền tưởng niệm các liệt sĩ cũng đã được khánh thành từ dịp kỷ niệm 27-7-2019. Những vị tướng lừng lẫy một thời cũng đã quy tiên. Nhắc lại cuộc tìm kiếm 18 năm về trước ấy chỉ để nói một điều: Tình đồng đội trong người lính thật là cao cả. Chắc chỉ Quân đội nhân dân Việt Nam mới có việc tướng đi tìm mộ binh nhì cảm động và thiêng liêng như thế!   
NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.
Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

(GLO)- Cách TP. Pleiku chừng 15 km, vườn nho Gia Lai (ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) của anh Đặng Đại Dương đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên và đón khách đến tham quan, trải nghiệm.
Pleiku lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện

Pleiku lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện

(GLO)- Hưởng ứng phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN) với thông điệp "Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại", nhiều người dân ở TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã tích cực tham gia HMTN. Việc làm của họ đã góp phần đáp ứng nhu cầu máu cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân.