Chuyện học tập, quán triệt nghị quyết trong kháng chiến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ V diễn ra từ ngày 23 đến 30-10-1973 tại Khu căn cứ K10 (nay là xã Krong, huyện Kbang). Đại hội tập trung đánh giá những thành tựu và ưu-khuyết điểm về sự lãnh đạo của Đảng bộ nói chung và của Tỉnh ủy nói riêng trong nhiệm kỳ IV, nhất là sau khi có Hiệp định Paris về hòa bình ở Việt Nam (27-1-1973). Trên cơ sở đó, Đại hội đề ra nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cho giai đoạn cách mạng hiện thời và những năm tiếp theo.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ V nêu rõ: “Đẩy mạnh tiến công và nổi dậy bằng 3 mũi giáp công, kiên quyết đánh bại một bước quan trọng kế hoạch “bình định, lấn chiếm” của địch, đẩy địch lún sâu vào thế bị động và suy yếu hơn nữa, mở rộng vùng giải phóng, làm chủ vùng tranh chấp, đưa phong trào vùng địch hậu lên một bước cao hơn, nhằm làm rối loạn hậu phương của địch...” (Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai (1945-2005), Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia-2009).
Nghị quyết cũng nhấn mạnh: “...Tăng cường xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng làng, xã chiến đấu, củng cố tổ chức các đoàn thể chính trị-xã hội; nhất là về công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ; đặc biệt chú ý đến công tác cán bộ hoạt động hợp pháp trong vùng địch hậu như thị xã Pleiku, quận lỵ An Khê”. Nghị quyết nêu cô đọng những vấn đề trọng yếu, dễ nhớ và được triển khai học tập, quán triệt đến đảng viên và quần chúng trong toàn Đảng bộ.
Thời điểm bấy giờ, tôi là đảng viên sinh hoạt ở Chi bộ Văn phòng K8 (thị xã An Khê ngày nay). Sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ V, Ban cán sự Đảng K8 đã ra Nghị quyết cụ thể hóa nhiệm vụ chung của toàn tỉnh sát hợp với tình hình của địa phương, như việc tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đến quần chúng, xây dựng thực lực cách mạng, đẩy mạnh đấu tranh chính trị... trong cả vùng nông thôn và đô thị, chú trọng công tác binh địch vận, tổ chức đánh địch theo “chiến thuật” du kích, diệt ác, trừ gian...
Đặc biệt, Nghị quyết rất quan tâm đến việc chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho công tác tiếp quản, xây dựng chính quyền mới sau giải phóng: “...Xây dựng Đảng bộ vững mạnh, trong sạch về chính trị, vững vàng về tư tưởng, chặt chẽ về tổ chức, hết sức chú ý công tác đào tạo cán bộ, phát triển đảng viên mới...” (Lịch sử Đảng bộ thị xã An Khê (1945-2005), Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia-2010).
Ảnh minh họa: Internet
Một góc Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh Gia Lai tại xã Krong, huyện Kbang. Ảnh: Internet
Chi bộ của chúng tôi tổ chức học tập, quán triệt các nghị quyết nêu trên trong... 5 ngày. Từng nội dung một, chúng tôi sau khi nghe Bí thư chi bộ truyền đạt đã dành thời gian để thảo luận. Tất cả đảng viên đều phát biểu ý kiến, nêu rõ nhận thức của mình về nhiệm vụ chung và nhiệm vụ mà từng người được phân công. Không lý luận dông dài, ai cũng nói lên tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của mình, liên hệ với những ưu-khuyết điểm, hướng khắc phục của từng cá nhân. Những đảng viên “có vấn đề” về tư tưởng, qua học tập, quán triệt nghị quyết và tự liên hệ bản thân cũng đã chân thành, nghiêm túc tự kiểm điểm và nêu biện pháp khắc phục trước tập thể chi bộ.
Câu nói “tư tưởng không thông, mang bi đông cũng nặng” lưu truyền thời ấy là không sai. Vì vậy, việc học tập, quán triệt nghị quyết, nâng cao nhận thức, kiên định về lập trường tư tưởng, lòng dũng cảm quyết tâm nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu, công tác, khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, không ngại hy sinh... trong cán bộ, chiến sĩ, đảng viên lúc bấy giờ rất được quan tâm chú ý. Sau mỗi đợt học tập nghị quyết nói riêng, “chỉnh huấn” nói chung, cán bộ, đảng viên như được tiếp thêm sức mạnh, củng cố niềm tin vào chiến thắng Mỹ-ngụy, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Điều ấy thể hiện rõ trong các bản viết thu hoạch sau học tập nghị quyết của từng người.
Chuyện học tập, quán triệt nghị quyết trong cán bộ, đảng viên và quần chúng ngày nay cũng cần được hết sức chú trọng. Thiển nghĩ, thời nào thì việc học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ và khả năng tiếp thu, nhận thức về tư tưởng, kiên định về lập trường giai cấp như quy định của Điều lệ Đảng trong cán bộ, đảng viên cũng rất cần thiết, nếu không muốn nói rằng đây là nhiệm vụ có tính quyết định sự thành bại trong công tác tổ chức, cán bộ của Đảng!
 ĐOÀN MINH PHỤNG

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.