Ia Grai xây dựng làng nông thôn mới trên biên giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đang tích cực triển khai xây dựng 11 làng nông thôn mới (NTM) ở vùng biên giới theo Quyết định số 1385/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, các làng vùng “phên giậu” của Tổ quốc từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống người dân.
 

Theo kế hoạch, năm 2020, huyện Ia Grai triển khai xây dựng 11 làng NTM gồm: làng O, làng Lân, làng Cúc, Mít Kom 1, Mít Chép, Mít Kom 2 (xã Ia O), Kom Yố, Kom Ngố, làng Lang, làng Bía, làng Nú 2 (xã Ia Chía). Mục tiêu hướng tới của chương trình này là cải thiện chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần cho người dân. Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm giảm ít nhất 5%, thu nhập tăng từ 1,6 đến 1,8 lần so với năm 2015; có mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả gắn với liên kết vùng nguyên liệu hoặc mô hình phát triển làng văn hóa du lịch cộng đồng; cơ bản hoàn thành một số công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân.

 Một góc làng Mít Chép (xã Ia O, huyện Ia Grai). Ảnh: L.N
Một góc làng Mít Chép (xã Ia O, huyện Ia Grai). Ảnh: Lê Nam


Làng Lang có 340 hộ với 1.124 khẩu. Khi xã vận động hiến đất làm đường giao thông nông thôn, nhiều hộ dân đồng tình hưởng ứng. Lão nông Ksor Phới vui vẻ cho biết: “Gia đình tôi đã tự nguyện chặt bỏ hơn 20 cây cao su đang khai thác trên diện tích 400 m2 để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nên gia đình tôi rất đồng tình. Làm đường giao thông nông thôn sẽ giúp cho người dân trong làng đi lại thuận tiện hơn”.

Ông Rơ Mah Vân-Trưởng thôn Lang-cho biết: “Đến nay, chúng tôi đã làm mới và sửa chữa được hơn 2,6 km đường bê tông, cơ bản đã hoàn thành tiêu chí giao thông; còn lại các tiêu chí như: nhà ở dân cư, thu nhập và vệ sinh môi trường đang tiếp tục thực hiện. Riêng với tiêu chí hộ nghèo, làng phấn đấu giúp 3/22 hộ thoát nghèo để về đích NTM vào cuối năm nay”.

Theo ông Rah Lan Gâu-Chủ tịch UBND xã Ia Chía: Ủy ban nhân dân huyện giao chỉ tiêu cho xã trong năm 2020 phải có 5 làng được công nhận đạt chuẩn NTM. Đây là nhiệm vụ khá nặng nề. Do đó, ngay từ đầu năm, UBND xã đã giao cụ thể cho từng thành viên ban chỉ đạo xây dựng NTM phụ trách từng làng nhằm nắm bắt nhu cầu, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM.

Đến nay, xã đã thành lập tổ hợp tác sản xuất điều tại 5 làng theo hướng xây dựng chuỗi giá trị để nâng cao thu nhập và phát triển bền vững. Hình thành mối liên kết giữa người dân với Hợp tác xã điều Phương Di. Xã hỗ trợ mỗi làng 125 triệu đồng để xây nhà vệ sinh, hàng rào, đào giếng nước ở nhà văn hóa của làng; 18 hộ nghèo được hỗ trợ 18 con bò sinh sản làm phương tiện sinh kế.

Đồng thời, UBND xã giao cho các ngành, đoàn thể phối hợp với các làng vận động mỗi hộ dân đào 1 hố rác tại vườn, thu gom rác thải, thường xuyên dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm, đảm bảo vệ sinh môi trường và xây dựng cảnh quan, môi trường xanh-sạch-đẹp.

Ông Rơ Mah Vân-trưởng thôn Lang chỉ con đường được người dân hiến đất để chuẩn bị làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: L.N
Ông Rơ Mah Vân-trưởng thôn Lang chỉ khu vực người dân hiến đất để chuẩn bị làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Lê Nam


Tương tự, làng O, Mít Kom 1, Mít Kom 2, Mít Chép, làng Lân, làng Cúc (xã Ia O) cũng đang tích cực hoàn thiện các tiêu chí xây dựng NTM. Từ đầu năm đến nay, các làng đã làm mới được hơn 4 km đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí hơn 4,1 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ hơn 4 tỷ đồng. Ngoài ra, Nhà nước còn hỗ trợ hơn 6,4 tỷ đồng cho 6 làng xây dựng các thiết chế văn hóa và mua sắm trang-thiết bị. Bên cạnh đó, hỗ trợ xây nhà vệ sinh cho 120 hộ nghèo với kinh phí 510 triệu đồng; hỗ trợ 72 máy phát cỏ cho hộ nghèo và hộ cận nghèo của 9 làng, với kinh phí hơn 266 triệu đồng…

Ông Siu Nghiệp-Chủ tịch UBND xã Ia O-cho hay: Cả hệ thống chính trị của xã và các làng tập trung tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng làng NTM, xác định nhiệm vụ cụ thể cho từng tiêu chí để thực hiện. Đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên. Cơ sở hạ tầng được đầu tư phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn; quốc phòng-an ninh được đảm bảo, trật tự xã hội cơ bản ổn định. “

Xã Ia O phấn đấu có 6 làng đạt chuẩn NTM và xã sẽ hoàn thành thêm 2 tiêu chí NTM vào cuối năm nay. Đây là tiền đề vững chắc cho mục tiêu đến cuối năm 2021 xã Ia O sẽ về đích NTM”-Chủ tịch UBND xã Ia O nhấn mạnh.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Phùng Hưng-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Trong 2 năm 2019-2020, ngân sách trung ương đầu tư hơn 17,7 tỷ đồng để triển khai “Đề án hỗ trợ thôn, làng khu vực biên giới xây dựng NTM” ở 11 làng thuộc xã Ia O và Ia Chía. Cùng với đó, huyện huy động các nguồn lực lồng ghép để hỗ trợ các làng này đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM. Phấn đấu đến cuối năm 2020 có 50% số làng được công nhận hoàn thành tiêu chí làng NTM.

 LÊ NAM
 

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.
Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

(GLO)- Cách TP. Pleiku chừng 15 km, vườn nho Gia Lai (ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) của anh Đặng Đại Dương đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên và đón khách đến tham quan, trải nghiệm.