Xin đừng cực đoan tiếc nuối!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mấy hôm nay, một số người chia sẻ nhiều tấm ảnh gợi nhớ về thời xa cũ đã qua, trong đó, 3 bức ảnh gồm: Biệt Điện Pleiku, Hội quán Phượng Hoàng và am Bà nhận được nhiều sự “nuối tiếc” hơn cả. Cư dân Pleiku trong 2 thập niên 60, 70 của thế kỷ trước ít nhiều đều có một phần ký ức dành cho 3 địa điểm này. Tôi cũng thế, kỷ niệm cứ theo tuổi lớn mà gắn vào mỗi nơi. Nhưng thiển nghĩ, có những chuyện xưa nên đưa hẳn vào ký ức, bởi sự tiếc nuối một cách cực đoan là không cần thiết.
Còn nhớ, thuở còn học sinh trung học đệ nhất cấp (THCS bây giờ), lũ chúng tôi đã không tài nào đếm được bao nhiêu nải chuối, bao nhiêu trái cây các loại đã bị “nẫng” rất liều lĩnh, táo bạo từ am Bà, một ngôi đền tọa lạc giữa ngã ba Trịnh Minh Thế và Phó Đức Chính (nay là đường Trần Hưng Đạo và Nguyễn Văn Trỗi).
Sau này mở đường Nguyễn Văn Trỗi-Trần Phú nối dài thì thành ngã tư; vị trí am Bà nằm ngay vòng xoay ngã tư này, chính cổng trụ sở Công ty Xổ số kiến thiết tỉnh. Am Bà là nơi thờ tự đầy chất mê tín dị đoan với các buổi lên đồng (hầu đồng) hàng ngày. Thành phần tham gia đa dạng nhưng chiếm phần lớn là vợ sĩ quan, công chức chế độ cũ và các thương nhân. 
Lên trung học đệ nhị cấp (THPT), 2 năm liền tôi tham gia sinh hoạt hướng đạo. Nơi chúng tôi tụ tập mỗi cuối tuần cùng với các hội đoàn khác như gia đình phật tử, Thanh sinh công là khuôn viên Biệt Điện, bây giờ là trụ sở Tỉnh ủy.
Biệt Điện là một dinh thự đẹp của Pleiku vào thời ấy. Đây là một tác phẩm của kiến trúc sư nổi tiếng Ngô Viết Thụ-người đã đoạt giải “Khôi nguyên La Mã” năm 1955, là tác giả nhiều công trình kiến trúc hiện đại như Giảng đường Phượng vĩ-Đại học Nông Lâm, Dinh Độc Lập, chợ Đà Lạt, Trường Đại học Nông nghiệp Sài Gòn, Viện Đại học Huế, Trường Đại học Y khoa Sài Gòn...
Dân Pleiku kháo nhau đây là nhà nghỉ của Cựu hoàng Bảo Đại mà không hề có minh chứng xác thực nào. Dựa theo cột mốc thời gian và dữ liệu thực tế thì điều này không chính xác. Theo tiểu sử, ông Ngô Viết Thụ từ Ý về Việt Nam làm việc vào năm 1960 nên khó có thể thiết kế và xây dựng tòa nhà này cho ông Bảo Đại-người đã chấm dứt vai trò Quốc trưởng Việt Nam vào năm 1955. Điều này phù hợp với bản liệt kê 7 dinh thự của Cựu hoàng trong cả nước (không có Biệt điện Pleiku).
Địa điểm này chính xác là tòa nhà công vụ của chính quyền Pleiku cũ, được sử dụng làm nơi ở cho các nhân vật quan trọng khi đến địa phương. Như vậy, giá trị của tòa nhà nằm ở chỗ đây là tác phẩm kiến trúc của một nhân vật nổi danh.
Ảnh minh họa: INTERNET
Ảnh minh họa: INTERNET
Khi đã là sinh viên theo học ở Sài Gòn, mỗi lần về Phố núi, thỉnh thoảng tôi lại được kéo đến “quẩy” ở Hội quán Phượng Hoàng, nằm ngay góc Quang Trung-Hai Bà Trưng bây giờ. Đây là một câu lạc bộ nhạc sống, vũ trường dành cho quan chức giải trí hàng đêm, phía bên phải là quán cà phê Tâm Giao sang trọng, chủ ở tận Sài Gòn ra đấu thầu, nhưng chắc không hợp với style cà phê của dân tình hồi đó nên khá vắng khách. Hội quán Phượng Hoàng được xây dựng theo kiểu tiền chế, hiện không còn tàn tích gì nữa, thay vào đó là một công viên nhỏ với nhiều dụng cụ thể dục thể thao nhằm phục vụ nhu cầu thư giãn, luyện tập của đại đa số người dân thành phố.
Nhiều người đã bày tỏ tâm trạng tiếc nuối, thậm chí bực dọc về sự biến mất của các địa điểm trên. Tôi hoàn toàn thông cảm vì ai mà chẳng có ít nhiều kỷ niệm gắn liền với nơi chốn đã từng qua, từng sống. Một tàng cây trú bóng, một khúc quanh đầy cỏ hoa trên đường tan trường... cũng có thể trở nên thân thiết trong ký ức, huống gì những nơi đã chứng kiến sự trưởng thành trong một giai đoạn nào đó của đời người.
Nhưng đòi hỏi mọi thứ phải được giữ y nguyên, bất chấp thời gian, bất chấp xu thế đi lên và hoàn thiện của cộng đồng là vô cùng ích kỷ. Có người gay gắt phê phán việc xóa bỏ Biệt Điện là phủ nhận lịch sử, tiếc thay thật khó xác định cái giá trị lịch sử của dinh thự này. Am Bà có cần giữ lại để trở thành một nút thắt trong sự phát triển đô thị? Và, một hội quán mang tính câu lạc bộ nếu giữ lại cũng không thể trở thành địa điểm có ý nghĩa hơn một công viên dành cho cộng đồng.
Nhớ thì vẫn cứ nhớ, bản thân tôi cũng còn nhớ rất nhiều nơi ở Pleiku mà giờ đã không còn nữa. Nhưng hoàn toàn không tiếc.
NGUYỄN SƠN

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.