Hành trình yêu thương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mặc dù chỉ diễn ra trong một buổi sáng nhưng chương trình “Hành trình yêu thương” đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân tổ dân phố Plei Hle Ktu, thị trấn Kông Chro.
Sáng 11-7, ngôi nhà rông của tổ dân phố Plei Hle Ktu trở nên nhộn nhịp. Bà con dân làng và 50 em học sinh của Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai-điểm trường Plei Hle Ktu đã tập trung đông đủ. Bên mái nhà rông truyền thống, ai nấy đều hồ hởi quét dọn, sắp xếp bàn ghế để chuẩn bị cho chương trình “Hành trình yêu thương”.
Đây là chương trình do Đoàn cơ sở Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Chi Đoàn Báo Gia Lai, Chi Đoàn Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội-Chi nhánh Gia Lai cùng Chi Đoàn 1 Cảnh sát nhân dân, Chi Đoàn PC02, Hội Phụ nữ Cảnh sát nhân dân 3 (Công an tỉnh) phối hợp với Huyện Đoàn Kông Chro tổ chức.
 Đoàn viên, thanh niên tham gia chương trình “Hành trình yêu thương” lắp đặt hệ thống dẫn nước cho gia đình bà Đinh Thị H’Nghin. Ảnh: Phương Linh
Đoàn viên, thanh niên tham gia chương trình “Hành trình yêu thương” lắp đặt hệ thống dẫn nước cho gia đình bà Đinh Thị H’Nghin. Ảnh: Phương Linh

Tại hành trình lần này, các đơn vị đã lắp đặt hệ thống dẫn nước cho gia đình bà Đinh Thị H’Nghin (tổ dân phố Plei Hle Ktu). Hệ thống này gồm 1 bồn đựng nước inox 1.000 lít, chân hàn bằng sắt chắc chắn cao 2 m cùng ống nối. Bà H’Nghin là thương binh, đang sống cùng vợ chồng con trai. Mặc dù đã có giếng nhưng gia đình bà không có tiền lắp bồn đựng nước.

Anh Đinh Văn Nhok-con trai bà H’Nghin-vui mừng tâm sự: “Mình cảm ơn các bạn đoàn viên nhiều lắm! Hôm nay, gia đình được lắp đặt bồn nước inox, việc giặt giũ, tắm rửa hay lấy nước sinh hoạt cũng thuận tiện hơn. Mẹ mình mắt mờ nhưng vẫn có thể lấy nước để rửa ráy, tắm giặt rồi. Cả nhà mình vui lắm”. Đôi mắt đã mờ, bước đi chậm rãi, khi chạm tay vào hệ thống dẫn nước do các đoàn viên, thanh niên lắp đặt phía sau nhà, bà H’Nghin xúc động không nói nên lời.

Chương trình đã tặng nhiều phần quà cho gia đình người có công trên địa bàn. Ảnh: Phương Linh
Chương trình đã tặng nhiều phần quà cho gia đình người có công trên địa bàn. Ảnh: Phương Linh
Dịp này, “Hành trình yêu thương” còn tặng 20 suất quà (400.000 đồng/suất) cho gia đình người có công, 50 suất quà (200.000 đồng/suất) cho các em học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai-điểm trường Plei Hle Ktu. Ngoài ra, chương trình còn trao nhiều quà bánh, quần áo cho bà con nghèo.
Ông Đinh Hơi-Bí thư chi bộ tổ dân phố Plei Hle Ktu-bày tỏ: “Đời sống của người dân nơi đây vẫn còn khó khăn, các em học sinh vẫn rất thiếu thốn. Vì thế, tôi thực sự cảm ơn các đơn vị đã quan tâm đến tặng quà, giúp đỡ bà con. Đây là niềm vui, nguồn động viên rất lớn dành cho các gia đình”.
Chị Nguyễn Thị Yến-Bí thư Đoàn cơ sở Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-chia sẻ: “Hằng năm, cứ đến dịp kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7), chúng tôi lại phối hợp cùng các tổ chức cơ sở Đoàn trên địa bàn đến thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ các gia đình chính sách, người có công với cách mạng còn khó khăn trong tỉnh. Giá trị vật chất mỗi phần việc, phần quà không nhiều song đó là tấm lòng của đoàn viên, thanh niên nhằm động viên bà con vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Những hoạt động hướng về cơ sở còn giúp các bạn đoàn viên, thanh niên hiểu rõ hơn thực tế cuộc sống của người dân vùng khó để có hành động chia sẻ kịp thời”.
Trong khi đó, anh Nguyễn Mạnh Tiến-Bí thư chi đoàn Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội-Chi nhánh Gia Lai thì bày tỏ: “Những chuyến đi như thế này giúp các bạn hiểu thêm về cuộc sống, được giao lưu, kết nối và học hỏi thêm kinh nghiệm từ đoàn viên các đơn vị bạn”.
PHƯƠNG VI

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.
“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.