Đổi thay ở làng phong

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đó vẫn là ngôi làng thuộc “vùng trũng” của xã biên giới Ia Púch (huyện Chư Prông) do số hộ nghèo còn khá cao với 39/73 hộ. Song 3 năm trở lại đây, làng Bỉh (còn gọi là làng phong) đã có nhiều khởi sắc.
Lý giải vì sao làng Bỉh lại được gọi là làng phong, già làng Rơ Mah Hỹh cho biết: Nhiều năm trước đây, ngôi làng này chỉ có hơn 20 hộ dân sinh sống, hầu như hộ nào cũng có người mắc bệnh phong. Tuy nhiên, đấy là chuyện của nhiều năm về trước. Hiện tại, làng chỉ còn 2 bệnh nhân phong.
Ở tuổi 80, bà Che không nhớ chính xác mình bị bệnh phong khi nào. Dẫu phải chịu cảnh tật nguyền nhưng bà Che vẫn cảm thấy may mắn, vì 2 con gái và chồng đều lành lặn, khỏe mạnh. Con cái bà Che đều đã lập gia đình và ở riêng. Chồng cũng đã mất, bà Che sống một mình trong ngôi nhà “Đại đoàn kết” được Nhà nước xây tặng năm 2011. Thỉnh thoảng, bà vẫn ra vườn điều sau nhà, dùng sợi dây cột 1 dụng cụ bằng nhựa cứng vào cùi tay để lượm hạt điều bán lấy tiền. Còn ông Siu Bam, dù tứ chi đều đã bị rụng hết ngón nhưng ngày ngày vẫn cùng vợ con đi làm rẫy cách nhà gần 6 km. Ông Bam nói: “Ở nhà cũng buồn nên theo vợ con lên rẫy phụ giúp được việc gì hay việc đó”.
Lãnh đạo xã Ia Púch (huyện Chư Prông) tham quan vườn điều của gia đình ông Rơ Mah Hỹh. Ảnh: A.H
Lãnh đạo xã Ia Púch (huyện Chư Prông) tham quan vườn điều của gia đình ông Rơ Mah Hỹh. Ảnh: A.H
Chủ tịch UBND xã Ia Púch Lê Văn Tuấn cho hay: 3 năm trở lại đây, làng Bỉh đã có nhiều khởi sắc. Dễ nhận thấy nhất là nhà cửa gọn gàng, đường làng sạch sẽ, nhà này với nhà kia có hàng rào tách biệt; người dân trong làng còn tự nguyện góp tiền để kéo điện đường thắp sáng vào buổi tối. Riêng về tỷ lệ hộ nghèo, 3 năm trước, làng Bỉh còn gần 50 hộ nghèo thì đến nay giảm xuống còn 39 hộ. Mặc dù cây điều vẫn là cây trồng chủ lực nhưng vài năm trở lại đây người dân đã phát triển thêm các loại cây trồng khác như: cao su, cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả. Người dân làng Bỉh hiện có gần 120 ha điều, 6,5 ha cao su, 26 ha lúa, 31 ha mì; nuôi 94 con bò, gần 10 con heo và hơn 300 con gà, vịt. Riêng cây ăn quả, làng có 727 cây mít, 120 cây xoài, 614 cây ổi, 325 cây chôm chôm, 400 cây cam, 504 cây bưởi và 300 cây na.
Chứng kiến những đổi thay của làng, ông Hỹh chia sẻ: “Trước đây, làng mình nghèo do người dân vẫn còn trông chờ, ỷ lại, lười lao động. Nhưng bây giờ đỡ rồi. Nhiều hộ đã biết đưa máy móc vào sản xuất, biết trồng cây điều ghép cho năng suất cao, rồi trồng thêm cây ăn quả”. Làng Bỉh hiện có 20 hộ có mức thu nhập bình quân 50-100 triệu đồng/năm, điển hình như gia đình các ông, bà: Rơ Mah Nhíp, Kpuih Keo, Siu Vê, Phạm Thị Cẩm Nhung, Dương Quang Phú. Trong số đó có người là con của bệnh nhân phong đã vượt qua mặc cảm, tự ti từng bước vươn lên phát triển kinh tế như gia đình anh Rơ Mah Chệ. Với 6 ha điều, 1 ha lúa, 2 sào đậu và nuôi thêm 5 con bò, mỗi năm gia đình anh Chệ thu nhập trên 100 triệu đồng. Bản thân ông Hỹh cũng trở thành tấm gương trong phát triển kinh tế với thu nhập bình quân mỗi năm hơn 100 triệu đồng từ 3 ha điều và 6 con bò. “Tôi có 3 vườn điều, vườn lớn nhất rộng hơn 2 ha gần làng nên vợ chồng tôi làm thêm 1 căn nhà trong này cho tiện việc chăm sóc, thu hoạch và nuôi bò. Năm nào điều được mùa, được giá, vợ chồng tôi thu khoảng 150 triệu đồng. Ban đầu, tôi được Nhà nước hỗ trợ 1 con bò. Bây giờ có 6 con rồi”-ông Hỹh bộc bạch.
Trao đổi thêm về kế hoạch giảm nghèo trong năm 2020 tại làng Bỉh, Chủ tịch UBND xã cho hay sẽ phấn đấu giảm 6-7 hộ. Theo đó, UBND xã chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể phối hợp với các đơn vị đứng chân trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức, giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất, sinh hoạt. Rà soát, tạo điều kiện để người dân được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi cũng như các nguồn hỗ trợ về cây giống, con giống; cử cán bộ thường xuyên bám làng, hướng dẫn người dân cắt tỉa cây điều già cỗi, kém năng suất sang trồng cây điều ghép. Đồng thời, vận động doanh nghiệp và các lực lượng đứng chân trên địa bàn tích cực chung sức cùng cấp ủy, chính quyền địa phương giúp dân xóa đói, giảm nghèo.     
ANH HUY

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.