Chư Pưh ưu tiên phát triển nông nghiệp và năng lượng tái tạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lời Tòa soạn: Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) đã nêu cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu và đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Nhân dịp Đảng bộ huyện tiến hành Đại hội lần thứ X (nhiệm kỳ 2020-2025), P.V Báo Gia Lai điện tử đã có cuộc phỏng vấn ông Huỳnh Minh Thuận-Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy về những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua và định hướng nhiệm vụ giai đoạn tới.

* P.V: Ông có thể cho biết những kết quả nổi bật của Đảng bộ huyện trong lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội nhiệm kỳ 2015-2020?
 

Ông Huỳnh Minh Thuận. Ảnh: Đ.T
Ông Huỳnh Minh Thuận. Ảnh: Đ.T

- Ông HUỲNH MINH THUẬN: Với tinh thần đoàn kết, thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Chư Pưh đã không ngừng phấn đấu, phát huy nội lực, sử dụng hiệu quả các nguồn đầu tư, kịp thời khắc phục những khó khăn. Nhờ đó, 5 năm qua, huyện đã đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội.

Trong đó, tốc độ tăng giá trị sản xuất (theo giá so sánh năm 2010) bình quân đạt 8,23%; tổng giá trị sản xuất đạt 3.617,9 tỷ đồng (tăng 2,8 lần so với đầu nhiệm kỳ); cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp-xây dựng, thương mại-dịch vụ. Đến cuối năm 2020, tỷ trọng ngành nông-lâm nghiệp-thủy sản chiếm 44,7%, công nghiệp-xây dựng chiếm 30,9%, thương mại-dịch vụ chiếm 24,4%. Tổng thu ngân sách bình quân giai đoạn 2015-2020 đạt trên 328 tỷ đồng (tăng 44,9% so với năm 2015); thu nhập bình quân đầu người đạt 42,86 triệu đồng/năm (tăng 6,76 triệu đồng so với năm 2015).

Đặc biệt, lĩnh vực nông nghiệp đã phát huy được thế mạnh với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, góp phần vào công tác giảm nghèo của địa phương, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai với 4 sản phẩm được tỉnh xếp hạng đạt 3 sao. Từng bước xây dựng cánh đồng lớn gắn với phát triển chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm đạt những kết quả tích cực. Tập trung tuyên truyền chuyển đổi diện tích hồ tiêu bị chết sang cây trồng khác được 1.772,11 ha (trong đó, cây ăn quả 609,83 ha, cà phê 177,3 ha, điều 48 ha, chanh dây 58,2 ha, cây trồng khác 878,78 ha).

Chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại, gia trại. Tổng đàn gia súc 71.412 con (tăng 70,76% so với năm 2015), góp phần tăng tỷ trọng chăn nuôi trong ngành nông nghiệp. Một số mô hình chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ đã mang lại hiệu quả khi áp dụng công nghệ cao gắn với xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng-chống dịch bệnh.

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được triển khai quyết liệt, đồng bộ. Với tổng nguồn vốn huy động đầu tư hơn 2.569 tỷ đồng (trong đó nhân dân đóng góp gần 83 tỷ đồng), đến cuối năm 2020, huyện có 6 xã và 6 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới. Cơ sở hạ tầng giao thông được mở rộng, kết nối thông suốt, thuận tiện cho việc đi lại.

Bên cạnh đó, huyện đã chủ động triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển. Toàn huyện có 75 doanh nghiệp (tăng 36 doanh nghiệp so với năm 2015) và 24 hợp tác xã đang hoạt động góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Thời gian qua, huyện còn tổ chức nhiều hội thảo kêu gọi đầu tư, liên kết chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, điện năng, ký kết các bản ghi nhớ đầu tư vào địa bàn với tổng vốn trên 16.000 tỷ đồng.

 Cơ sở hạ tầng giao thông, bộ mặt nông thôn huyện Chư Pưh ngày càng khởi sắc. Ảnh: NGỌC THU
Diện mạo nông thôn huyện Chư Pưh ngày càng khởi sắc. Ảnh: Ngọc Thu


Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2020, toàn huyện có 17/35 trường đạt chuẩn quốc gia (vượt 20% so với chỉ tiêu Nghị quyết). Huyện cũng đã đầu tư 81,867 tỷ đồng để xây dựng 2 nhà đa năng, 7 nhà hiệu bộ, 2 nhà bộ môn, 1 trường phổ thông dân tộc bán trú, 88 phòng học đi kèm 1.760 bộ bàn ghế. Ngoài ra, xây dựng 3 bể bơi thông minh, mua sắm trang-thiết bị cho 10 trường mẫu giáo.

Chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ và kịp thời, nhất là chính sách cho các đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ khó khăn. Công tác giảm nghèo đạt kết quả tích cực, số hộ nghèo giảm từ 4.218 hộ năm 2015 xuống còn 1.155 hộ (chiếm 6,8%) cuối năm 2019, dự kiến đến cuối năm 2020 còn 5,1%. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được chú trọng, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho 1.020 người (tăng 10,87% so với Nghị quyết). Chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được triển khai đồng bộ, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Quốc phòng-an ninh được giữ vững, hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở ngày càng vững mạnh.

* P.V: Bên cạnh quan tâm phát triển kinh tế-xã hội, nhiệm kỳ qua, Đảng bộ huyện còn chú trọng công tác xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Những kết quả cụ thể trong công tác này là gì, thưa ông?

- Ông HUỲNH MINH THUẬN: Nhiệm kỳ qua, Đảng bộ huyện thường xuyên quan tâm công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, xây dựng Đảng vững mạnh trên các mặt: chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Trong đó, việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên đã trở thành nội dung sinh hoạt chính trị sâu rộng trong các tổ chức Đảng và các tầng lớp nhân dân. Từ đó, tạo niềm tin và sự chuyển biến tích cực trong Đảng và toàn xã hội; lề lối, tác phong công tác và thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp từng bước được nâng lên.

Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng được chú trọng. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Đảng được tiến hành đồng bộ, toàn diện theo đúng nguyên tắc, phương pháp; việc thi hành kỷ luật Đảng thực hiện đúng phương châm, nguyên tắc, thủ tục. Công tác giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo đảm bảo kịp thời. Kết quả hoạt động kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng đã góp phần tích cực trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên.

Những năm qua, huyện đã tích cực đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Việc sáp nhập các thôn, làng, cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập không đủ điều kiện, tiêu chí được tiến hành theo đúng quy trình, quy định. Kịp thời ban hành các văn bản cụ thể hóa các quy định của cấp trên về công tác cán bộ; việc đánh giá cán bộ, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử đối với các chức danh cán bộ lãnh đạo được thực hiện theo đúng quy trình, quy định. Công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp huyện và cơ sở được thực hiện đảm bảo về số lượng, chất lượng, dân chủ, công khai, cơ cấu hợp lý. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ được quan tâm chỉ đạo chặt chẽ. Việc thực hiện chính sách và chăm sóc sức khỏe đối với cán bộ thường xuyên được triển khai thực hiện.

Công tác phát triển đảng viên, xây dựng chi bộ có chi ủy được chú trọng. Nhiệm kỳ qua, Đảng bộ huyện đã kết nạp được 517 quần chúng ưu tú vào Đảng, đạt 110,94% so với chỉ tiêu Nghị quyết; xây dựng được 55/73 chi bộ thôn, làng có chi ủy, đạt 251% so với chỉ tiêu Nghị quyết. Đến nay, Đảng bộ huyện có 1.561 đảng viên thuộc 39 chi bộ, Đảng bộ cơ sở trực thuộc.

Trung tâm hành chính huyện Chư Pưh. Ảnh: Đ.T
Trung tâm hành chính huyện Chư Pưh. Ảnh: Đức Thụy


* P.V: Để đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, Đảng bộ huyện đề ra chủ trương, giải pháp chủ yếu nào, thưa ông?

- Ông HUỲNH MINH THUẬN: Nhiệm kỳ tới, Đảng bộ huyện tập trung phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, khai thác triệt để những tiềm năng, thế mạnh hiện có, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư để tiếp tục đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế-xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững. Gắn phát triển kinh tế-xã hội với bảo đảm sự ổn định về quốc phòng-an ninh; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phấn đấu sớm đưa Chư Pưh phát triển nhanh, bền vững.

Trong đó, huyện định hướng tập trung nguồn lực để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, hình thành các chuỗi giá trị gia tăng trong sản xuất; đẩy mạnh phát triển nông hội, hợp tác xã kiểu mới; thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Đồng thời, nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý quy hoạch và thu hút đầu tư các dự án năng lượng tái tạo gắn với xây dựng trung tâm năng lượng tái tạo, cụm công nghiệp, nhà máy chế biến nhằm phát huy lợi thế địa phương.

Tập trung nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số cải cách hành chính gắn với xây dựng thành công mô hình chính quyền điện tử 2 cấp. Ngoài ra, tập trung nguồn lực xây dựng và phát huy lợi thế hồ thủy lợi Plei Thơ Ga; chú trọng phát triển nông nghiệp gắn với phát triển khu du lịch sinh thái theo chuỗi hồ thủy lợi Plei Thơ Ga, thác Ia Nhí và núi Chư Don.

Bà con xã Ia Blứ (huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) thu hoạch cà phê. Ảnh: Đ.T
Người dân xã Ia Blứ (huyện Chư Pưh) thu hoạch cà phê. Ảnh: Đức Thụy


Phát huy truyền thống cách mạng và những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc huyện Chư Pưh sẽ nêu cao tinh thần đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới, phát triển, nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức, tranh thủ các nguồn lực, quyết tâm thực hiện thắng lợi toàn diện các nhiệm vụ, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X đề ra.

* P.V: Xin cảm ơn ông!

 NGỌC SANG-NGUYỄN GIANG (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.
“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.