Kbang đẩy mạnh tuyên truyền miệng ở cơ sở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Qua hơn 2 năm tăng cường hoạt động tuyên truyền miệng, 176 tuyên truyền viên (TTV) cơ sở của huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) đã góp sức tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và người dân.
 

Ông Lê Thanh Sơn-Bí thư Đảng ủy xã Đak Hlơ-cho biết: Trên cơ sở chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy, Đảng ủy xã đã triển khai xây dựng lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở các thôn, làng; kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng, dư luận xã hội của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để phản ánh, tham mưu giúp cấp ủy Đảng, chính quyền các giải pháp thiết thực, giải quyết hiệu quả những vấn đề được dư luận quan tâm. Theo đó, hàng năm, cấp ủy và chính quyền xã Đak Hlơ đã chú trọng đổi mới nội dung, đa dạng hình thức tuyên truyền, lồng ghép vào các buổi họp dân, sinh hoạt chi bộ để phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân.

  Cán bộ xã Kon Pne (bìa phải) tuyên truyền, vận động người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Ảnh: M.N
Cán bộ xã Kon Pne (bìa phải) tuyên truyền, vận động người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Ảnh: Minh Nguyễn


“Đảng ủy xã chú trọng lựa chọn những người có uy tín, già làng, cán bộ, giáo viên về hưu, cựu chiến binh, người có năng lực, kinh nghiệm và hoạt động xã hội nhiệt tình, tích cực tham gia hoạt động tuyên truyền miệng; phục vụ tốt công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh ở địa phương. Nhờ đó, những năm qua, các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Tình trạng khiếu nại, tố cáo hầu như không xảy ra, sự đồng thuận trong nhân dân tiếp tục được tăng cường”-Bí thư Đảng ủy xã Đak Hlơ khẳng định.

Tại xã Kon Pne, ông Dương Quốc Điệp-Phó Chủ tịch UBND xã-cho biết: Sau khi thành lập đội TTV xã, địa phương đã ban hành đề cương, xây dựng kế hoạch tuyên truyền định kỳ trên các lĩnh vực. Hiệu quả dễ nhận thấy là người dân các làng Kon Hleng, Kon Ktonh và Kon Kring tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, đồng thời ý thức hơn trong việc quản lý, bảo vệ rừng; chấp hành tốt việc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, không chở quá số người quy định; nhận thức của người dân về tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết được nâng lên rõ rệt.

Ông Huỳnh Ngọc Bảo Long-Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Kbang-cho biết: Kbang là huyện vùng sâu, vùng xa với 21 dân tộc cùng sinh sống, riêng đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 47%, chủ yếu là người Bahnar (39,17%). Trình độ dân trí không đồng đều, đời sống kinh tế hầu hết dựa vào sản xuất nông nghiệp. Do vậy, Ban Thường vụ Huyện ủy xác định tuyên truyền miệng là hình thức đặc thù không thể thay thế được và phát huy nhiều ưu điểm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Sau hơn 2 năm hoạt động, đội ngũ TTV cơ sở của huyện đã phát huy được hiệu quả trong công tác tuyên truyền, là cầu nối chuyển tải chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở kịp thời. Các TTV đã trực tiếp vận động người dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, như: chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xây dựng cánh đồng mẫu lớn; hiến đất xây dựng các công trình công cộng; giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện…

Tuy nhiên, trao đổi với P.V, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Kbang cho rằng: Lực lượng TTV đông nhưng chưa mạnh do trình độ học vấn, lý luận chính trị, kinh nghiệm thực tiễn còn hạn chế, dẫn đến việc chuyển tải thông tin tới cán bộ, đảng viên và nhân dân có lúc thiếu kịp thời, hiệu quả chưa cao... Theo đó, Ban Thường vụ Huyện ủy tiếp tục chỉ đạo Đảng ủy các xã, thị trấn kiện toàn đội ngũ TTV cơ sở với 176 người gồm: bí thư (hoặc phó bí thư) các chi bộ trực thuộc Đảng ủy các xã, thị trấn và trưởng ban công tác Mặt trận các thôn, làng, tổ dân phố.

Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Kbang cũng xây dựng thí điểm lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở các thôn, làng của xã Sơ Pai; tổ chức rút kinh nghiệm, nhân rộng ra toàn huyện. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Huyện ủy với Đảng ủy các xã trong suốt quá trình xây dựng, tổ chức hoạt động của lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở các thôn, làng; góp phần giải quyết hiệu quả những vấn đề “nóng”, thời sự được dư luận quan tâm.

 MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.