Đức Cơ nâng cao chất lượng dân số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) ở huyện Đức Cơ đã được quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và thực hiện. Qua đó, huyện đã đạt được nhiều kết quả khả quan, nhận thức của người dân thay đổi, quy mô gia đình ít con được nhiều hộ lựa chọn. 
Những kết quả khả quan
Để thay đổi nhận thức của người dân về thực hiện chính sách DS-KHHGĐ, các ngành, địa phương trong huyện tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động. Bà Mai Thị Tuyết Yến-cán bộ phụ trách Phòng Dân số (Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ) cho biết: Từ năm 2019 đến nay, bằng các hình thức như tuyên truyền trực tiếp, nói chuyện chuyên đề, thông qua các tiểu phẩm, văn nghệ, đề án, dự án, Trung tâm đã tổ chức được 125 buổi tư vấn cho gần 10.000 lượt người về cách chăm sóc phụ nữ trước và sau sinh, khám sức khỏe tiền hôn nhân... Tại các buổi tuyên truyền, người dân không chỉ được giới thiệu thông qua các tờ rơi mà còn được hướng dẫn trực quan sao cho thật dễ hiểu, dễ thực hiện. Từ đó, nhận thức về chính sách dân số được nâng lên, quy mô gia đình ít con thu hút nhiều cặp vợ chồng thực hiện, từng bước góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Chị Phạm Thị Miễu (làng Ấp, xã Ia Kriêng) chia sẻ: “Được cán bộ và cộng tác viên dân số quan tâm tuyên truyền thực hiện các biện pháp tránh thai, tuy sinh con một bề nhưng vợ chồng trẻ như chúng tôi không có ý định sinh thêm con thứ 3 mà quyết định dừng lại ở 2 con để có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy các con ăn học đến nơi đến chốn”.
 Cán bộ dân số huyện Đức Cơ trao đổi chuyên môn nghiệp vụ. Ảnh: Đ.Y
Cán bộ dân số huyện Đức Cơ trao đổi chuyên môn nghiệp vụ. Ảnh: Đ.Y
Không chỉ tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chính sách dân số, đội ngũ cộng tác viên dân số còn lồng ghép với các hội, đoàn thể trao đổi về tâm tư, tình cảm, đời sống gia đình, kinh nghiệm nuôi con khỏe-dạy con ngoan, chăm sóc sức khỏe sinh sản, giúp nhau phát triển kinh tế nên hiệu quả công tác truyền thông thu được nhiều kết quả. Tính đến nay, tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai đạt gần 80%; nhiều biện pháp khó vận động như đặt vòng, tiêm thuốc tránh thai đều vượt chỉ tiêu đề ra. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên có xu hướng giảm theo từng năm.
Ia Kriêng là xã dẫn đầu về công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản và giảm tỷ lệ sinh con thứ 3. Ông Lê Văn Tạo-viên chức dân số Trạm Y tế xã-thông tin: Tại 6 thôn làng của xã có 11 cộng tác viên dân số, tất cả thường xuyên được nâng cao năng lực truyền thông. Hàng tháng, hàng quý, viên chức và cộng tác viên dân số thường xuyên phối hợp với hội, đoàn thể trong xã lồng ghép tuyên truyền các chính sách DS-KHHGĐ. Nhờ đó, nhận thức của người dân về công tác dân số đã đạt những kết quả nhất định. Phần lớn mọi người đã thấy được lợi ích của việc thực hiện KHHGĐ, đặc biệt là tư tưởng muốn sinh nhiều con và phải có con trai đã không còn phổ biến.
Còn tại xã Ia Dom, công tác thăm khám sức khỏe tiền hôn nhân luôn được chú trọng. Bà Hồ Thị Vân-viên chức dân số Trạm Y tế xã-nhận định: Khám sức khỏe tiền hôn nhân rất cần thiết đối với những cặp nam, nữ chuẩn bị kết hôn, mang lại lợi ích lớn về sức khỏe sinh sản, thể chất và tinh thần cho cuộc sống hôn nhân. Đó còn là tiền đề nâng cao chất lượng dân số. “Do vậy, hàng năm, xã đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều phương pháp như tuyên truyền trên loa phát thanh, tờ rơi. Cán bộ dân số cũng xác định đối tượng đủ tuổi kết hôn hoặc chuẩn bị kết hôn để đến tận nhà vận động. Những đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo được khám sức khỏe tiền hôn nhân miễn phí. Đối tượng nào còn ngại ngần, cán bộ dân số trực tiếp đến tận nhà vận động. Với cách làm đó, từ năm 2018 đến nay, xã có 18 thanh niên đủ tuổi kết hôn thực hiện khám sức khỏe tiền hôn nhân”-bà Vân cho hay. 
Khắc phục khó khăn 
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách dân số trên địa bàn huyện cũng còn gặp một số khó khăn, thách thức. Đó là tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở huyện còn mức cao (114 nam/100 nữ). Tỷ lệ sinh con thứ 3 có giảm nhưng chưa thực sự bền vững, cơ cấu dân số có nhiều biến động; nhận thức của một bộ phận người dân, đặc biệt người dân tộc thiểu số chưa cao. Kinh phí dành cho các hoạt động về công tác dân số còn hạn chế; một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, ban ngành còn tư tưởng giao phó công tác này cho đội ngũ viên chức dân số.
Tuyên truyền khám sức khỏe tiền hôn nhân cho thanh niên tại xã Ia Dom. Ảnh: Đ.Y
Tuyên truyền khám sức khỏe tiền hôn nhân cho thanh niên tại xã Ia Dom. Ảnh: Đ.Y
Theo bà Mai Thị Tuyết Yến, để giải quyết những vướng mắc trên, công tác DS-KHHGĐ cần được tiếp tục đưa vào quy ước, hương ước của thôn làng khi triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó là duy trì hiệu quả mức sinh thay thế giúp giảm sức ép về mất cân bằng giới tính khi sinh, làm chậm tốc độ già hóa dân số, giảm thiếu hụt lao động. Việc duy trì mức sinh hợp lý một mặt giúp giảm sinh ở những địa phương có mức sinh cao, mặt khác duy trì kết quả đã đạt được ở mức sinh hợp lý là 2,1 con/phụ nữ. Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để người dân đồng thuận với quy mô gia đình 2 con.
Bà Hồ Thị Vân cũng thông tin: “Chúng tôi đang đẩy mạnh thực hiện đề án “Nâng cao chất lượng dân số thông qua tuyên truyền vận động, phát hiện, can thiệp sớm tật, bệnh ở thai nhi và trẻ sơ sinh”, đề án “Nâng cao chất lượng dân số người cao tuổi” và mô hình “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân”. Đồng thời, duy trì các mô hình can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, mô hình sinh hoạt ngoại khóa ở các trường THPT, truyền thông tại cộng đồng, truyền thông trong chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ”.
ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

(GLO)- Cách TP. Pleiku chừng 15 km, vườn nho Gia Lai (ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) của anh Đặng Đại Dương đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên và đón khách đến tham quan, trải nghiệm.
Pleiku lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện

Pleiku lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện

(GLO)- Hưởng ứng phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN) với thông điệp "Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại", nhiều người dân ở TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã tích cực tham gia HMTN. Việc làm của họ đã góp phần đáp ứng nhu cầu máu cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân.

Người tốt-Việc tốt: Giáo dân tiêu biểu làng Thong Yố

Người tốt-Việc tốt: Giáo dân tiêu biểu làng Thong Yố

(GLO)- Ông Rơ Lan Đăk (làng Thong Yố, xã Ia Kênh, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) là tấm gương tiêu biểu trong lao động sản xuất cũng như tuyên truyền, vận động đồng bào theo đạo Công giáo tham gia xây dựng nông thôn mới, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh.

Ngôi đình “vàng” ở Pleiku

Ngôi đình “vàng” ở Pleiku

(GLO)- Đình Kế Môn (tổ 5, phường Hoa Lư, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã tồn tại từ hơn nửa thế kỷ trước nhưng lại khá ít người biết đến. Từ làng Kế Môn, những người thợ kim hoàn đã tỏa ra khắp mọi miền đất nước, mở rộng thị trường khiến tiếng thơm về làng vàng Kế Môn ngày một vang xa.