Xây dựng làng nông thôn mới trên biên giới Chư Prông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo kế hoạch, cuối năm 2020, 4 làng gồm: Chư Kó, Goòng (xã Ia Púch) và Ring, Klăh (xã Ia Mơr, huyện Chư Prông) sẽ đạt chuẩn làng nông thôn mới (NTM). Để hoàn thành mục tiêu này, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền 2 xã nói trên đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp cùng với sự nỗ lực chung tay của người dân.
Nhiều tiêu chí chưa đạt chuẩn
Ông Lê Văn Tuấn-Chủ tịch UBND xã Ia Púch-cho hay: Cuộc sống của người dân làng Chư Kó và làng Goòng còn nhiều khó khăn. Đến nay, 2 làng này mới chỉ đạt 11/19 tiêu chí NTM. 8 tiêu chí chưa đạt gồm: cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo, giáo dục và đào tạo, tổ chức sản xuất, môi trường và an toàn thực phẩm, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật. Theo ông Tuấn, trăn trở nhất của địa phương trong lộ trình xây dựng làng NTM là tiêu chí hộ nghèo và thu nhập. Bởi lẽ, thu nhập bình quân đầu người của người dân 2 làng hiện chỉ đạt xấp xỉ 1/3 mức chuẩn tiêu chí NTM. Tương tự, số hộ nghèo còn khá cao, làng Chư Kó còn 19/162 hộ (chiếm 11,73%), làng Goòng còn 26/267 hộ (chiếm 9,74%); tỷ lệ hộ có nhà ở đạt chuẩn chỉ trên 40%...
Anh Siu Năm (bìa trái; làng Goòng, xã Ia Púch, huyện Chư Prông) đã vay 30 triệu đồng để trồng điều cao sản. Ảnh: A.H
Anh Siu Năm (bìa trái; làng Goòng, xã Ia Púch, huyện Chư Prông) đã vay 30 triệu đồng để trồng điều cao sản. Ảnh: A.H
Với xã biên giới Ia Mơr, làng Klăh mới đạt 8/19 tiêu chí NTM (quy hoạch, thủy lợi, điện, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, lao động có việc làm, thông tin và truyền thông, văn hóa, quốc phòng và an ninh); còn làng Ring đạt 12/19 tiêu chí (quy hoạch, thủy lợi, điện, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin và truyền thông, nhà ở dân cư, hộ nghèo, lao động có việc làm, tổ chức sản xuất, giáo dục và đào tạo, y tế, quốc phòng và an ninh). Ông Nguyễn Tuấn Anh-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr-cho biết: Đối với làng Klăh, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 13,25%, chất lượng nhà ở và diện tích sử dụng chưa đảm bảo, số hộ có nhà vệ sinh đạt thấp, thu nhập bình quân đầu người cũng chỉ đạt xấp xỉ 1/3 mức chuẩn tiêu chí NTM. Đặc biệt, tại 2 làng này, rác thải chưa được thu gom, xử lý; tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh chỉ đạt khoảng 40%... Riêng với làng Ring vẫn còn một số tuyến đường nội thôn, đường ra khu sản xuất chưa được cứng hóa, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân, nhất là vào mùa mưa; điểm trường học vẫn còn thiếu trang-thiết bị, đồ dùng dạy học và chưa có nhà ăn, nhà nghỉ trưa cho trẻ.
Quyết tâm hoàn thành mục tiêu
Để đưa các làng đạt chuẩn NTM, Chủ tịch UBND xã Ia Púch cho biết: Các ban, ngành, đoàn thể của xã thường xuyên phối hợp tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cây trồng; cải tạo những vườn điều già cỗi sang trồng điều cao sản hoặc cây ăn quả. “Trên địa bàn xã hiện có 1 công trình thủy lợi đang thi công và dự kiến cuối năm 2020 sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng, đảm bảo nguồn nước tưới cho khoảng 300 ha cây trồng của người dân xã Ia Boòng và làng Chư Kó (xã Ia Púch). Công trình thủy lợi cùng với 4 con suối (Ia Púch, Ia Drăng, Gà, Nghóe) sẽ góp phần cung cấp nguồn nước tưới, nâng cao năng suất cây trồng và từng bước cải thiện đời sống nhân dân”-Chủ tịch UBND xã Ia Púch chia sẻ.
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động, Bộ đội Biên phòng giúp người dân làm hàng rào. Ảnh: P.D
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động, Bộ đội Biên phòng giúp người dân làm hàng rào. Ảnh: P.D

Ông Đinh Văn Dũng-Chủ tịch UBND huyện Chư Prông: “Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo xã Ia Púch và Ia Mơr tăng cường tuyên truyền, vận động để phát huy nội lực trong nhân dân; khai thác các tiềm năng, thế mạnh của địa phương; tiến hành rà soát, phân loại đối tượng để có hình thức giúp đỡ phù hợp, đồng thời kêu gọi các tổ chức, các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn... cùng chung sức với địa phương xây dựng NTM. Tin chắc rằng, cuối năm 2020, diện mạo NTM ở các làng vùng biên này sẽ có nhiều thay đổi, nhất là kéo giảm đáng kể số hộ nghèo”.

Bên cạnh đó, xã cũng rà soát, tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận với các nguồn vốn vay để phát triển sản xuất; cử cán bộ thường xuyên xuống làng hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích. Đồng thời, xã tiếp tục vận động nhân dân đóng góp và kêu gọi các doanh nghiệp, đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn tham gia giúp dân. Nói về việc sử dụng nguồn vốn vay, anh Siu Năm (làng Goòng) cho biết: “Mình có 2 ha mì và 5 sào lúa rẫy. Lúa thì mỗi năm chỉ thu được khoảng 7 bao, còn cây mì do đất cằn, không có phân bón nên cũng không hiệu quả. Năm 2019, mình vay 30 triệu đồng để chuyển sang trồng điều cao sản. Mình đầu tư phân bón, cây giống hết hơn 10 triệu đồng, số tiền còn lại dành mua phân bón”.

Đối với 2 làng của xã Ia Mơr, ông Nguyễn Tuấn Anh thông tin: “Về cơ bản, đời sống của người dân làng Ring đã có nhiều chuyển biến tích cực. Làng hiện chỉ còn 1 hộ nghèo đang được Đồn Biên phòng Ia Lốp nhận giúp xóa nghèo trong năm. Do đó, từ nay đến cuối năm, xã tập trung xây dựng, sửa chữa hội trường thôn, các điểm trường học cũng như mua sắm trang-thiết bị, tuyên truyền, vận động nhân dân làm hàng rào, trồng cây xanh”. Còn với làng Klăh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết đã tiến hành khảo sát, đánh giá, giao các cơ quan, đoàn thể phụ trách giúp đỡ và phấn đấu cuối năm có ít nhất 7 hộ thoát nghèo, riêng Đồn Biên phòng Ia Mơr nhận giúp 1 hộ. Song song với đó, xã cũng phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động mỗi hộ dành tối thiểu 10 m2 đất để trồng rau xanh phục vụ nhu cầu hàng ngày; vận động nhân dân tiếp tục chỉnh trang hàng rào, di dời chuồng trại chăn nuôi ra xa nhà ở, đào hố rác sau nhà. “Thời gian tới, Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh) sẽ đưa 25 cán bộ, chiến sĩ xuống giúp người dân làm hàng rào, dịch chuyển chuồng trại chăn nuôi, làm nhà vệ sinh, trồng cây xanh tại các tuyến đường, tạo cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp, góp phần chung sức cùng địa phương xây dựng NTM”-ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết thêm.
ANH HUY

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.
Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

(GLO)- Cách TP. Pleiku chừng 15 km, vườn nho Gia Lai (ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) của anh Đặng Đại Dương đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên và đón khách đến tham quan, trải nghiệm.