Gia Lai phấn đấu đến năm 2025 có 120 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 15-9, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên có buổi làm việc với tập thể lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT về tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành giai đoạn 2016-2020 và định hướng các năm tiếp theo. Cùng dự có lãnh đạo các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Nội vụ, Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ. 

Báo cáo với lãnh đạo UBND tỉnh, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Trong giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của ngành Nông nghiệp và PTNT đạt 5,06%; tốc độ tăng giá trị sản xuất trồng trọt đạt 4,36%/năm; tổng giá trị sản xuất trồng trọt đạt 114.284 tỷ đồng; tổng diện tích rừng trồng được 25.271 ha (đạt 276,5% so với kế hoạch); tái canh cà phê được hơn 12.496 ha (đạt 91,8% kế hoạch); tổng diện tích cây trồng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance và hữu cơ được hơn 42.803 ha và có hơn 28.130 ha cây trồng được ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước...

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Lê Nam
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: Lê Nam


Cũng theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 42 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP và phấn đấu đến cuối năm 2020 có 50 sản phẩm OCOP. Hiện toàn tỉnh có 226 hợp tác xã nông nghiệp; 70 xã đạt chuẩn nông thôn mới và phấn đấu đến cuối năm 2020 có thêm 27 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 6 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới là Kbang và Đak Pơ. Riêng thị xã An Khê đã được UBND tỉnh trình Bộ Nông nghiệp và PTNT thẩm định, xét đề nghị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019; thị xã Ayun Pa đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị Trung ương thẩm định hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2019. Ngoài ra, thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đến nay, toàn tỉnh có 41 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới và phấn đấu đến cuối năm có thêm 85 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới.

Đồng thời, ngành Nông nghiệp và PTNT của tỉnh đề ra mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 phấn đấu đạt tốc độ tăng bình quân 5,99%. Đến năm 2025, ổn định diện tích gieo trồng khoảng 527.350 ha cây trồng các loại; 98% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; độ che phủ rừng đạt 47,75% và trồng rừng hàng năm khoảng 8.000 ha; toàn tỉnh có 120 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; toàn tỉnh có 250 sản phẩm OCOP…    
 
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nhấn mạnh: Gia Lai có thế mạnh trong phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, những năm qua, ngành nông nghiệp chưa làm tốt việc triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; còn để xảy ra tình trạng rừng bị xâm hại; công tác quản lý, khai thác các công trình thủy lợi chưa đạt yêu cầu, còn để xảy ra tình trạng hạn hán trên cây trồng; còn xảy ra tình trạng sâu bệnh hại trên cây trồng và dịch bệnh trên đàn vật nuôi; công tác kiểm soát, kiểm tra tình hình vi phạm trong ngành chưa thực hiện tốt…

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh thời gian tới cần khắc phục những tồn tại, hạn chế. Đồng thời, cần tổ chức bộ máy, bố trí lại vị trí việc làm sao cho hợp lý để từng bước vực dậy sự phát triển của ngành. Tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó tập trung thực hiện tốt các đề án bảo tồn và phát triển cây dược liệu, đề án phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả, đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển các loại cây trồng chủ lực của tỉnh. Nâng cao công tác quản lý các công trinh thủy lợi để phát huy tốt hiệu quả tưới tiêu cho cây trồng. Tập trung xây dựng nông thôn mới, nhân rộng các mô hình liên kết hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong quản lý bảo vệ rừng. Tập trung nâng cao độ che phủ rừng và tạo ra sinh kế từ rừng thì sẽ làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng…

LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.
“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.