Mang Yang: Dấu ấn một nhiệm kỳ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong 5 năm qua, diện mạo của huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) có nhiều khởi sắc, đặc biệt là cơ sở hạ tầng, sản xuất nông nghiệp và công nghiệp chế biến. Đó là kết quả của sự đoàn kết, nỗ lực và quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ, quân và dân huyện nhà.

Nông thôn khởi sắc

Làng Pờ Yầu (xã Lơ Pang) nằm chon von trên đỉnh núi, cách trung tâm xã chừng 7 km. Con đường độc đạo lên đỉnh Pờ Yầu vẫn là nỗi ám ảnh cho bất kỳ ai một lần đặt chân đến. Thế nhưng năm nay, con đường đất đá, dốc đứng, ngoằn ngoèo, trơn trượt ấy đã được bê tông hóa rộng rãi, sạch sẽ.

Ông Gép-Trưởng thôn Pờ Yầu-chia sẻ: “Ngày trước, từ trung tâm xã lên tới làng mất 2 giờ đồng hồ nhưng bây giờ thì chưa đầy 30 phút. Cũng nhờ con đường bê tông này mà làng Pờ Yầu không còn gọi là “ốc đảo”. Con đường mở ra cơ hội trong sản xuất, giao thương, từng bước xóa đói giảm nghèo”.

  Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang kiểm tra tiến độ xây dựng đường lên làng Pờ Yầu (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang). Ảnh: Q.T
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang kiểm tra tiến độ xây dựng đường lên làng Pờ Yầu (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang). Ảnh: Quang Tấn


Không chỉ có Pờ Yầu, nhiều công trình hạ tầng phục vụ an sinh xã hội cũng được xây dựng như: cầu qua sông Ayun, đường vào xã Đak Jơ Ta, đường liên xã Hà Ra-Đak Ta Ley-Lơ Pang... kéo gần các làng, xã vùng xa với trung tâm huyện. Cùng với đó, thị trấn Kon Dơng được quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị, xứng tầm trung tâm chính trị-kinh tế, văn hóa-xã hội của huyện. Nhiều tuyến đường nội thị, hệ thống điện chiếu sáng, điện trang trí, cấp thoát nước, công viên, vườn hoa, cây xanh cũng được xây mới, chỉnh trang, nâng cấp.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2015-2020 đạt 5.679 tỷ đồng, tăng bình quân 6%/năm. Cơ cấu đầu tư được bố trí hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng công trình được đảm bảo, ưu tiên các công trình phục vụ nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, y tế, công trình giao thông... góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế-xã hội.

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ 2015-2020, Huyện ủy Mang Yang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng xã nông thôn mới, làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, tổng nguồn vốn huy động từ các chương trình trên 262 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp ngày công quy ra tiền trên 2,8 tỷ đồng. Đến cuối năm 2020, toàn huyện có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 7 xã còn lại bình quân đạt 13,3 tiêu chí/xã và 6 làng đạt chuẩn nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Lê Trọng-Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mang Yang-nhận định: “Nhờ triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân mà cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội được đầu tư, nâng cấp, mở rộng ngày càng khang trang; nhiều mô hình sản xuất mới trong nông thôn được hình thành; đời sống người dân được cải thiện rõ rệt; diện mạo từ đô thị đến nông thôn có nhiều thay đổi tích cực”.

Tăng quy mô thương mại-dịch vụ

Những năm gần đây, tình hình sản xuất công nghiệp-xây dựng của huyện Mang Yang tiếp tục tăng trưởng. Giá trị sản xuất đạt 1.872 tỷ đồng, tăng bình quân 22,17%/năm, tăng 5,74% so với Nghị quyết Đại hộ đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVI. Huyện đặc biệt quan tâm kêu gọi thu hút đầu tư và mở rộng quy mô cụm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy đạt 44,8%.

Đến nay, Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai đã xây dựng nhà máy và đi vào hoạt động, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương, tạo cầu nối để nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước. Ngoài ra có 2 đơn vị đang khảo sát lập phương án xây dựng nhà máy chế biến dược liệu và trung tâm nghiên cứu, sản xuất giống công nghệ cao; nhà máy thủy điện, khai thác đá, cát sỏi, doanh nghiệp xây dựng công trình.

Tính đến nay, huyện đã kêu gọi đầu tư vào địa bàn 8 dự án với tổng vốn đăng ký gần 1.500 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có 5 nhà đầu tư đang khảo sát, lập hồ sơ đầu tư phát triển năng lượng tái tạo (điện gió) với công suất 1.303 MW.

Quy trình sơ chế chanh dây được HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm-ảnh Phương Linh (1)
Quy trình sơ chế chanh dây của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai (xã Đak Ta Ley) đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Phương Linh



Cùng với đó, huyện cũng đã chú trọng xây dựng hợp tác xã (HTX). Đến nay, toàn huyện có 15 HTX, trong đó có 14 HTX nông nghiệp và 1 HTX phi nông nghiệp, với tổng số thành viên là 1.590 người, tăng 290 thành viên so với năm 2015; thu nhập bình quân của thành viên HTX đạt 4 triệu đồng/người/tháng.

Chị Đỗ Thị Mỹ Thơm-Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai (xã Đak Ta Ley) cho biết: “Một số sản phẩm của HTX đã được công nhận là sản phẩm OCOP. Vừa qua, sản phẩm quả chanh dây tươi của HTX đã được đánh giá 4 sao cấp tỉnh, sản phẩm nước tinh cốt chanh dây cũng đạt 3 sao. Những sản phẩm này đã tìm được nguồn tiêu thụ ổn định trong nước và xuất khẩu sang nhiều quốc gia khác”.

Chủ tịch UBND huyện Mang Yang cho biết thêm: Bên cạnh kế thừa những thành tựu đã đạt được và đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn; phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương thì sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân là tiền đề quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của huyện.

Thời gian tới, huyện xác định mục tiêu khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, lợi thế, tiềm năng của huyện và tranh thủ sự hỗ trợ từ bên ngoài để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo bền vững. Lấy nông-lâm nghiệp làm cơ sở để ổn định kinh tế-xã hội, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến và phát triển du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái.

 KHÔI NGUYÊN
 

Có thể bạn quan tâm

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.