Phú Thiện ưu tiên nguồn vốn cho hộ dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai), hàng ngàn hộ nghèo dân tộc thiểu số có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo bền vững của địa phương.
Chồng mất, một mình nuôi 6 con đang tuổi ăn học nên cuộc sống của gia đình chị Ksor H’Thăk (tổ 3, thị trấn Phú Thiện) trước đây rất khó khăn. Cuối năm 2017, chị được Chi hội Phụ nữ tổ dân phố tạo điều kiện cho vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn ủy thác của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện. Có vốn trong tay, được sự tư vấn của chị em trong chi hội, chị đã mua 2 con bò về nuôi. Cuối năm 2019, gia đình chị đã thoát nghèo.
Chị H’Thăk cho biết: “Từ 2 con bò ban đầu, nhờ chăm sóc tốt, giờ đây, gia đình tôi đã có 3 con bò với trị giá hơn 50 triệu đồng. Tôi rất vui vì có việc làm ổn định. Khi bò lớn, tôi sẽ bán bớt lấy tiền lo cho gia đình và dành dụm để trả nợ”.
Cũng nằm trong diện hộ nghèo, năm 2016, chị Rmah H’Biên được Chi hội Phụ nữ tổ 16 (thị trấn Phú Thiện) tạo điều kiện cho vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn ủy thác của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện để mua 2 con bò sinh sản về nuôi. Đến nay, đàn bò phát triển thành 5 con. Gia đình chị H’Biên có cuộc sống dần ổn định và là một trong những hộ tiêu biểu về sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả cao.
Chị H’Biên chia sẻ: “Cuối năm 2019, tôi đã bán bớt bò để trả hết nợ cho ngân hàng. Tôi dự định vay thêm vốn đầu tư trồng rau để nâng cao thu nhập cho gia đình, có thêm điều kiện nuôi con cái ăn học”.
Cán bộ ngân hàng giải ngân vốn tại điểm giao dịch thị trấn Phú Thiện. Ảnh: Phạm Ngọc
Cán bộ ngân hàng giải ngân vốn tại điểm giao dịch thị trấn Phú Thiện. Ảnh: Phạm Ngọc
Bà Trương Thị Thuận-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ tổ 3 (thị trấn Phú Thiện) cho hay: “Thời gian qua, chúng tôi đã đứng ra tín chấp cho hội viên dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Trên cơ sở nguồn vốn vay, chúng tôi tư vấn những mô hình, cây trồng, vật nuôi phù hợp nhất với các hộ để triển khai, phát huy hiệu quả. Nguồn vốn vay được giải ngân kịp thời, đúng đối tượng đã giúp nhiều gia đình hội viên có thêm điều kiện đầu tư sản xuất, cải thiện cuộc sống, từng bước thoát nghèo”.
Phú Thiện là huyện có hơn 60% dân số là người dân tộc thiểu số. Cùng với việc ưu tiên bố trí nguồn vốn vay ưu đãi cho các hộ dân tộc thiểu số, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện luôn chú trọng nâng cao chất lượng công tác ủy thác cho vay, đảm bảo đúng mục đích, góp phần chung sức cùng với các xã, thị trấn thực hiện đạt tiêu chí hộ nghèo và thu nhập trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
Ông Đinh Văn Chinh-Chủ tịch UBND thị trấn Phú Thiện-cho hay: “Thị trấn Phú Thiện có gần 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong những năm qua, nguồn vốn vay ưu đãi từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã góp phần đáng kể trong công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Năm 2016, số hộ nghèo chiếm trên 20% nhưng đến thời điểm này đã giảm xuống dưới 7%”.
Lãnh đạo Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Phú Thiện thăm hỏi chị Ksor H’Thăk (tổ 3, thị trấn Phú Thiện) về tình hình công việc sau khi vay vốn. Ảnh: Phạm Ngọc
Lãnh đạo Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Phú Thiện thăm hỏi chị Ksor H’Thăk (tổ 3, thị trấn Phú Thiện) về tình hình công việc sau khi vay vốn. Ảnh: Phạm Ngọc
Trao đổi với P.V, ông Hà Thái Dương-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện-cho biết: Thời gian qua, đơn vị luôn quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ vốn vay cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là những hộ nghèo, cận nghèo thông qua 179 tổ tiết kiệm và vay vốn được các tổ chức đoàn thể ủy thác như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên.
Hiện đơn vị đang quản lý 7.810 hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn với số tiền trên 297 tỷ đồng, trong đó có 4.816 hộ dân tộc thiểu số, chiếm 61,61%. Đến nay, tất cả các hộ dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo trên địa bàn huyện đều được chúng tôi giải quyết cho vay.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ vốn vay cho các hộ dân tộc thiểu số, trong đó ưu tiên những hộ ở vùng xa, vùng căn cứ cách mạng có nhu cầu vay vốn nhưng không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo để mở rộng sản xuất, phát triển kinh doanh, giải quyết việc làm. Qua đó, góp phần triển khai có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, chung tay hỗ trợ nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện”-ông Dương thông tin.
PHẠM NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.