Pleiku: Những con đường thơ mộng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Pleiku một thời là phố của những ngã ba. Ngã ba Diệp Kính, ngã ba Phù Đổng, ngã ba Hoa Lư... Bây giờ thì đã đổi khác. Đường lớn hơn, láng hơn, có nhiều ngã rẽ hơn.
Dù hiện đại, rộng rãi, thoáng đãng hơn, nhưng những mặt đường Pleiku vẫn cứ uốn lượn quanh co như thuở ban đầu khai lập nên đất này. Những con đường lên xuống tình tứ. Những con dốc nối bao lòng thung mượt mà như dải lụa mềm trong gió đại ngàn cao nguyên.
Khi chưa đặt chân đến Pleiku, tôi đã đọc, đã nghe đến những câu thơ rất đỗi thân thương về Phố núi: “Anh khách lạ đi lên đi xuống”, “Đi dăm phút đã về lối cũ” mà mường tượng về một Pleiku nhỏ bé chật hẹp, lên dốc xuống thung. Và quả là như thế. Pleiku đẹp mộng mơ nhờ những con dốc lên xuống loanh quanh ấy. Phố không mấy ô bàn cờ như mặc định đâu đó. Pleiku nao nao lên xuống vòng vèo khúc khuỷu mà gần gụi thân thương...
Đơn cử như đường Hùng Vương từ ngã ba Phù Đổng chạy dọc xuống thung lũng Hội Phú rồi bất ngờ vút lên tới ngã ba Diệp Kính náo nhiệt bậc nhất Pleiku, như một cánh võng Trường Sơn, lượn quanh một vòng đến con dốc Nguyễn Văn Cừ, qua đồi 37 Pháo binh tới đỉnh cao Pleiku. Đường Nguyễn Tất Thành như một cánh võng lớn vắt qua sườn Đông thành phố, tấp nập người xe lên xuống. Đường Phạm Văn Đồng như một điện tâm đồ khổng lồ vắt qua Pleiku biết bao nhiêu cung bậc cảm xúc. Từ nhấp nhô lên xuống trong lòng phố, về hướng Bắc qua đoạn bằng phẳng của đồng ruộng ngoại ô, đến những con dốc thoai thoải qua làng Kép. Bất chợt gặp thung lũng Biển Hồ xanh mướt một màu huyền thoại, trầm mặc cổ tích... Chạy xe trên con đường này, có cảm giác đang đi trên một sa hình được lập trình với nhiều cung bậc nhịp độ nhanh chậm lên xuống đầy bất ngờ hứng thú. 
Con đường thông xanh dẫn xuống Biển Hồ (TP. Pleiku). Ảnh: INTERNET
Con đường thông xanh dẫn xuống Biển Hồ (TP. Pleiku). Ảnh: INTERNET
Một con đường ấn tượng đặc sắc là đường Tô Vĩnh Diện, chênh vênh bên những miệng núi lửa sâu hoắm, lãng mạn mơ hồ lượn sóng, bất chợt đổ xuống khúc quanh dốc thoai thoải bên một miệng núi lửa tròn vành vạnh hun hút. Con dốc này có lẽ đẹp nhất Pleiku, dân gian gọi là dốc tình yêu, vì nơi này đêm đêm có nhiều cặp hẹn hò bên những vạt dã quỳ phất phơ trên miệng núi lửa triệu triệu năm xa vãng. 
Con đường được nhiều người thích nhất, có lẽ là đường Trần Hưng Đạo, dài tầm 2 km. Đây là sự nhấn nhá nét phố thị đồng bằng ngay trong lòng Phố núi, bằng phẳng và thẳng tắp. Đường lại nằm ở trung tâm phố, chạy qua Quảng trường Đại Đoàn Kết thoáng đãng với các cụm tượng đài, nhà trưng bày, vườn cây, hoa viên. Ngày trước, đường Trần Hưng Đạo được trồng khá nhiều thông, cây long não, cây muồng hoa vàng; nay lại được  trồng thêm cây rừng di thực như hương, trắc, bằng lăng...
Về phía Nam, đường phố mượt mà trườn lên con dốc Hàm Rồng, mùa khô rợp sắc dã quỳ, mùa mưa lãng đãng sương trắng khuya sớm giăng ngang đỉnh dốc. Đi về hướng Đông, đường Lê Duẩn thênh thênh nhẹ xuôi về An Phú-Đồng Xanh, mở ra tầm nhìn xanh mướt, đầy sức sống. Hướng Đông-Tây, đường Phan Đình Phùng mang một dáng vẻ khác. Con đường tựa bên một mái phố, ôm vòng lấy lòng thung xa ngời sắc lúa. Bất ngờ qua một con dốc ngắn như một điểm nhấn cung bậc của đất trời. Xa hơn, nhấn nhá thêm vài nhịp lên xuống là chiếc cầu treo nhỏ vắt qua thung lũng, nối với đồi thông đầy vẻ hoang sơ. Đây có lẽ là chiếc cầu dài nhất, đẹp nhất Pleiku. Cả vùng đồi ngoại ô hai bên con đường miên man cỏ lá đưa những ai muốn thư thái với cảm giác phiêu du giữa cao nguyên lồng lộng gió trời.
Điểm qua chỉ một vài con đường vậy, cũng thấy bao nhiêu điều rất riêng. Rất Pleiku. Những con đường uốn lượn, lên xuống với bao nhiêu cung bậc cảm xúc khi được thả mình trôi theo miên man vòng vèo Phố núi. Pleiku mang vẻ đẹp mộng mơ huyền ảo từ những dốc, những đồi, những thung lũng, những khe suối, những miệng núi lửa trầm mặc đơn hoang. Đáng tiếc, ngày nay, nhiều người xây dựng không thấu hết vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng, đã cất công đào xúc, san lấp, rồi xây kè bồi đắp những thửa đất có thế chênh vênh gập ghềnh, để làm những cái nền nhà đắt hơn cả nhà, vừa tốn kém, vừa mất mỹ quan, không thuận theo tự nhiên.
PHẠM ĐỨC LONG

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.